Sau khoảng 8 tháng dừng thi công, đến đầu tháng 4/2021, vướng mắc về mặt bằng thi công cầu Thủ Thiêm 2 vẫn chưa được giải quyết, công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã phải gửi văn bản tới UBND TP “kêu cứu” vì lo sợ dự án đã “trùm mền” quá lâu, có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Tuổi Trẻ, ngày 2/4, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thông báo trong hội nghị duyệt nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội quận 1, cho biết sau một thời gian dài tạm dừng, dự kiến trước ngày 15/4, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ thi công trở lại.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, quyết định này được đưa ra sau khi phía chủ đầu tư có văn bản báo cáo về các khó khăn, vướng mắc của dự án. Tiến độ thi công dự tính hoàn thiện trước ngày 30/4/2022, theo cam kết phía chủ đầu tư.
Được biết, cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế với quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m. Cầu được khởi công từ năm 2015, dự kiến sẽ là điểm nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và ban đêm với phần cầu dài 885m có trụ tháp chính hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, kết hợp cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, khi dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công được khoảng 70% thì chủ đầu tư phải tạm dừng thi công vì không còn mặt bằng do vướng đền bù giải tỏa 11.114m2 đất của Nhà máy Ba Son, 158,7m2 đất của Văn phòng Chính phủ quản lý và 1.607m2 đất của Bộ tư lệnh Hải quân.
Sau khoảng 8 tháng dừng thi công, đến đầu tháng 4/2021, vướng mắc về mặt bằng thi công trên vẫn chưa được giải quyết, công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh sau đó phải gửi văn bản tới UBND TP “kêu cứu” vì lo sợ dự án đã “trùm mền” quá lâu, có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, kết cấu nhịp, trụ… của dự án nằm phơi sương, phơi nắng ở trạng thái chưa hoàn thành trong khoảng thời gian dài gây nguy cơ thay đổi kết cấu, xuống cấp, không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục thi công. Cùng với đó, cầu bắc qua tuyến đường sông có mật độ giao thông thủy lớn, có thể xảy ra nguy cơ về các sự cố giao thông hàng hải, tạo ra những thiệt hại đáng kể và khó lường dù công tác đảm bảo giao thông thủy vẫn được duy trì.
Liên danh nhà thầu cũng kiến nghị nếu công trình không được thi công trở lại trước ngày 15/4, công trường sẽ bị giải thể, thiết bị thi công dây văng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Nam Phi, thiết bị đặc chủng để thi công là giàn nâng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Singapore. Việc di chuyển 2 thiết bị và huy động trở lại sẽ mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng nhiều tới công trình. Liên danh nhà thầu sẽ bàn giao cây cầu cho Công ty Đại Quang Minh và sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành các rủi ro có thể phát sinh cho dự án.
Do đó, phía công ty Đại Quang Minh đề nghị UBND TP nhanh chóng có giải pháp giải phóng mặt bằng, công tác pháp lý để tiếp tục triển khai thi công các hạng mục lắp đặt các đốt dầm đến trụ S1, tháp cầu và căng các bó cáp dây văng còn lại.
Yên Yên (t/h)