(PLO)- Sáng 27-2, ông Trương Xuân Ánh – phó trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết: Công an tỉnh này đang phối hợp với cơ quan chức năng của huyện xác định vị trí tọa độ xảy ra khai thác đá bán quý Canxedon (tên gọi khác đá Ôpan) tại xã Đắk Gằn vào dịp trước Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015; đồng thời cũng cố hồ sơ để có biện pháp xử lý những người vi phạm.
Hòn đá nặng hàng chục tấn giá nhiều tỉ đồng. Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 11-2, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện xe đầu kéo do tài xế Hoàng Văn Nghĩa (trú TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển đang vận chuyển một hòn đá lớn. Qua kiểm tra xác định là đá bán quý canxedon, thuộc diện nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán dưới mọi hình thức. Do tài xế không xuất trình được giấy tờ liên quan nên cơ quan công an đã đưa về trụ sở Công an tỉnh này tạm giữ điều tra. Hòn đá được xác định dài 4 m, rộng 3,5 m, cao 1,3 m, ước khối lượng khoảng 18m3 (nặng từ 27 – 30 tấn, ước tính giá trị nhiều tỉ đồng). Hòn đá được khai thác tại rẫy cà phê của người dân. Bước đầu, cơ quan công an xác định hòn đá được khai thác tại rẫy cà phê của ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ xã Đắk Gằn). Sau nhiều ngày khai thác, hòn đá khi vận chuyển ra lên xe chở sang Buôn Ma Thuột trên quốc lộ 14 thì bị phát hiện bắt giữ. Ông Trương Xuân Ánh, cho biết hòn đá trên nằm trong vườn cà phê, được người dân phát hiện từ lâu. Đây là đá bán quý nhà nước cấm khai thác, buôn bán vận chuyển dưới mọi hình thức. Có thể người dân lợi dụng dịp tết để khai thác, bán ra ngoài nhằm qua mắt cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Ánh, trước đây, người dân vẫn lén lút khai thác bán dưới dạng tính ký, khoảng 20-50 nghìn đồng/kg (dạng đá cục nhỏ) về để chế tác làm đá phong thủy, trưng bày nghệ thuật. Hòn đá khai thác lần này được đánh giá là to và nặng nhất được tìm thấy tại địa phương từ trước tới nay. Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trung – trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông), ông cho biết đá canxedon hình thành cùng sự phong hóa về địa chất và phân bố rải rác tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh dưới dạng đá mồ côi. Đá có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, hồng, vàng nhạt… nên được giới chơi đá phong thủy, nghệ thuật rất chuộng. Hòn đá càng to, giá trị càng cao. Đại Dũng (1)
Theo Pháp luật TPHCM |