Tinh Hoa

Tập Cận Bình dù nắm binh quyền nhưng tình cảnh đang rất nguy hiểm

Hiện tại mặc dù đã hoàn toàn nắm được binh quyền, nhưng Tập Cận Bình vẫn phải đối mặt với áp lực rất lớn đến từ 3 phương diện: một là tác động từ bên ngoài; hai là sự phản đối dân chúng; ba là cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi bắt tay Tổng thống Vladimir Putin tại buổi lễ khai mạc ở Expo Center, năm 2014. (Ảnh: New York Times)

Theo La Vũ, một “liên minh chống Tập” đang phát động công kích Tập Cận Bình, và thế lực chống Tập này đã tạo ra và lợi dụng 3 phương diện trên để gây cản trở ông Tập, đặc biệt là vào thời điểm trước khi Đại hội 19 diễn ra.

1. Hoàn cảnh bên ngoài

Cách đây không lâu, Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt với Donald Trump trong chuyến thăm nước Mỹ. Đúng vào thời điểm ông Tập đang hội đàm với ông Trump thì “đội ngũ đón tiếp” ở bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc đã giăng quốc kì nước này và cho phát bài hát có nội dung ca ngợi cách mạng, ám chỉ “nước Mỹ xấu xa”. Đây là việc có thể khiến ông Tập Cận Bình tức giận, điều này cũng chứng minh rằng ông Tập kỳ thực chưa hoàn toàn kiểm soát được hệ thống ngoại giao.

Cũng trong thời gian Tập Cận Bình đến thăm Mỹ, một số kênh truyền thông lớn ở phương Tây đột nhiên hứng thú với việc đả kích chính quyền ĐCSTQ, điều này khác hẳn với thời Giang Trạch Dân cầm quyền (từ 1989-2012 kể cả chính thức và không chính thức). Tuy nhiên, theo các nhà quan sát thì mục đích của họ không phải là đả kích chính quyền ĐCSTQ, mà là nhằm vào cá nhân ông Tập Cận Bình.

Tại sao? Bởi vì trong một khoảng thời gian dài kiểm soát quyền lực, phe cánh Giang Trạch Dân đã thiết lập ở quốc tế rất nhiều kênh phát ngôn, trong đó có cả một số chính khách và quan chức cấp cao thuộc chính phủ nước sở tại. Đồng thời, phe Giang vẫn đang sử dụng đặc vụ để tạo ra mối liên kết với các kênh truyền thông nước ngoài nhằm thực hiện mục đích chính trị của mình. Cho đến hiện tại, ông Tập vẫn không thật sự kiểm soát được nhóm đặc vụ hiện đang hoạt động ở nước ngoài này.

2. Dân ý quốc nội

Trong khoảng thời gian dài chịu áp bức dưới sự cầm quyền hủ bại của ĐCSTQ, người dân Trung Quốc dù không lên tiếng thì phần lớn đều đã mất lòng tin, cũng như ôm giữ sự phẫn nộ bất bình với chính quyền. Một thương nhân giàu có mới từ Trung Quốc ra nước ngoài kể rằng vì để làm giấy chứng minh không phạm tội mà ông đã bị cơ quan cảnh sát sách nhiễu, vơ vét tài sản.

Thương nhân giàu có này đã vô cùng phẫn nộ, bất bình. Ông cũng như vô số người dân chịu áp bức khác đều đem hết những căm phẫn, bất mãn này trút lên người lãnh đạo hiện tại là ông Tập Cận Bình.

Trong khi đó, kiểu hành sự này cũng có thể bị thế lực chống Tập lợi dụng, hình thành lực lượng phản công từ dưới lên trên, nhằm mục đích gây áp lực khiến quyền lực trên cao tầng của ông Tập phải bị phân tán .

3. Việc chia bè kết phái trong nội bộ ĐCSTQ

Trong suốt những năm qua, tuy Trung Quốc là do một Đảng duy nhất là ĐCS lãnh đạo, nhưng thực tế nội bộ ĐCSTQ luôn tồn tại hiện tượng các giai tầng chính trị phân chia bè phái, đấu đá rất khốc liệt. Hiện tại phe Giang và phe Tập quyết đấu, đây là trận chiến kết quả cuối phải là một mất một còn. Dùng lời của ĐCSTQ mà nói “đấu tranh chính là ngươi chết ta sống”. Cái gọi là thế lực chống Tập, kỳ thực bộ phận nòng cốt đứng đằng sau chỉ đạo chính là phe Giang Trạch Dân.

Theo NTDTV