(PL) – Theo quy định, việc khai thác, vận chuyển, mua bán đá bán quý trái phép sẽ bị tịch thu.
Chung quanh vụ tảng đá bán quý canxedon gần 30 tấn đang bị Công an tỉnh Đắk Nông tạm giữ, ngày 27-2, lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết công an đang củng cố hồ sơ để xử lý. Đầu tuần sau công an sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí. Ngày 10-2, người dân phát hiện tảng đá bán quý canxedon này trong rẫy cà phê và đang bị công an tạm giữ. Ảnh: MT Đào hồ đào được đá quý Ngày 27-2, ông Phạm Đức Châu, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), cho biết ngày 10-2, ông Nguyễn Chí Thanh (trú thôn Nam Định, xã Đắk Gằn) thuê máy múc đào hồ tưới cà phê trong khu rẫy phát hiện tảng đá. Ông Thanh gọi thêm nhiều máy múc đến đào đất, đưa tảng đá lên. Khi nhận thông tin, biết đây là đá bán quý, cấm khai thác, buôn bán nên xã Đắk Gằn đã chỉ đạo công an xã đến lập biên bản, cắt cử người trông coi, đồng thời báo lên công an huyện. Tuy nhiên, lợi dụng dịp tết, ông Thanh cùng một nhóm người tiếp tục thuê máy múc đào bới, thỏa thuận bán đá cho một người ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Khoảng 21 giờ ngày 11-2, khi tảng đá đang được vận chuyển sang Buôn Ma Thuột bằng xe đầu kéo trên quốc lộ 14 thì bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, kiểm tra lập biên bản, đưa tảng đá về trụ sở tạm giữ để xử lý. Ngày 27-2, ông Trương Xuân Ánh, Phó phòng TN&MT huyện Đắk Mil, cho biết trong ngày công an tỉnh đã đo tảng đá và vị trí, phạm vi khai thác. Theo đó, hố khai thác rộng khoảng 30 m2; tảng đá dài 4 m, rộng 3,5 m, cao 1,3 m, ước nặng khoảng 27-30 tấn. Đá có thể bị tịch thu Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông), đá canxedon hình thành cùng với sự phong hóa về địa chất. Đá phân bố rải rác tại nhiều huyện trên địa bàn dưới dạng đá mồ côi. Đá canxedon có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, hồng, vàng nhạt… Đá càng to giá trị càng cao. Theo ông Ánh (phó Phòng TN&MT), công an tỉnh đang củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt hành chính những người mua bán, vận chuyển, khai thác đá trái phép theo Nghị định 142/2013 của Chính phủ (mức phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng). Về hướng xử lý với tảng đá bán quý nêu trên, ông Nguyễn Hữu Trung cho biết: Theo quy định, sau khi xử phạt hành chính những người có liên quan, cơ quan chức năng sẽ tịch thu đá để bán đấu giá nộp vào ngân sách. Trao đổi với chúng tôi, Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản Trịnh Minh Cương cho biết: Việc tịch thu tảng đá hay không tùy thuộc vào đá này quý đến mức độ nào. Trước tiên cơ quan chức năng giữ, sau đó thẩm định. Nếu chỉ là đá tảng, không quý, Nhà nước không thu giữ. Nếu xác định đó là đá canxedon, một loại đá bán quý thì Nhà nước sẽ tịch thu theo quy định. Người dân làm gì khi gặp đá quý? ThS Võ Trung Tín (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng đá canxedon là đá bán quý, thuộc các mẫu khoáng sản ở trạng thái tự nhiên theo Thông tư 53/2014. Cũng theo thông tư trên, người phát hiện đá bán quý có trách nhiệm thông báo trực tiếp cho Sở TN&MT (hoặc thông qua UBND cấp xã) để tiếp nhận, quản lý. Loại đá này là khoáng sản tự nhiên nên thuộc sở hữu nhà nước, người dân không có quyền sở hữu nên không thể kiện đòi… Theo một luật sư, người tìm thấy đá quý, đá bán quý có thể được hưởng giá trị như BLDS quy định sau khi xác định giá trị của tảng đá (10 tháng lương tối thiểu hoặc thêm 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu nếu giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu). Trường hợp phát hiện hoặc tìm thấy mà không thông báo, không giao nộp thì không được hưởng theo giá trị tài sản tìm thấy và bị xử lý theo quy định (hành chính hoặc hình sự)… “Khi người dân phát hiện ra đá quý hoặc đá bán quý, cũng giống như phát hiện ra báu vật, cổ vật, thì người dân phải báo cáo với cơ quan nhà nước để được hưởng giá trị theo quy định” – Phó Vụ trưởng Trịnh Minh Cương nói.
Đ.DŨNG – P. LOAN – H. VÂN
Theo Pháp luật TPHCM |