Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen đổ đầy bình khi đổ xăng, nhưng thói quen này có thể làm cho bạn mất đi một lượng xăng nhất định mà cả bạn lẫn người đổ xăng có thể cũng không biết đấy!
Vào năm 2005, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ (NIST) của Mỹ đã đưa ra báo cáo thử nghiệm về việc bình xăng xe ô tô luôn có những khoảng trống khiến cho dung tích thực lớn hơn với dung tích nhà sản xuất công bố.
Theo đó, nếu muốn xác định thông số thực của bình xăng, bạn phải loại trừ toàn bộ xăng có trong ống dẫn từ bình xăng tới động cơ và thậm chí là từ nắp bình xăng xuống đáy. Ngoài ra, một phần nhỏ của xăng nằm dưới đáy động cơ, nơi mà hệ thống hút xăng trong bình không thể hút tới.
Một kỹ sư về sửa chữa kỹ thuật ô tô cho rằng bình xăng thường nằm ở đuôi xe nên sẽ có một hệ thống ống dẫn từ vòi tới động cơ để đảm bảo hiệu suất cung cấp xăng cho quá trình đốt, cộng với cả bộ phận lọc xăng. Ở những bộ phận này có thể chứa được khoảng 0,5 lít xăng, riêng bộ lọc xăng cũng có thể chứa lên tới 0,3 lít.
Cùng với đó, các nhà sản xuất cũng đã phải tính toán tới độ giãn nở của xăng, mức độ giãn nở của bình xăng, của khí gas,… để tính toán tới dung tích bình xăng, trừ hao đi dung tích cho các hạng mục này để đưa ra mức khuyến cáo cho người sử dụng.
Với mức khuyến cáo này sẽ giúp cho xe vận hành tốt, ổn định và tránh các trường hợp như rò rỉ xăng, cháy nổ… đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như phương tiện. Do đó người sử dụng không nên đổ xăng đầy bình vượt quá mức công bố của nhà sản xuất.
Mặt khác, viện Tiêu chuẩn và Công nghệ của Mỹ còn báo cáo rằng, trên thực tế nắp bình xăng luôn được thiết kế theo vòi bơm, để khi bơm xăng, vòi bơm sẽ tự ngắt khi bình xăng đã ở mức đầy an toàn.
Video giải thích tại sao không nên đổ xăng đầy bình:
Theo đó, với tính tương tác hai chiều của vòi bơm, khi đạt tới lượng nhiên liệu đủ theo thông số, vòi bơm sẽ tự ngắt và một lượng xăng thừa ra sẽ được hút lại thông qua một ống nhỏ tích hợp trong vòi bơm quay ngược về bể chứa.
NIST cũng đưa ra cảnh báo, trong một số trường hợp khi vị trí chiếc xe đỗ bị dốc, nghiêng, lượng xăng sẽ được đưa vào nhiều hơn, trước khi hệ thống đo áp suất của vòi bơm xăng nhận diện lượng xăng đã đủ.
Do vậy người dùng không nên dùng thông số dung tích bình nhiên liệu của nhà sản xuất để tính toán lượng xăng thực tế mà bình chứa nhiên liệu có thể chứa được.
Một nhân viên kỹ thuật về xăng dầu cũng cho biết, trường hợp khách hàng không đổ theo một số tiền nhất định mà đổ xăng đầy bình thì vẫn có khả năng sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với số xăng thực được đổ.
Nhân viên này nói rõ: “Với cơ chế “cò” bơm tự động, khi đổ xăng tới thời điểm xăng đầy lên và chạm tới mép của vòi bơm, tức ngưỡng an toàn để tránh cho xăng bị trào ra ngoài, thì cột bơm sẽ tự động điều khiển cò ngắt.
Khi xăng đã tới ngưỡng này, nếu cố bơm thêm cho đầy bình xăng thì lúc đó, trước khi rút vòi bơm ra, xăng sẽ bị hút lại một lượng nhất định chảy ngược lại vào trong bể chứa.
Điều này có thể dễ hiểu bởi hút ngược một lượng xăng lại là để tránh việc xăng đầy kín bình, trong khi trong bình xăng cần phải có một khoảng trống nhất định cho việc xăng giãn nở (vì nhiệt lớn) cùng hơi xăng, hơi ga dư thừa, đảm bảo an toàn cho xe và người điều khiển.
Do đó, chỉ số bơm xăng vẫn sẽ chạy nhưng lượng xăng thực đổ vào xe sẽ bị ít hơn so với chỉ số hiển thị. Chưa kể, trong trường hợp càng cố đổ đầy nhiều lần hơn thì lượng xăng bị hút lại càng nhiều so với việc cố đổ xăng đầy bình trong lần đầu tiên.
Theo vietnamnet