8h sáng nay (22-1), TAND TP Hà Nội đã tuyên bản án đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC).
Sau 14 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Hơn hai tiếng đọc bản án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nhận mức án 9 năm tù. Hai cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn cùng nhận mức án 9 năm. Cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh bị phạt 7 năm.
Cựu tổng giám đốc PVC bị phạt 22 năm tù. Bị cáo Vũ Hồng Chương bị phạt 3 năm tù treo, Nguyễn Mạnh Tiến: 6 năm; Trần Văn Nguyên: 30 tháng treo, Nguyễn Ngọc Quý 6 năm; Nguyễn Anh Minh 16 năm; Phạm Tiến Đạt: 4 năm 6 tháng; Lương Văn Hòa: 10 năm; Bùi Mạnh Hiển: 10 năm; Nguyễn Thành Quỳnh: 8 năm; Lê Đình Mậu: 4 năm 6 tháng; Lê Thị Anh Hoa: 3 năm treo.
Bị cáo Nguyễn Đức Hưng được tuyển trả tự do ngay tại tòa (nếu không bị giam trong vụ án khác) với mức phạt 3 năm treo, thử thách 5 năm. Bị cáo Lê Xuân Khánh: 3 năm tù treo, được trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa nếu không bị giam theo tội khác. Nguyễn Lý Hải 3 năm tù treo, trả tự do ngay tại tòa; Trương Quốc Dũng 17 tháng tù, tính từ tháng 9/2016.
Tóm tắt nội dung bản án
Sai phạm của các bị cáo làm đội vốn dự án hàng nghìn tỷ đồng
TAND Hà Nội đánh giá đây là vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) cùng các bị cáo đều giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế nhà nước và khi được giao dự án mang tầm quan trọng chiến lược của nhà nước đã lợi dụng vị trí đặc thù để gây sai phạm. Hành vi của các bị cáo làm chậm tiến độ, gây đội vốn hàng ngàn tỷ đồng ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Dù chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, ông Thanh và cấp dưới tại PVC đã chỉ đạo sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 119 tỷ đồng) bị xác định là thiệt hại.
Bác nghi ngờ của các luật sư về cách tính thiệt hại, bản án cho rằng thiệt hại 119 tỷ đã được tính chính xác, đúng quy định, theo kết luận giám định tài chính về số tiền lãi tối thiểu trên số tiền 1.115 tỷ đồng sử dụng không đúng mục đích.
Dự án chậm tiến độ 18 tháng, đội vốn hàng triệu USD, máy móc hết thời hạn bảo hành mà dự án chưa hoàn thành còn gây những thiệt hại khác không thể tính được trong quá trình điều tra vụ án. “Cách tính thiệt hại như bản giám định là đã có lợi cho các bị cáo”, bản án nêu.
Ông Đinh La Thăng không phạm tội gì ngoài tội cố ý làm trái
Nhận định về tội danh của bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX cho rằng ông này đã khai và thừa nhận vì sức ép tiến độ nên đã có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo. Căn cứ lời khai của các bị cáo khác, người liên quan, hồ sơ vụ án, bản án xác định có đủ căn cứ kết luận ông Thăng đã chỉ định thầu với PVC, chỉ đạo ký hợp đồng 33 trái quy định dù biết rõ không đủ hồ sơ, điều kiện ký. Sau đó, dù biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện để cấp tạm ứng nhưng ông Thăng vẫn chỉ đạo tạm ứng 10% cho PVC.
Các dự án PVC được chỉ định thầu khác cũng gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, gây mất lòng tin trong nhân dân. Vai trò chỉ đạo của ông Thăng “xuyên suốt vụ án” từ việc không tuân thủ quy định về quản lý kinh tế của nhà nước, chỉ đạo chỉ định thầu, ký hợp đồng, cấp tạm ứng. Hành vi của ông Thăng dẫn đến sai phạm của hàng loạt các bị cáo khác.
Như VKS, HĐXX nhận định hành vi của ông Thăng “thỏa mãn đầy đủ tội danh điều 165 chứ không phải tội khác như các luật sư bào chữa”.
Vai trò của Trịnh Xuân Thanh không mờ nhạt
Bản án xác định, ông Thanh thừa nhận ký hợp đồng 33 khi hồ sơ chưa đầy đủ, điều này phù hợp với lời khai của nhiều bị cáo khác. Ông Thanh có vai trò quyết định trong việc ký hợp đồng 33 nên việc luật sư cho rằng ông này “mờ nhạt” là không có căn cứ.
Bản án cũng cho thấy nếu không có sự chỉ đạo của ông Thanh thì “không ai ở PVC dám sử dụng tiền sai mục đích”… Trong lúc nghe đọc bản án, bị cáo Thanh lúc cúi thấp đầu, lúc nghiêng sang nhìn về phía góc ngồi của con trai và bố.
HĐXX nhận định có đủ căn cứ kết luận cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện vẫn ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư, sau đó có bút phê đồng ý tạm ứng.
Cựu tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện vẫn ký cấp tiền tạm ứng cho PVC bằng những công văn hỏa tốc. Bản án dẫn lại những lời khai của các bị cáo khác cho thấy ông Thăng đã chỉ đạo việc cấp tạm ứng.
Từ những nhận định đó, VKS đề nghị mức án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng với cáo buộc phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).Trong vụ án này, ngoài tội cố ý làm trái, ông Thanh cùng các bị cáo: Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa, Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Lý Hải, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Thành Quỳnh, Lê Thị Anh Hoa còn liên quan hành vi tham ô 13 tỷ đồng qua việc lập khống hồ sơ thiết kế, nghiệm thu, thanh quyết toán bốn hạng mục tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng – Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh).
Cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân cho cả hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999, điều 353 Bộ luật Hình sự 2015).
20 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án 30-36 tháng tù treo tới 18-19 năm tù giam.
Theo cơ quan công tố, do áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nên hành vi tham ô của ông Thanh và 9 người khác được xét xử theo điểm a điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018).
Sau phần tranh luận của các luật sư, bị cáo, VKS đã bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt với 6 bị cáo. Trong đó, VKS ghi nhận bị cáo Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC), Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC) đã “tích cực hợp tác”, bị cáo Nguyễn Lý Hải (cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) có thành tích xuất sắc.
Bị cáo Hiển, Đạt, Lương Văn Hòa (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch), Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán – kiểm toán PVN), Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC) có thêm nhiều tình tiết mới, bên cạnh việc tích cực hợp tác điều tra.
“Đề nghị HĐXX giảm một phần hình phạt cho các bị cáo trên…, không yêu cầu bị cáo Quý, Mậu, Hiển, Đạt phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng từ hành vi cố ý làm trái”, cơ quan công tố nêu quan điểm.
22 bị cáo khi nói lời sau cùng đều mong được hưởng khoan hồng. Riêng ông Thăng “xin” được tại ngoại để “ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó sẽ chấp hành án phạt tù”.
“Bị cáo mong HĐXX xem xét đến tình cảnh cụ thể của bị cáo để có đủ thời gian chấp hành các án phạt, để trước khi nhắm mắt xuôi tay cũng được công nhận là người đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông trình bày trước toà.
Theo VNE