Tạp chí Time của Mỹ đã chọn ra 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2020. Tập Cận Bình và hai “địch thủ” là bà Thái Anh Văn và anh La Quán Thông (Nathan Law) đều có tên trong danh sách, nhưng sự ‘ảnh hưởng’ lại trái ngược nhau.
La Quán Thông, lãnh đạo của Phong trào Dân chủ Thanh niên Hồng Kông đứng đầu danh sách với 4,7 triệu phiếu bầu. Cựu Thống đốc Hồng Kông Chris Patten là người tiến cử La Quán Thông.
La Quán Thông xuất thân trong một gia đình lao động ở Hồng Kông, và là người trẻ nhất trúng cử vào Hội đồng lập pháp Hồng Kông. Trong hồ sơ tiến cử của mình, Chris Patten nói rằng La Quán Thông là một trong những nhà lãnh đạo của thế hệ trẻ ở Hồng Kông, họ phản đối sự đàn áp của Bắc Kinh đối với pháp quyền và tự do của xã hội cởi mở ở Hồng Kông này.
Chris Patten kêu gọi mọi người tiếp tục lên tiếng ủng hộ La Quán Thông và những người Hồng Kông đang đấu tranh cho tự do.
La Quán Thông, người hiện đang sống lưu vong ở nước Anh, sau khi biết rằng mình có tên trong danh sách, đã trả lời trên Facebook rằng: “Đối với tôi, có tên trong danh sách có lẽ là hơi quá, nhưng nếu đó là một lời khẳng định cho phong trào dân chủ ở Hồng Kông, thì quả là phù hợp”.
Tên của La Quán Thông khiến người ta liên tưởng đến những dũng sĩ đã cùng anh đấu tranh cho nền dân chủ ở Hồng Kông như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow), Lê Trí Anh (Jimmy Lai) v.v. .
Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan cũng có tên trong danh sách này, bà được Thượng nghị sĩ Cruz của Mỹ tiến cử. Cruz ca ngợi bà Thái Anh Văn, “Đối mặt với Trung Quốc, chế độ cộng sản lớn nhất thế giới, người phụ nữ tự lập này đã quyết tâm chống lại nó và không hề lùi bước”.
Trong đơn tiến cử còn viết rằng, tự do là Sao Bắc Đẩu dẫn đường cho Đài Loan, và điểm này đã được thể hiện đầy đủ trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch virus Vũ Hán. Đài Loan đã chứng minh rằng dịch bệnh có thể được kiểm soát mà không cần phải bắt chước các biện pháp phòng chống dịch bệnh như của ĐCSTQ.
Bà Thái Anh Văn cảm thấy vinh dự khi có tên trong danh sách, bà viết trên facebook rằng: “Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân tôi, mà còn là vinh dự của cả đất nước. Đó là vì chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh, duy trì sự ổn định trong khu vực và tiếp tục chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng #TaiwanCanHelp (Đài Loan có thể giúp đỡ các bạn), để thế giới có thể nhìn nhận và khẳng định Đài Loan”.
Điều thú vị là Tập Cận Bình cũng có tên trong danh sách cùng với La Quán Thông và bà Thái Anh Văn. La Quán Thông đại diện cho Hồng Kông, bà Thái Anh Văn đại diện cho Đài Loan, và Tập Cận Bình đang gặp vấn đề nan giải với cả hai nơi này. Một số nhà bình luận chế giễu nói rằng, La Quán Thông và bà Thái Anh Văn giống như ‘địch thủ’ của Tập Cận Bình, khiến ông ta ăn ngủ không yên.
Trước đó, Tập Cận Bình đã phái Vương Nghị đi châu Âu, La Quán Thông dẫn đầu đoàn biểu tình đi theo phản đối, Vương Nghị đi đến đâu cũng thấy bóng dáng và tiếng nói phản đối của người dân Hồng Kông.
Mặt khác, bà Thái Anh Văn thường xuyên gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan, kêu gọi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. ĐCSTQ sợ đến mức thường xuyên cử máy bay quân sự đến quấy rối Đài Loan, các kênh truyền thông của Đảng thậm chí còn đe dọa bà Thái Anh Văn, nhưng đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Đài Loan và Hoa Kỳ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vài ngày trước đã chỉ đích danh ĐCSTQ 12 lần, chỉ trích nặng nề ĐCSTQ vì che giấu dịch bệnh, và lần đầu tiên yêu cầu Liên hợp quốc buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm.
Mặc dù Tập Cận Bình nằm trong danh sách cùng với hai địch thủ, nhưng đánh giá về ông lại khá khác biệt. Amanda Bennett, cựu giám đốc của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) viết trong đơn tiến cử rằng, chế độ độc tài của Tập Cận Bình có thể được xem là hành động cực đoan nhất trên thế giới, nó giam cầm người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, trấn áp nền dân chủ ở Hồng Kông, thúc đẩy công nghệ giám sát xã hội mạnh mẽ và đề xuất chủ nghĩa sùng bái cá nhân.
Bennett nói rằng, nền kinh tế và ngoại giao của ĐCSTQ đang mở rộng trên toàn cầu, nhưng giống như Liên Xô trước đây, ĐCSTQ cũng đã bộc lộ những vết rạn nứt chưa từng có, chẳng hạn như dân số già, chi phí cao của sáng kiến ”một vành đai một con đường”, và sự gia tăng của dịch virus Vũ Hán trong xã hội. “Điều đó có nghĩa là thành công của Tập Cận Bình có thể không phải là chương cuối cùng trong sự nghiệp của ông ấy”.
Bản thân Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ ý kiến gì về việc mình có tên trong danh sách.
Minh Huy (Theo NTDTV)