Tam đạo trà: Thưởng thức 3 chén trà, cảm ngộ 3 giai đoạn nhân sinh
Tại vùng đất Đại Lý, tỉnh Vân Nam nổi tiếng với phong tục “Tam đạo trà”, đây là cách thức mà người dân tộc Bạch dùng để tiếp đón khách, trong đó cũng ẩn chứa những cảm ngộ sâu sắc về nhân sinh.
Vùng đất Đại Lý, nơi hội tụ đầy đủ vẻ đẹp phong hoa tuyết nguyệt của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với địa hình địa thế thuận lợi, và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Đại Lý đang dần trở thành một trong những trọng điểm du lịch của phương Đông, thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm. Đặc biệt, những ai yêu thích trà đạo chắc chắn sẽ không thể nào bỏ qua phong tục “Tam đạo trà” đậm chất truyền thống của vùng đất hoa lệ này.
Sự tinh tuý của “Tam đạo trà” này nằm trong câu: “Nhất khổ, nhị cam, tam hồi vị”, nghĩa là thưởng thức lần đầu thấy đắng, lần thứ hai thấy ngọt, lần thứ ba khiến người ta phải ngẫm nghĩ về ý nghĩa cuộc đời.
Thưởng trà ngon, cần chú ý 3 dư vị về thể chất và tinh thần: Thứ nhất lưỡi phẩm vị ngọt thanh khiết; thứ hai răng má thấm vị ngọt thuần; thứ ba dưới cổ họng tràn đầy vị ngọt dễ chịu, khí mạch thông suốt, tinh thần thư thái, tâm tư khoáng đạt.
Phong tục “Tam đạo trà” của dân tộc Bạch tại Vân Nam giúp người ta thưởng thức được ba dư vị khác nhau của trà. Trong khi thưởng thức “đạo trà” thì cũng cảm ngộ được đạo lý nhân sinh đọng lại trong từng hương vị.
“Tam đạo trà” nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Bạch
Ở Đại Lý, “Tam đạo trà” đã có lịch sử lâu đời, sử sách ghi chép sớm nhất là thời nhà Đường. Lúc đầu, “Tam đạo trà” chỉ là một cách chúc nguyện của người lớn đối với lớp trẻ khi học nghề, làm buôn bán, kết hôn v.v. Họ thường dùng 3 chén trà cầu chúc cho hậu bối được thuận lợi, bình an, mỹ mãn.
Hiện nay, tục lệ này thuận theo việc thưởng thức trà ngày càng phổ biến trong xã hội mà dần dần trở thành nét văn hóa trà đặc trưng của dân tộc Bạch, thể hiện sự tao nhã trong tục lệ nghênh tiếp và sự chân thành đãi khách của người Bạch.
“Tam đạo trà” cũng tựa như ba giai đoạn của cuộc đời
Tam đạo trà, trà kính 3 chén, mỗi chén có mùi vị và ý vị khác nhau, ngụ ý gửi gắm 3 cảnh giới nhân sinh: “Nhất khổ, nhị cam, tam hồi vị”. Mỗi ly tựa như một tầng, mỗi ly thưởng thức triết lý nhân sinh ở cảnh giới khác nhau.
Chén thứ nhất là “trà đắng”, ý nói đời người bắt đầu từ gian khổ. Muốn lập nghiệp, thì cần chịu khổ trước, gây dựng sự nghiệp gian khổ để tạo dựng chỗ đứng, chữ “đắng” luôn ở vị trí đầu tiên.
Chén thứ hai là “trà ngọt”, ngụ ý là đời người “khổ tận cam lai”, cay đắng qua đi thì ngọt bùi sẽ đến, không trải qua một chút khổ cực thì làm sao có hương hoa mùa xuân thơm ngát. Có nếm trải đau khổ, thì về sau hưởng thụ được hương vị ngọt ngào sẽ càng tăng thêm mỹ hảo trong cuộc sống.
Chén thứ ba là “trà hồi vị”, cũng là trà suy ngẫm, tạo cảm giác suy ngẫm vô cùng, tượng trưng cho giai đoạn bình lặng của đời người. “Trà hồi vị” – ngũ vị (ngọt, chua, cay, đắng, mặn) trong một chén trà, giống như cuộc sống thực tế, hiểu được đời người khi đến ngã rẽ, đừng quên bài học kinh nghiệm từng trải qua.
“Tam đạo trà”, ba mùi vị khác nhau, khổ trước sướng sau, có nghĩa là cuộc đời đầy cảm xúc, mang ngụ ý sâu xa.
Nghệ thuật trà trong “Tam đạo trà”
“Tam đạo trà” xem trọng nghệ thuật pha trà và kính trà. Chén trà thứ nhất, đầu tiên nấu nước, bên cạnh đặt một ấm trà lên ngọn lửa nhỏ. Đợi đến khi ấm trà nóng lên, liền cho một lượng trà vừa phải vào ấm, rồi không ngừng lắc ấm trà, để lá trà nóng đều, đến khi trà vang lên tiếng “lốp đốp”, màu xanh chuyển sang vàng, mùi khét bốc lên, lập tức rót nước đã nấu vào. Chờ một chút, chủ nhà rót nước trà đang sôi vào chén, nâng chén trà bằng hai tay mời khách.
Chén trà này trải qua các bước sấy, đun sôi mà thành, vì vậy, màu như hổ phách, mùi khét xông vào mũi, vào miệng đắng chát, bình thường chủ nhà chỉ mời nửa chén, khách thì uống một hơi cạn sạch.
Sau khi mời chén trà thứ nhất, chủ nhà lại lấy ấm nhỏ cho trà vào, sấy trà, pha trà. Đồng thời, cho vào trong ấm trà một ít đường đỏ, hồng đào, nhũ phiến (loại sữa đặc trưng của vùng Đại Lý),… Nước trà nấu xong được rót vào trong chén đầy khoảng tám phần. Như vậy là chén trà thứ hai đã pha xong, trong vị ngọt có hương sữa, ngọt tinh khiết, rất ngon miệng.
Cách pha chén trà thứ ba cũng như trên, chỉ có nguyên liệu cho vào ấm trà là khác nhau, chủng loại cũng nhiều hơn. Chén trà được cho vào một lượng mật ong vừa phải, một chút cơm rang, vài hạt tiêu, một ít nhân hạt óc chó, gừng và vỏ quế,… sau đó rót nước trà vào chén đầy khoảng bảy phần. Khi uống chén thứ ba, vừa lắc vừa uống. Lắc chén trà, khiến cho nước trà và nguyên liệu bên trong hòa đều vào nhau.
Chén trà này, uống vào có vị ngọt, mùi thơm, hơi đắng và tê, cay, cảm thụ được rất nhiều điều. Người xưa cố tình rót trà đầy bảy phần vì kính trọng, lưu giữ ba phần dư vị lâu dài. Một lễ tiệc trà bao gồm trà, lễ nghi, kính trọng, trí tuệ, vui vẻ.
Đại tài tử Viên Mai đời nhà Thanh đối với việc thưởng thức trà luôn có cách thức độc đáo, ông nói: “Thưởng thức trà cần phải nghiền ngẫm, đồng thời từ từ cảm nhận”.
“Tam đạo trà”, từ thưởng thức trà đến cảm ngộ nhân sinh, “nhất khổ, nhị cam, tam hồi vị”, đậm đà ý vị làm xao động lòng người. Trong chén trà có cay đắng ngọt bùi, trăm vị trong “chén”, ý nói nhân sinh uyển chuyển.
Nhân sinh trong chén trà nhắc con người trong thế giới nên làm một người có thể chịu được cực khổ, có thể bao dung hòa hợp, phẩm hạnh thành thật chất phác.
Iris, dịch từ Epoch Times