Tinh Hoa

Tâm sự người Đài Loan: Tôi không muốn làm người Trung Quốc

Đài Loan có phải là của Trung Quốc, người Đài Loan có phải người Trung Quốc hay không? Vấn đề này đến nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi…

Đài Loan có phải là của Trung Quốc, người Đài Loan có phải người Trung Quốc hay không?. (Ảnh: Google)

Trong khi Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, không chấp nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và sử dụng mọi chiêu thức chính trị để loại Đài Loan ra khỏi các diễn đàn quốc tế, thì Đài Loan lại xây dựng và phát triển như một quốc gia độc lập, có chính phủ, quân đội, luật pháp và tiền tệ riêng, đồng thời đa số người dân của vùng lãnh thổ này tự nhận mình là “người Đài Loan”.

Chính điều này đã tạo nên rất nhiều những câu chuyện bi hài. Chẳng hạn vào hồi tháng 3 vừa qua, ban tổ chức giải thưởng quốc tế Man Booker đã thông báo đổi quốc tịch của Giáo sư Ngô Minh Ích, người Đài Loan, một trong 13 tác giả được đề cử giải thường, từ “Đài Loan” sang “Đài Loan, Trung Quốc” sau khi bị đại sứ quán Trung Quốc tại London gây sức ép.

Giáo sư Ngô Minh Ích, tác giả tiểu thuyết “chiếc xe đạp mất cắp”, ứng viên giải thưởng Man Booker lại cực lực phản đối ban tổ chức giải thưởng vì đã tự ý thay đổi quốc tịch của ông: “Khi danh sách đề cử giải thưởng văn học quốc tế Man Booker năm nay được công bố, quốc tịch của tôi trên trang web của ban tổ chức giải thưởng đã bị thay đổi từ Đài Loan sang Trung Quốc, việc thay đổi này không phải là nguyện vọng của tôi”.

Tuy nhiên, Giáo sư Ngô đã bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích nặng nề khi ông nói rằng mình cảm thấy “vinh dự” khi ban đầu được ban tổ chức Man Booker liệt kê trong danh sách đề cử là tác giả người “Đài Loan”.

Người Đài Loan đa phần không thích tự nhận mình là người Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Ngày nay, rất ít người Đài Loan tự nhận mình là người Trung Quốc. Theo một cuộc nghiên cứu của Đại học Chính trị cho thấy 26% công dân Đài Loan tự nhận là người Trung Quốc vào năm 1992. Nhưng năm 2010, con số này đã giảm xuống chỉ còn 4%.

Ông Đổng Chấn Viễn, một chuyên gia về nghiên cứu phát triển của Đại học Chính Trị ở Đài Bắc, cho biết sự thay đổi này đã bắt đầu cách nay hơn 20 năm: “Tôi nghĩ rằng người dân ở Đài Loan đã dần dần nhận thấy những sự khác biệt giữa Đài Loan với Trung Quốc, đặc biệt là những sự khác biệt về giá trị, như tự do, nhân quyền và dân chủ. Thêm vào đó họ cũng nhận ra sự khác biệt về lối sống giữa Đài Loan với Trung Quốc. Vì thế cho nên họ dần dần giữ một khoảng cách với Trung Quốc về thân phận hay lý lịch của mình”.

>>> Vì sao người Trung Quốc trở nên xấu xí? (Phần 1)

Gần đây, trong một bài blog đăng trên mạng internet, một người Đài Loan khi đi công tác tới Dubai đã cảm thấy vô cùng khó chịu khi bị coi là người Trung Quốc, cũng bất lực khi bị chính những người Trung Quốc giễu cợt. Tác giả chia sẻ: “Tôi không muốn làm người Trung Quốc’. Khi mấy chữ này được phát ra từ cổ họng mang đầy sự cố gắng và căm phẫn của tôi, thời khắc này có lẽ là thời khắc khó chịu nhất trong nửa năm tôi đến Dubai…”. Dưới đây xin được trích toàn bộ bài viết này.

***

Ở Đài Loan, tôi tự nhận rằng mình chưa thực hiện được nhiệm vụ của một công dân Đài Loan một cách hoàn mỹ nhất, chính là quan tâm đến tất cả các vấn đề lớn nhỏ của xã hội. Trong các hoạt động xã hội, tôi cũng chỉ tham gia vài phong trào sinh viên quy mô lớn.

Thế nhưng từ hẻm nhỏ đến phố lớn thậm chí đến cả đại học, các sở nghiên cứu, trong những mẩu tin truyền thông, trong bối cảnh giáo dục của xã hội học, đều cho thấy được giá trị của dân chủ, quan tâm sâu sắc đến việc thực hành thể chế dân chủ ở Đài Loan, đối với ý thức quốc gia lại càng không có gì đáng quan ngại.

Từ đại học, các sở nghiên cứu, trong những mẩu tin truyền thông, trong bối cảnh giáo dục của xã hội học, đều cho thấy được giá trị của dân chủ, quan tâm sâu sắc đến việc thực hành thể chế dân chủ ở Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Thế mà, sau khi rời khỏi Đài Loan đến nơi khác làm việc, tôi mới thực sự cảm nhận được vị trí quốc tế thực sự của Đài Loan trên thế giới. Nghe tôi đến từ Đài Loan, tài xế người Ấn hoặc Pakistan nói: “Chính là đất nước bị Trung Quốc khống chế đó à”.

Khi mới đặt chân đến Dubai, khi người khác hỏi “Bạn từ đâu tới?”, tôi luôn nói là “Đài Loan”. Và câu hỏi tiếp theo của tôi chính là: “Bạn nghe nói tới Đài Loan chưa?”. Tôi sợ vì Đài Loan quá nhỏ, người ta chưa từng nghe nói tới, lại sợ vì phát âm tiếng Anh của người Đài Loan và người Thái quá giống nhau dễ gây nhầm lẫn, nên tiếp tục nói: “Chính là đất nước nằm bên cạnh Trung Quốc”.

Tình cảnh này xảy ra nhiều nhất là khi đi xe taxi, hoặc là những lúc nói chuyện phiếm sau giờ làm. Khi trên taxi là một tài xế người Ấn Độ hoặc người Pakistan, hơn một nửa đều đã từng nghe nói đến Đài Loan, có người còn bổ sung thêm một câu: “Các bạn chính là quốc gia đang bị Trung Quốc khống chế, tôi biết chứ!”. Thậm chí còn nói: “Tình hình của các bạn cũng giống như tình hình của Pakistan và Ấn Độ chúng tôi vậy! Là vấn đề chính trị….”.

Khi nghe tôi giải thích về sự khác biệt về lịch sử của Đài Loan và Trung Quốc, hầu hết họ đều có thể hiểu những điểm giống và khác nhau, cũng rất cảm thông đối với chính trị và tình cảnh bất đắc dĩ của chúng tôi. Các vị khách luôn vô cùng hứng thú với chủ đề “quan hệ giữa hai bờ eo biển”, lời nói và hành vi vô lý khiến tôi rất tức giận.

Trong lúc đi làm mà gặp phải tình cảnh này, nếu thời gian cho phép, gần như tôi sẽ trực tiếp biểu diễn một tiết mục talkshow kéo dài nửa tiếng đồng hồ, chủ đề là: “Bàn về những nhân tố ảnh hưởng đến thực quyền độc lập và thống nhất một đất nước” và dùng Đài Loan làm ví dụ, giống như một bài luận văn không có hồi kết. Trong số đó, hứng thú với tình hình chính trị của Đài Loan nhất, lại chính là người Trung Quốc.

Bắt đầu từ hai năm trước, tình hình kinh tế, sách lược của chính phủ Dubai luôn tích cực lôi kéo Trung Quốc, hy vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc đến Dubai hơn. Trước mắt, chỉ tính người Trung Quốc ở Dubai thôi đã là 300 ngàn người, ở những nơi buôn bán gần như đều có thể hợp tác cùng người Trung Quốc, mà mỗi khi tôi gặp người Trung Quốc, cũng đều tỏ rõ “ý thức quốc gia” và “lập trường chính trị” của mình mà không hề kiêng dè điều gì, ngay cả khi đang thảo luận về mặt lợi hại của “chế độ dân chủ và chế độ cộng sản”.

Tôi từng gặp một người Trung Quốc và cùng thảo luận chuyên sâu về “Cảm nhận của người Đài Loan về chính sách của chính phủ Mã Anh Cửu và chính phủ Thái Văn Anh”. Họ luôn quan tâm về từng hành động của chính phủ Đài Loan, hơn cả những gì tôi tưởng, thường thì sau khi giao lưu một chiều với tôi cả nửa tiếng đồng hồ, đều sẽ nói “Mọi người đều là người một nhà, đến cuối cùng cũng phải thống nhất thôi” để kết thúc đoạn đối thoại mà mỗi lần gặp người Trung Quốc sẽ lặp lại này.

Mỗi khi nói đến đề tài chính trị, cho dù không muốn thảo luận sâu vào, muốn nói hai ba câu rồi cho qua, nhưng đối phương thường không dễ dàng buông tha như vậy. Cảm giác phẫn nộ sâu sắc khi cứ ở mỗi buổi tiệc xã giao với khách hàng người Trung Quốc, sẽ bị đối phương tuyên truyền chính trị.

Dưới sự kích thích của cồn, những người khách Trung Quốc vung vẩy ly rượu, luôn miệng nói không bài xích mặt trận thống nhất, nói rằng anh ta tự hào về Đảng Cộng sản, nói rằng để nhanh chóng thống nhất, nếu mặt trận thống nhất cần anh ta sẽ sẵn sàng chĩa nòng súng về phía người Đài Loan.

Không quan tâm đến cảm nhận của cá nhân tôi mà cứ thế áp đặt tư tưởng chính trị cho tôi suốt hai tiếng đồng hồ hết lần này đến lần khác. Trong những lần hợp tác làm ăn tôi chỉ có thể cắn răng chịu đựng, lần đầu tiên nghe những lời giáo huấn vô lý và xúc phạm như thế, tôi cảm thấy ghê tởm đến mức toàn thân run rẩy, nhưng tôi phải nghĩ đến lợi ích của công ty, tương lai còn phải hợp tác với loại người này dài dài.

Ngoài hai tình huống phía trên, ở Dubai tôi còn có rất nhiều những kinh nghiệm ngoại giao khác. Ví dụ như một chủ cửa hàng người Morocco tại một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, sau khi hỏi tôi là người nước nào, rồi vui vẻ nói: “Trước đây phần lõi của máy móc đều là ‘Made in Taiwan’ đó”, và bắt đầu mang chiếc đồng hồ có phần lõi máy đến từ Đài Loan, nói rằng chất lượng của các sản phẩm Đài Loan khiến ông ấy rất yên tâm.

Hoặc là, những người đồng nghiệp Philippines của tôi, sau khi nghe nói tôi đến từ Đài Loan, thẳng thắn nói rằng “Đài Loan là trái tim của Châu Á”, thậm chí có thể bàn về minh tinh thần tượng Đài Loan, như là F4, Châu Kiệt Luân, hoặc là những bộ phim thần tượng Đài Loan từng thịnh hành trên khắp Châu Á.

Hình ảnh quốc tế của Đài Loan được cho là rất tốt, về cả phẩm chất con người lẫn văn hóa. (Ảnh: Internet)

Khi vừa mới rời khỏi Đài Loan, tôi không tự tin lắm về quốc tịch của mình, chỉ sợ dưới sự chèn ép của một Trung Quốc không hề kiêng nể điều gì, mọi người đều sẽ cho rằng Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, hoặc là vì vị trí địa lý, diện tích quốc gia lớn nhỏ, nên chưa từng nghe nói đến Đài Loan.

Thế nhưng, đồng nghiệp nhiều lần đề cập với tôi về vấn đề quốc tịch, hình ảnh quốc tế của Đài Loan rất tốt, phẩm chất của người Đài Loan mọi người đều quá rõ ràng, thậm chí cổ vũ tôi ở bất kỳ nơi nào cũng phải kiên trì nói “Tôi đến từ Đài Loan”, anh ấy nói với tôi rằng “Mọi người đều biết các bạn là một quốc gia”.

Mặc dù sắp tới Đài Loan lại mất đi một nước bang giao (nước Cộng hòa Dominicana thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, cũng có nghĩa là đồng thời cắt đứt quan hệ với Đài Loan), đó chính là tin tức do truyền thông đưa tin, đều không thể so với tôi ở một nơi cách Đài Loan bốn ngàn dặm, cảm nhận được hình ảnh quốc tế chân thực nhất của Đài Loan.

Tiểu Minh, theo Secretchina