Thông báo về ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ trong giới khoa học và dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn hai câu hỏi cấp bách đang bị bỏ qua, đó là: Những cơ thể phục vụ cho nghiên cứu này đến từ đâu? Và tại sao nghiên cứu “ghép đầu người” chỉ diễn ra ở Trung Quốc?
Ngày 11/11 vừa qua, bác sĩ phẫu thuật người Ý Sergio Canavero tuyên bố mình đã thực hiện thành công ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, mặc dù mới chỉ trên hai xác chết. Canavero cho biết thử nghiệm này là tiền thân của giai đoạn tiếp theo được thực hiện trên các đối tượng chết não. Bước sau đó là cấy ghép đầu cho người sống.
Sau khi nghiên cứu của Canavero bị bác bỏ ở Hoa Kỳ và Châu Âu vì trái với luân lý đạo đức, nó đã tìm thấy một chỗ trú chân ở Trung Quốc với một bác sĩ cộng tác có tên Nhậm Hiểu Bình. “Người Mỹ không hiểu chuyện này”, Canavero nói trong một cuộc họp báo vào ngày 11/11.
Không có sự minh bạch
Karen Rommelfanger, biên tập viên cấp cao của Tạp chí American Journal of Bioethics Neuroscience cho biết với lịch sử sử dụng thi thể tử tù cho việc cấy ghép của Trung Quốc, có những câu hỏi cần trả lời khẩn cấp.
Canavero nói ông ta đã tiến hành phẫu thuật hai lần và cần đến bốn cơ thể. “Điều rất quan trọng, mà không ai nói đến, đó là những thi thể này đến từ đâu, và ai là người đồng ý”, Rommelfanger nói. Bà chia sẻ bà rất ngạc nhiên vì mọi người đã bị phân tâm bởi những vấn đề khác mà bỏ quên vấn đề bà cho là quan trọng nhất này.
Những quan ngại của Rommelfanger được giải thích trong một bài viết trên Tạp chí American Journal of Bioethics Neuroscience, với đồng tác giả là Paul Boshears, Giáo sư triết học tại Đại học Kennesaw State.
Cấy ghép đầu được hiểu là một ca cấy ghép cơ thể, mục đích là khi sức khoẻ cơ thể của ai đó xấu đi, họ chỉ đơn giản trao đổi nó với một người khoẻ mạnh hơn, có lẽ là một người trẻ hơn. Vấn đề là ai sẽ sẵn sàng hiến cả thân xác của mình để cấy ghép, vì để ghép đầu thành công cần có cơ thể sống, tức là có người khác phải chết.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử cấy ghép tạng gần đây của Trung Quốc, có thể nhận thấy rằng việc tìm được người để lấy xác là rất dễ dàng.
Trong khi tại hầu hết các quốc gia, bệnh nhân phải chờ đợi đến hàng năm mới có thể có được một quả thận hoặc một lá gan để cấy ghép, thì ở Trung Quốc, nhiều cơ quan tạng phù hợp được xác định chỉ trong vòng vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã công khai thừa nhận sử dụng nội tạng của tử tù để cấy ghép mà không được sự đồng ý của họ. Năm 2006, các cuộc điều tra còn cho thấy Trung Quốc đã giết hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng đang phát triển mạnh mẽ tại nước này.
Theo tài liệu điều tra của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann có tên Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát: Bản cập nhật, được xuất bản tháng 6/2016, mục tiêu chính của nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc là những người tu luyện Pháp Luân Công. Bên cạnh đó người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các tín đồ Cơ-đốc giáo cũng là những đối tượng bị giết hại để lấy nội tạng cấy ghép, đôi khi bán cho người nước ngoài.
Các nhà điều tra ước tính có thể có tới 1,5 triệu ca cấy ghép nội tạng được thực hiện ở Trung Quốc từ năm 2000 mà không có bất kỳ nguồn cung nội tạng nào được xác minh. Theo các nguồn tin chính thức từ Trung Quốc, một ca ghép thận có giá 60.000 USD, 100.000 USD cho một lá gan, và lên đến 150.000 USD cho một lá phổi hoặc một quả tim. Ngành công nghiệp này có giá lên đến trên 1 tỷ USD/năm, Leon Lee, nhà sản xuất bộ phim tài liệu có tên Human Harvest (Thu hoạch nội tạng) nói.
Video giới thiệu phim: Thu hoạch nội tạng
“Trung Quốc đã tái diễn những vi phạm nhân quyền có lẽ là khủng khiếp và nghiêm trọng nhất đối với Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác, song hầu như không gặp phải bất kỳ sự chỉ trích nào, chứ chưa nói đến trừng phạt vì sự ngược đãi này”, nghị sỹ Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen bình luận. Bà cho biết tội ác mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc “phải bị cả thế giới phản đối và phải chấm dứt vô điều kiện”.
Nghiên cứu vẫn tiếp tục tiến hành bất chấp sự phản đối
Viễn cảnh cấy ghép đầu người đã được Canavero ấp ủ từ năm 2015. Ban đầu, có một người được sắp xếp cho cuộc giải phẫu sống đầu tiên, nhưng người này đã rút lui sau đó.
Vào ngày 11/11 vừa qua, Canavero tuyên bố mình đã thành công trong ca ghép đầu người đầu tiên trên các tử thi. “Mọi người đều nói điều đó là không thể, nhưng cuộc giải phẫu đã thành công”, Canavero phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vienna. Ông nói thêm: “Bước tiếp theo sẽ là tiến hành trên một bệnh nhân chết não có cơ thể còn sống. Đây sẽ là bước cuối cùng cho ca cấy ghép đầu chính thức sắp diễn ra”.
Tuy nhiên, cộng đồng y khoa trên khắp thế giới nhanh chóng phản ứng trước tuyên bố của bác sĩ Canavero. Các chuyên gia hàng đầu cho rằng phẫu thuật ghép đầu vừa trái đạo lý vừa nguy hiểm. Quá trình có thể gây ra những vấn đề tồi tệ cho bệnh nhân tham gia và đe dọa xã hội nói chung.
“Quả thực, thử tiến hành loại phẫu thuật như vậy trong điều kiện hiện nay không khác gì phạm tội. Là một nhà khoa học thần kinh, tôi muốn cam đoan với công chúng rằng tôi hay bất kỳ đồng nghiệp nào của tôi đều nghĩ chặt đầu người trong những thí nghiệm khó thành công là không thể chấp nhận được”, Jan Schnupp, giáo sư khoa học thần kinh ở Đại học Hong Kong, nhấn mạnh. “Đó là điều không thể!”.
“Có thể đáng lo ngại hơn là nỗ lực này dường như xoay quanh sự bất tử. Nhưng trong mỗi trường hợp cần một cơ thể để cấy ghép, như thế một người cần phải chết để phục vụ quá trình phẫu thuật. Canavero định lấy cơ thể hiến tặng từ đâu nếu mục tiêu là thay đổi quy luật tự nhiên? Và cuối cùng, nếu ghép cơ thể trở thành hiện thực, liệu Canavero đã cân nhắc cách đối phó với hiện tượng đào thải các bộ phận thuộc phần đầu? Còn hiện tượng đào thải da, cơ bắp, mắt và bộ não thì sao? Tôi hy vọng điều này không phải một loại ngụy khoa học ích kỷ”, Fildes nói.
Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ giới khoa học và cộng đồng quốc tế, nhưng bác sĩ Nhậm Hiểu Bình, người cộng tác của Canavero cho biết mình sẽ tiếp tục nghiên cứu về kiểu phẫu thuật gây tranh cãi này. “Tôi là một nhà khoa học, không phải chuyên gia đạo đức”, ông nói.
Rommelfanger lo ngại, khi tin tức về nghiên cứu này dần lắng xuống, không có nghĩa là các thử nghiệm sẽ dừng lại, hay những nghi vấn sẽ biến mất. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không nghe gì về điều này nữa cho đến khi họ có kết quả nào đó đáng kể để báo cáo. Và sẽ có rất nhiều thất bại trước khi chúng ta nghe thấy bất cứ điều gì tiếp theo”.
Do đó, với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, việc chuẩn bị ghép đầu người ở nước này không chỉ đơn thuần là “nhân danh y học”, mà nó đồng nghĩa với việc sẽ có những người vô tội phải chết, và nó có thể còn là bước khởi đầu cho một cách thức tàn sát độc ác hơn để phục vụ cho lợi ích của thế lực tham lam và ham sống sợ chết.
Hồng Liên t/h