Tập đoàn dệt may khổng lồ Texhong ở Hong Kong, Trung Quốc, mới đây cam kết chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất ở Việt Nam dù có thể Mỹ sẽ không thông qua Hêp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đối với Tập đoàn Dệt may Texhong ở Hong Kong, Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam là một bước đi chiến lược phá vỡ các tác động bất lợi của việc đất nước này không phải là một thành viên của TPP.
Nhưng giờ đây, ngay cả khi sự không chắc chắn phủ bóng lên hiệp định này trong bối cảnh đối lập giữa 2 chính đảng của Mỹ, công ty Trung Quốc này vẫn cam kết chắc chắn họsẽ tiếp tục mở rộng sản xuất ở Việt Nam.
Texhong là một trong những nhà cung cấp sợi lớn nhất thế giới, đã tích cực xây dựng năng lực sản xuất cho Việt Nam, một thành viên trong hiệp định TPP. Chủ tịch Hong Tianzhu đồng thời là người sáng lập tập đoàn trên cho biết, một trong những mục đích của việc đầu tư này là để đối phó với các hiệp định thương mại.
Thi hành hiệp định TPP “sẽ đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc“, vì vậy công ty đang xây dựng hoạt động ở Việt Nam “với các lợi thế về kinh phí” và triển vọng của hiệp ước, ông Hong cho biết trong báo cáo hàng năm mới nhất hồi tháng 3.
Công ty này đang trong quá trình thương thảo với Việt Nam bất chấp những rào cản quanh giao dịch. Giám đốc điều hành Zhu Yongxiang hôm 22/8 nói rằng, thậm chí không có TPP, khả năng cạnh tranh của các công ty Việt Nam vẫn “rất mạnh mẽ, trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á và thậm chí so với các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc“.
Sản xuất ở Việt Nam có ít nhất 3 lợi thế so với những nước trong hiệp định TPP, Zhu nói. Đó là:
1. Quan hệ thương mại với thế giới tương đối thuận lợi hơn so với Trung Quốc. Ngay cả trước hiệp định TPP, thuế đánh trên các loại sợi xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đã thấp hơn so với xuất khẩu chúng từ các nhà máy ở Trung Quốc.
2. Chi phí sản xuất là một lợi thế khác. “So với Trung Quốc, giá nhân công, điện và các chi phí khác ở Việt Nam thấp hơn“, ông Zhu nói.
3. Ngoài ra, vị trí của nhà máy “rất thuận lợi” cho các hoạt động của công ty. Nhà máy liên hợp sản xuất của Việt Nam nằm ngay tại tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.
Điều này cho phép tập đoàn dệt may này đưa nhà máy ở Việt Nam vào dây chuyền sản xuất đã được thành lập ở miền Nam Trung Quốc, gần bến cảng giúp thuận tiên hơn trong việc xuất khẩu.
Việc mở rộng công ty tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục. Dây chuyền sản xuất sợi mới sẽ đưa vào hoạt động trong nửa năm tới. Sau khi hoàn thành, sản lượng sợi sản xuất tại Việt Nam dự kiến sẽ gần ngang bằng với công ty ở Trung Quốc.
Thiết bị sản xuất với công suất hàng năm là 60 triệu mét vải xám, 40 triệu mét vải dệt nhuộm, và 7 triệu sản phẩm may mặc sẽ được lắp đặt vào khoảng tháng 11 và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2017.
Năng suất của một số ngành ở Việt Nam đã vượt trội hơn so với Trung Quốc, Zhu nói. Hơn nữa, các nghiên cứu về những địa điểm khác trong khu vực Đông Nam Á đã củng cố thêm lợi thế của Việt Nam. Vị đồng Giám đốc điều hành cũng thừa nhận rằng Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tiên trong tương lai để mở rộng sản xuất.
Hồng Liên, theo asia.nikkei.com