Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tới gần, ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn lại tung chiêu mới khống chế ông Giang can thiệp vào “đại yến tiệc mùa thu” này.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thiết lập cơ sở cho phép công dân tố cáo quan chức, không giới hạn đối tượng bị tố cáo và có thể khởi kiện tới cả lãnh đạo “cấp chính quốc”, tức cấp cao nhất.
Đồng thời bổ sung thêm quy định quan chức phải khai báo sở hữu tài sản và tình hình cư trú của người thân tại nước ngoài. Phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình đã sử dụng hai chiêu trên khiến người cầm đầu phe đối thủ của mình là ông Giang Trạch Dân phải “ngậm miệng”, mục đích tránh sự can thiệp từ phe ông Giang trong việc bố trí nhân sự cho đại hội 19.
Truyền thông Hồng Kông ngày 9/5 đăng bài bình luận, theo truyền thống tại mỗi nhiệm kỳ mới của ĐCSTQ, các cựu ủy viên thường trực đã nghỉ hưu đều đặc biệt “quan tâm” đến phương diện bố trí nhân sự, ai cũng muốn người của mình dành được ghế trong Bộ chính trị, không thì sẽ bố trí đề bạt từ địa phương lên trung ương nhằm duy trì sức ảnh hưởng. Việc làm này khiến giới chức cấp cao của ĐCSTQ không thể không thỏa hiệp để cân bằng các phương diện.
Đại hội 19 của ĐCSTQ sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay, trước đó là hội nghị Bắc Đới Hà – diễn đàn của các cán bộ lão thành chính trị, được xem là “gõ nhịp” cuối cùng của việc tuyển chọn nhân sự cho đại hội 19, khoảng vài chục nguyên lão “cấp chính quốc” và mấy trăm “cấp phó quốc”, trong số họ sẽ có người biểu đạt sự quan tâm hoặc đề xuất các kiến nghị của mình.
Bài bình luận cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện rõ sự ngán ngẩm đối với việc “quan tâm” quá mức của các nguyên lão đã nghỉ hưu và muốn loại bỏ sự can thiệp của họ vào việc lựa chọn nhân sự của Đại hội 19. Vì vậy để bài trừ sự can nhiễu, ông Tập đã bổ sung điều khoản “công dân có thể kiện lãnh đạo cấp chính quốc”, nhằm hy vọng các nguyên lão tự biết khó mà lui.
Ngoại giới cho rằng, trong các cán bộ lão thành thì ông Hồ Cẩm Đào, ông Ôn Gia Bảo là minh hữu của ông Tập, đã đem toàn bộ quyền lực chuyển giao cho chính phủ của ông Tập. Vì vậy hiển nhiên, ông Tập sẽ không lo lắng về sự quan tâm của hai ông này. Vấn đề mà ông Tập đang thật sự phải đối mặt chính là tập đoàn Giang Trạch Dân, những người không cam lòng mất đi quyền lực.
Bài bình luận nói, cựu Thường ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang hiện đang lĩnh án tù chung thân, tuyệt đối không phải “đại lão hổ” cấp chính quốc duy nhất chốn quan trường Trung Quốc, thủ đoạn và kinh nghiệm vơ vét tài sản của gia tộc họ Chu và các nguyên lão đã nghỉ hưu rất giống nhau, tất cả đều dựa vào quyền cao chức trọng.
Vì vậy, việc công dân có thể khởi kiện lãnh đạo cấp chính quốc, tự nhiên sẽ khiến các nguyên lão và gia tộc phải dè chừng ở một mức độ nhất định nào đó.
Tháng 4, truyền thông Trung Quốc đưa tin, trên website của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có thêm mục “Trung tâm tố giác” phục vụ công dân tố cáo quan chức, có thể trực tiếp tố cáo quan chức cấp quốc gia hay các lãnh đạo cấp thường vụ, hơn nữa người tố cáo có thể không cần phải ký tên.
Bình luận viên Đường Tĩnh Viễn của đài truyền hình Tân Đường Nhân cho rằng chiêu “dân chúng có thể tố cáo lãnh đạo cấp cao” có thể xuất phát từ hai nguyên nhân lớn. Thứ nhất có thể liên quan đến đại hội 19, áp lực dư luận đối với các quan chức cấp cao có vấn đề sẽ thuận tiện hơn cho cuộc thanh trừng.
Nguyên nhân thứ 2, rất có thể ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn đang chuẩn bị đánh hạ thêm một “đại lão hổ” trong thời gian sắp tới.
Từ tháng 5/2015, sau khi Bắc Kinh thực hiện cải cách tư pháp“có án phải lập, có kiện phải xử”, đã có 200.000 học viên Pháp Luân Công và người nhà tại Trung Quốc đệ đơn khởi kiện cựu lãnh đạo Giang Trạch Dận về tội vu khống và bức hại Pháp Luân Công.
Đường Tĩnh Viễn cho rằng vấn đề này có thể đẩy làn sóng khởi kiện ông Giang Trạch Dân lên thành cao trào. Về khách quan, những vụ khởi tố đang trợ giúp rất nhiều cho chiến dịch “đả hổ” của ông Tập Cận Bình, ông Tập có thể thuận ý đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý.
Cùng việc người dân có thể tố cáo lãnh đạo cấp cao, văn phòng Trung ương và văn phòng Bộ Ngoại giao đã in ấn và phát hành “Quy định quan chức cấp cao thực hiện báo cáo cá nhân” và “Những biện pháp xử lý kết quả hạch tra báo cáo cá nhân của quan chức cấp cao”. Hai phòng nhấn mạnh “lãnh đạo quan chức các cấp, đặc biệt là quan chức cấp cao cần đi đầu trong việc chấp hành”.
Trong quy định mới này có thêm mục tiền gửi ngân hàng cá nhân, phối ngẫu, và con cái ở trong và ngoài nước, cũng như tình trạng đầu tư. Truyền thông Hồng Kông phân tích, chiêu này rõ ràng đang nhắm vào các vị nguyên lão đã về hưu.
Hồi tháng 2 truyền thông Hồng Kông tiết lộ, Bộ Chính trị đã đưa ra 4 quy tắc trong việc đề bạt các vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, v.v.., trong đó bao gồm người được đề cử phải công khai tài sản cá nhân.
Trong khoảng thời gian ông Giang Trạch Dân cầm quyền (1989 – 2012) bao gồm cả chính thức và không chính thức đã thực thi chính sách “trị quốc hủ bại”, bố trí thân tín của mình trải rộng Trung Quốc, quan càng to càng hủ bại, gia tộc những nhân vật này đều sở hữu khối tài sản khổng lồ. Vì vậy, 4 quy tắc của Chủ tịch Tập được coi như “miếng sát thủ” nhằm chặn con đường thăng quan tiến chức của phe ông Giang.
Học giả Trung Quốc Tân Tử Lăng nhận định, tương lai việc dùng người của ông Tập nhất định sẽ chọn người cùng chí hướng với mình. Trong việc tổ chức hệ thống của Chủ tịch Tập Cận Bình nhất định thoát khỏi sự quấy phá và ngăn chặn người của phe ông Giang gia nhập Bộ Chính trị.
Theo Epochtimes.com