Nước Nhật nổi tiếng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tuổi thọ người dân cao nhất trên thế giới. Điều đó phần lớn liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyệt vời của đất nước này.
Tất cả mọi thứ từ bảo hiểm y tế, lễ tân bệnh viện đến phí khám bệnh đều được hệ thống hóa chu đáo để đảm bảo công dân có được dịch vụ chăm sóc y tế rẻ nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Một nghiên cứu của Bloomberg đã xếp hạng Nhật Bản đứng thứ 4 trong các nước có dịch vụ chăm sóc sức khỏe “đáng đồng tiền bát gạo” nhất. Chi phí chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người ở đất nước này ở mức 4.752 USD/người, chỉ bằng hơn một nửa so với con số 8.895 USD/người ở Mỹ. Mặc dù có chi phí y tế cao hơn nhiều, nhưng tuổi thọ của người Mỹ vẫn kém người Nhật 5 tuổi.
Tập trung vào người dân
Từ lâu người ta đã thường chỉ trích chính phủ Mỹ vì quá tập trung vào lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe đang sống trên tiền của người dân. Ngược lại, chính phủ Nhật Bản lại được ngưỡng mộ vì tạo ra hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia tập trung mạnh vào phúc lợi của dân chúng.
Nhật Bản đã đạt được điều này bằng cách cấm các công ty bảo hiểm kiếm lợi nhuận quá mức, đồng thời chấp nhận những thiếu sót trong chăm sóc sức khỏe và đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về mức phí mà các bác sĩ có thể thu.
“Hầu hết các bác sĩ Nhật Bản kiếm được ít tiền hơn so với các đồng nghiệp ở Mỹ. Chi phí hành chính thấp hơn bốn lần so với Mỹ, một phần vì các công ty bảo hiểm không đặt mức giá cho việc điều trị hoặc từ chối yêu cầu bồi thường. Theo luật, họ không thể kiếm lời hoặc quảng cáo để thu hút các khách hàng có rủi ro thấp, lợi nhuận cao”, một bài báo trên tờ Washington Post cho biết.
Không có công dân Nhật Bản nào bị từ chối dùng bảo hiểm y tế chỉ vì họ gặp phải vấn đề trước khi mua bảo hiểm. Và người ta cũng không phải phá sản chỉ vì muốn cho người nhà được điều trị ở điều kiện tốt hơn.
Chi phí chăm sóc sức khỏe
Theo luật, tất cả người dân Nhật Bản đều phải mua bảo hiểm y tế. Nước này có hơn 3.500 nhà cung cấp bảo hiểm y tế và 8 hệ thống bảo hiểm y tế, thường được chia thành 2 loại – chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia và các chương trình Bảo hiểm Y tế cho Nhân viên.
Hầu hết người dân Nhật Bản được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe chi trả tới 70% chi phí y tế. 30% còn lại dự kiến sẽ do phía bệnh nhân chi trả. Tuy nhiên, nếu chi phí chữa trị quá cao, chính phủ có thể trả tới 90% chi phí đó. Và đối với người cao tuổi, họ chỉ cần trả 10% chi phí y tế theo mặc định, miễn là họ có bảo hiểm dành cho người già.
Chi phí y tế của một công dân được tính dựa vào tuổi và thu nhập của họ. Và ngay cả khi bệnh nhân không có bảo hiểm, họ vẫn có thể được điều trị miễn phí nếu thu nhập của họ rất thấp. Các kế hoạch bảo hiểm của chính phủ bao gồm nhiều lĩnh vực như chăm sóc tại bệnh viện, thuốc men, vật lý trị liệu, chăm sóc tâm thần,…
Vì gần 90% chi phí chăm sóc sức khỏe của người già được nhà nước lo, nên nhiều người cho rằng Nhật Bản là nơi tốt nhất để dưỡng già. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến gánh nặng lớn cho chính phủ.
Tính đến năm 2014, cứ 3 người Nhật thì có 1 người trên 60 tuổi và trong 8 người thì có 1 người trên 75 tuổi. Phí bảo hiểm tăng nhanh cũng dồn thêm gánh nặng cho chính phủ. Vậy nên, nhiều chuyên gia tin rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyệt vời dành cho người cao tuổi ở Nhật Bản có thể sẽ không kéo dài được lâu.
Hồng Liên, theo Vision Times