“Trên đường phố Sài Gòn đông đúc, hình ảnh một chiếc xe đẩy bán ‘bánh mì’ đã truyền cảm hứng cho tôi một nhận thức mới về một loại bánh mì ‘sandwich’ đặc biệt, đậm chất Việt Nam này” – tác giả của bài viết, Kevin Revolinski chia sẻ.
Trước đây, khi nghĩ về ‘bánh mì’ Việt Nam, tôi từng mong đợi một định nghĩa nào đó theo hướng phổ biến, một thứ gì đó mang tính truyền thống kiểu như: một loại cocktail cổ điển, một chiếc bánh mì baguette Pháp đi kèm với xúc xích, thịt lợn cắt lát, pâté, các loại rau và sốt mayo.
Tuy nhiên, một chuyến đi đến thành phố Sài Gòn đã khiến tôi phải xóa đi tất cả mọi hạn chế đó.
Vào một buổi chiều muộn, tôi và vợ đi dạo trên con đường Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp một chiếc xe đẩy bán đồ ăn ở góc đường của một con phố đông đúc. Tại đó, có một hàng dài người đi bộ và khách quen đi xe máy đang bao quanh chiếc xe đẩy, khách hàng đông đến mức chắn ngang cả tầm nhìn của tôi, và điều đó lại càng làm tôi tò mò hơn.
Ở giữa đám đông, một người phụ nữ đang làm món ‘bánh mì’ baguette kẹp, bàn tay cô nhanh thoăn thoắt, trông vô cùng chuyên nghiệp. Sau khi làm xong, cô gói chúng vào một mẩu giấy nhỏ, cột thêm cọng dây chun, rồi xếp bánh lên kệ.
Sau khi làm xong 5 ổ bánh, cô lần lượt bỏ chúng vào một túi nhựa rồi đưa cho khách, nhận tiền và tiếp tục làm bánh mì cho dòng người đông đúc đang chờ tới lượt mình.
Không lâu sau thì thịt đã hết, ngay lập tức, đứa con gái của cô nhanh chóng đi xuống con hẻm, với lấy một cái khay trống, rồi chạy đến nơi người bà của cô đang ngồi trước một vỉ nướng bốc khói nghi ngút. Bà đang dùng đũa lật qua lại những miếng thịt nhỏ trên bếp than hồng nóng bỏng.
Bánh mì ở vùng đất lúa gạo
Hồi cuối thế kỷ 19, Pháp đã mang bánh mì của họ đến Đông Dương, khi đó Việt Nam đã biến bánh mì Pháp thành những ổ bánh mì giòn, dài và mang đầy bản sắc của riêng họ. Những chiếc bánh mì này chính là ‘hậu duệ’ của nhiều loại bánh sandwich, mà ngày nay được gọi là ‘bánh mì’.
Thứ mà tôi luôn nghĩ đến trước kia thường chỉ là phiên bản “bánh mì” truyền thống, bên trong có thịt nguội và pate gan lợn, nhưng bánh mì ở đây còn kẹp cả nhiều loại nhân khác nhau: thịt gà, thịt bò, cá viên, thịt lợn xiên nướng, hoặc cá mòi, cũng như các loại đồ chay. Thêm nữa là các loại rau dưa ăn kèm, được cắt thành sợi, cắt lát, hoặc thái mỏng…. Còn bánh mì trứng ốp la là bánh mì kẹp với trứng chiên, thường được ăn vào bữa sáng; bánh mì kẹp kem thì nhồi vài muỗng kem vào trong, rồi rắc sữa và đậu phộng lên.
Loại bánh mì mà chúng tôi thấy, có lẽ là bánh mì xíu mại, một loại bánh mì kẹp thịt heo xay nhuyễn, vo thành viên. Xem công thức trên mạng, chúng tôi được biết trong món thịt có cho thêm sắn và trứng để làm thịt mềm hơn, sau đó họ sẽ nấu những viên thịt trong hỗn hợp nước sốt, thay vì nướng vĩ.
Tiệm Bánh Mì 37 Nguyễn Trãi mà chúng tôi thấy, vừa là tên đường vừa là tên của chiếc xe này, món bánh mì ở đây đã được truyền qua 3 thế hệ. Họ bán bánh mì tươi, cho vào trong là một lớp thịt heo nướng, pate, thêm vài lát dưa chuột, và hỗn hợp cà rốt ngâm chua và cải trắng chua, gọi chung là “đồ chua”. Loại bánh mì này còn được chan thêm một ít nước sốt thịt nướng, ăn kèm một chút rau mùi và ớt.
Chúng tôi đã nhanh chân len lỏi vào một vị trí để đặt mua 2 ổ, và ngay lập tức liền cảm thấy hối hận vì đã không đặt luôn cả 4 ổ. Lớp vỏ giòn tan sau miếng cắn đầu tiên, kèm theo đó là một loạt các hương vị xông thẳng vào vị giác: vị của thịt hun khói mềm mại; ớt cay cay, cân bằng vị có dưa chuột chua mát lạnh; và vị thơm nhẹ nhưng không thể nhầm lẫn của rau mùi; chưa kể là nước sốt mằn mặn hòa quyện với vị chua chua ngòn ngọt từ đồ chua.
Chúng tôi đã ngấu nghiến ăn hết ổ bánh mì trong tay, và khi trở về, phiên bản bánh mì này đã trở thành một món ăn chủ lực trong căn bếp của gia đình chúng tôi.
Dưới đây là mẹo làm bánh mì Patties thịt lợn kiểu Thái
Thay vì cố gắng sao chép lại phiên bản của món gốc, chúng tôi đã kết hợp hai nền văn hóa khi mang món ăn này về nhà: Bánh mì pate thịt lợn kiểu Thái, thêm lá chanh Makrut thái mỏng và nước mắm Thái.
Bánh sẽ có vị hơi mặn và đậm đà hơn một chút so với bánh mì Việt Nam. Vợ tôi đã chiên chúng bằng một cái chảo gang, tuy nhiên chúng tôi vẫn nhớ làn khói từ bếp nướng ngoài trời hơn.
Còn bánh mì baguette kiểu Việt Nam hơi khó làm một chút, nhưng tác giả sách dạy nấu ăn và giáo viên dạy nấu ăn Andrea Nguyễn của chúng tôi, đã khuyên nên dùng bánh mì bolillo Mexico, vì chúng khá giống với bánh mì Việt Nam.
Bánh mì đã có sẵn, còn lại chỉ là công đoạn ướp thịt và làm đồ chua, công đoạn này đòi hỏi phải chuẩn bị trước.
Chuẩn bị là cà rốt và cải trắng ngâm chua
450gr cà rốt
450gr cải trắng
1/2 chén đường, cộng với 2 muỗng cà phê đường tách riêng
1 muỗng cà phê muối
1 + 1/4 chén giấm trắng
1 ly nước
Cách làm Patties thịt lợn
450gr thịt lợn xay, tỷ lệ nạc mỡ 80/20
2 muỗng cà phê nước mắm
1 muỗng canh dầu hào
1 muỗng canh nước tương
1 muỗng cà phê tiêu đen
2 tép tỏi, băm nhỏ
2 lá chanh Makrut, cắt thành sợi nhỏ (tùy chọn)
Nguyên liệu mua sẵn
Bánh mì baguette tươi
Sốt Mayo
Sốt Sriracha hoặc tương ớt
Dưa chuột, cắt thành lát dài, mỏng
Jalapeños thái lát
Ngò
Chuẩn bị đồ chua cần trước 1 ngày:
Cắt nhỏ cà rốt và củ cải thành những sợi dày khoảng 0.3 cm, dài 5cm đến 7 cm. Bạn có thể cắt chúng bằng khung hoặc bằng dao, nếu có thể sử dụng dụng cụ cắt thì có thể giúp rút ngắn thời gian và tạo ra những sợi cắt đồng nhất, hoàn hảo.
Thêm 2 muỗng cà phê đường và 1 muỗng cà phê muối, bóp cà rốt và củ cải trong vài phút. Sau khi thấy chúng co lại và tiết ra nước, sợi rau củ dai và giòn nhẹ, có thể uốn cong mà không bị gãy là đạt. Sau đó đem chúng rửa sạch, cho vào một cái lọ tiệt trùng lớn.
Chuẩn bị một cái chảo nhỏ, cho giấm, nước và 1/2 chén đường còn lại vào và đun sôi, khuấy cho đến khi đường tan. Để hỗn hợp nguội một chút, sau đó đổ hỗn hợp lên rau củ đã thái sợi trong lọ. Đậy kín và cho vào tủ lạnh.
Bạn cũng có thể ăn ngay sau khi làm xong, nhưng tốt nhất là nên chờ một ngày. (Chúng tôi đã giữ nó trong tủ lạnh ít nhất một tháng. Lưu ý là đừng lo lắng khi bạn nhận ra mùi của chúng từ lần đầu tiên mở lọ, đó chỉ là lưu huỳnh trong củ cải bốc ra. Tuy nhiên, bạn có thể bật quạt để tống mùi này đi nếu không thích).
Chuẩn bị thịt lợn xay trước đó ít nhất 1h:
Trộn tất cả các thành phần với nhau vào trong một bát lớn, kết hợp với nước sốt, tạo ra một sự kết hợp hương vị theo sở thích của bạn. Đậy nắp và để trong tủ lạnh khoảng 1 giờ hoặc hơn cho gia vị vị thấm vào thịt
Đóng khung thịt thành những miếng nhỏ, hoặc dùng dụng cụ cắt bánh quy, có thể dùng ly, hoặc các dụng cụ có vành tròn khác để cắt chúng cho đều. Còn chúng tôi thì thường cắt chúng thành miếng tròn có đường kính khoảng 5cm và dày 1cm.
Sau đó đem chiên các miếng thịt trong chảo gang với lửa vừa, cho đến khi chúng có màu nâu đẹp mắt ở bên ngoài, phần giữa chín kỹ, khoảng 3 phút mỗi bên. Để ráo thịt trên một cái dĩa có khăn giấy lót
Kết hợp với bánh mỹ:
Cắt mở bánh mì baguette theo chiều dọc và thêm mayo và một ít nước sốt Sriracha (hoặc các loại nước sốt khác) dọc theo bên trong. Lát vào trong các miếng thịt lợn, và trên cùng là những lát dưa chuột, lát jalapeño, đồ chua, thêm rau mùi, và có lẽ là một ít tương ớt.
Phần thịt và đồ thừa còn lại có thể bỏ vào trong tủ lạnh, bạn có thể ăn lại món này sau vài ngày bằng cách hâm nóng lại thịt viên hoặc không tùy bạn.
Được biết, Kevin Revolinski là một người đam mê du lịch và là tác giả của 15 cuốn sách, bao gồm cả The Yogurt Man Cometh: “Tales of a American teacher in Turkey” và các sách hướng dẫn hoạt động ngoài trời cùng nhà máy bia. Ông có văn phòng tại thành phố Madison, nang Wisconsin và là chủ của trang web: TheMadTraveler.com
Thiện Thành (Theo Epoch Times)