“Người Trung Quốc đến đầu tư ở Campuchia, gây ra nhiều rắc rối ở Campuchia và khiến người dân địa phương tổn thương” – một người bình luận trên một trang mạng xã hội Facebook thường đăng tải các vấn đề xã hội.
Người Trung Quốc dính líu đến chuyện tiêu cực tại Campuchia ngày càng nhiều, từ ẩu đả trong quán bar, du khách say xỉn lái xe gây tai nạn hoặc những vụ lừa đảo, tống tiền qua mạng.
>>> Trung Quốc biến một thành phố ở Campuchia thành Macau thu nhỏ
Số lượng du khách Trung Quốc đến Campuchia đang tăng với tốc độ chóng mặt – hơn 1,27 triệu người trong 8 tháng đầu năm, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái – theo Bộ Du lịch Campuchia. Số lượng người lao động và doanh nhân Trung Quốc kéo đến Campuchia làm ăn cũng tăng nhanh giữa lúc Bắc Kinh tăng cường quan hệ ngoại giao, quân sự với chính phủ Thủ tướng Hun Sen.
Sự bùng nổ đã dẫn đến sự gia tăng của tâm lý e ngại người Trung Quốc của người Campuchia.
“Có không ít người Campuchia rất không hài lòng với những hành vi không tốt đẹp gần đây của các băng nhóm người Hoa – những người được gọi là “nhà đầu tư”. Họ thường có hành vi bạo lực độc ác nhằm vào người Campuchia vô tội, trong đó có cả phụ nữ” – anh Yong Heng, 25 tuổi, nhà sáng lập Mạng lưới lãnh đạo chính trị trẻ ASEAN, bức xúc.
Không địa phương nào ảnh hưởng của Trung Quốc hiện diện nhiều như ở TP Sihanoukville thuộc tỉnh Preah Sihanouk.
Diện mạo thành phố 160.000 dân này gần như bị biến đổi bởi các sòng bạc, nhà hàng, quán bar, nhà máy của người Trung Quốc. Ông Ou Virak, sáng lập viên tổ chức Diễn đàn Tương lai cho rằng vấn đề của thành phố này là chính quyền xem trọng người nước ngoài hơn người địa phương.
Nhiều người dân địa phương hiện tránh xa TP Sihanoukville trong khi các du khách phương Tây đi nghỉ mát ở nơi khác. Hiện tượng này đã tác động tiêu cực đến kinh tế Sihanoukville.
Trong nỗ lực xoa dịu tâm lý e ngại Trung Quốc, Thủ tướng Hun Sen gần đây cho rằng lao động Trung Quốc rất cần thiết cho các dự án xây dựng nhưng họ sẽ không ở Campuchia lâu dài. “Khi họ kết thúc công việc, họ sẽ không ở lại Campuchia. Họ sẽ trở về. Xin đừng nghi ngờ. Chúng ta không có luật nào cho phép họ ở lại” – ông Hun Sen khẳng định.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng người Trung Quốc sẽ không sớm rời đi. “Người Trung Quốc sẽ học cách chung sống với người bản địa tốt hơn. Đó là cách mọi việc sẽ diễn ra cho dù ai đó có thích hay không” – ông Ou Virak nhận định.
>>> Đặt trạm khí tượng ở Trường Sa, Trung Quốc định toan tính những gì?
>>> Mỹ bóc mẽ thương vụ đầu tư vào Sri Lanka của Trung Quốc
Theo nld.com.vn