Mới đây, bức thư bố gửi cho con gái trước khi bước vào lớp 1 được đăng tải gây xôn xao mạng xã hội. Không đặt nặng lên vai con điểm số hay thành tích, người cha này nhắn nhủ con gái “học ít thôi, chơi là chính”.
Nguyên văn bức thư của nhà báo Nguyễn Thế Nam gửi con gái:
“Thế là, năm nay con gái của bố vào lớp 1. Dù chưa khai giảng chính thức, con đã đi học trước được mấy buổi. Nhìn con với các bạn trong lớp, bố thấy vui. Con không quá bé, không quá mập, không quá gầy, không quá cao mà cũng không quá thấp. Và đó cũng là mục tiêu mà bố hướng đến cho con khi bắt đầu những năm đèn sách: không quá giỏi mà cũng không quá dốt. Ở đời, cái gì quá cũng dở, ngay cả Dương… Quá cũng đâu có hay.
Đối với bố, lớp 1 và suốt các năm cấp tiểu học, con đến trường thì học ít thôi, vui chơi là chính. Con không cần phải còng lưng vì đèn sách, phải đặt mục tiêu viết chữ đẹp, phải cộng trừ nhân chia nhoay nhoáy, phải nói tiếng Anh nhanh hơn tiếng Việt. Mấy ông nhà văn, nhà thơ hay nhà báo như bố, hồi bé đều viết chữ đẹp, lớn lên đa phần nghèo rớt mùng tơi. Mấy ông bác sĩ bạn của bố, chữ xấu như gà bới vẫn giàu nứt đố đổ vách con ạ.
Bố thấy thật buồn cười, khi bố mẹ của các bạn khác đăng ký cho con vào lớp 1, lại dấm dúi cho nhà trường thêm chục triệu bạc, để con mình được xếp vào lớp chọn. Rồi bố mẹ các bạn ấy, lại dấm dúi cho cô chủ nhiệm, để cho con mình được chú ý hơn. Cứ như thế, cả cuộc đời của bố mẹ cứ dấm dúi theo con. Bố không làm thế đâu. Thề luôn.
Này nhé con yêu, hồi bé, bố đâu có được ông bà cho đi học bậc mầm non. Khi vào lớp 1, bố bắt đầu bằng 2 bàn tay trắng. Nói như người Huế, không biết một chữ nào cả. Thế mà, bố từng là học sinh chuyên Văn Quốc Học Huế hẳn hoi. Năm lớp 9, bố từng là một trong 10 bạn nằm trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi Văn quốc gia của tỉnh. Nói con đừng buồn, đội tuyển nào bố cũng có mặt, chỉ là chả được cái giải nào cả. Mình thích là mình thi thôi, có giải hay không nó còn… hên xui, con à.
Tuổi thơ của bố là đầu đội trời (đến cái mũ che nắng cũng không có), chân đạp đất, bố vẫn đến hẹn thì lấy bằng, nào tiểu học, nào trung học cơ sở, nào trung học phổ thông cho đến đại học.
Thì con nhìn xem, con hơn bố bao nhiêu, 3 tuổi học mầm non T.Đ.T.T, học giỏi quá nên 4 tuổi bị đuổi sang mầm non S.V, lại học xuất sắc quá nên 5 tuổi bị đuổi sang học mầm non B.N, học nhiều mầm như thế mà vào lớp 1 học vẫn í ẹ thì lỗi tại mẹ chứ không phải bố con nhé. Người ta bảo mẹ nào con nấy mà.
Tóm lại con ạ, chuẩn bị vào lớp 1 rồi, mình cứ “học ít thôi, chơi là chính”. Phận làm con gái, hơn nhau ở… tấm chồng. Học nhiều, bằng cấp cao, đa phần là gái xấu.
Bố thề luôn”.
Được biết, chủ nhân bức thư là nhà báo Nguyễn Thế Nam hiện sinh sống tại Hà Nội cùng vợ và cô con gái là bé Nguyễn Thùy Minh, chuẩn bị vào lớp 1.
“Dòng chia sẻ của tôi xuất phát từ những gì đã trải qua với bản thân mình. Những gì mình không thích, đừng ép con cái phải làm theo“, anh Nam bày tỏ.
Cũng theo chia sẻ của anh Nam, dù bố mẹ không dạy thêm ở nhà cũng như không hề cho con đi học thêm các thầy cô giáo, nhưng bé Thùy Minh mới đi học lớp 1 đã nhận được mặt chữ.
“Đến giờ học bảo bé ngồi vào bàn học tập đọc, tập viết thì bé rất tự giác và tỏ ra thích thú. Đặc biệt, bé rất hay trao đổi các bài học với bố mẹ“.
Mỗi cuối tuần khi con được nghỉ học, thay vì ép bé đi học thêm thì gia đình anh Nam thường dẫn bé đi chơi và tham gia các hoạt động ngoài trời. Cả anh và vợ đều có quan điểm là cho con học lớp kỹ năng sống để giúp con tự tin, hoạt bát hơn chứ sẽ không ép con phải học nhiều, theo đuổi các thành tích trên lớp học.
Các bậc cha mẹ hiện nay đang mắc một chứng bệnh là “con nhà người ta”, theo đuổi những thứ quá hoàn hảo và rồi đặt lên con mình quá nhiều kỳ vọng.
Chính vì thế, họ bắt con phải học thật nhiều để có thể đạt kết quả cao, dẫn đến áp lực tinh thần, sự mệt mỏi và quá tải cho con cái.
Thay vì bắt buộc, cha mẹ hãy khơi nguồn cảm hứng, động viên tinh thần học tập và cùng trẻ tìm hướng giải quyết cho những vấn đề mà trẻ đang gặp khó khăn.
Và hơn hết, học tập vốn được các cha mẹ xem là điều quan trọng, quyết định tương lai của một đứa trẻ. Thế nhưng đối với trẻ em thì có một thứ khác còn quan trọng hơn cả việc học, thứ mà đứa trẻ nào cũng khao khát có được – đó là tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ.
TinhHoa tổng hợp