Dương Thư Bình (Shuping Yang), sinh viên Trung Quốc tại Đại học Maryland (Mỹ) vinh dự được phát biểu trong lễ tốt nghiệp Chủ Nhật (21/5). Tuy nhiên, bài diễn văn dài hơn 8 phút của cô lại khiến người Trung Quốc bất bình, theo Shanghaiist ngày 22/5.
Trích bài phát biểu của Dương Thư Bình nói về bầu không khí trong sạch cô được tận hưởng trên đất Mỹ:
“Không còn khói mù trên mắt kính, không còn hơi thở khó nhọc, không còn bức bí. Mỗi hơi thở là một niềm vui. Khi tôi đứng đây ngày hôm nay, tôi không thể ngừng nhớ lại cảm giác tự do đó.
Tại Đại học Maryland, tôi sớm cảm nhận được một loại không khí trong lành khác mà tôi mãi mãi biết ơn. Không khí trong lành của tự do ngôn luận”.
Và bài viết đã châm ngòi cho những đả kích nhắm vào cô sinh viên đang hân hoan niềm vui tốt nghiệp. Họ gọi cô là “nỗi xấu hổ của Trung Quốc”.
Trước những bình luận gay gắt này, bà Jennifer Zeng, một tác giả người gốc Hoa cho rằng phản ứng của các cư dân mạng đối với bài phát biểu này là một triệu chứng của việc bị tẩy não.
Theo bà Zeng, bài phát biểu của cô ca ngợi bầu không khí trong lành ở Mỹ, tương phản với chất lượng không khí tồi tệ ở Trung Quốc. Cô Dương cũng đưa ra một so sánh tương tự với sự tự do ngôn luận trong cộng đồng học thuật. Cô nói cô chưa bao giờ mơ ước là có thể công khai thảo luận những vấn đề như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, và chính trị, bởi vì ở Trung Quốc “chỉ có chính quyền là được quyền nói”. Bài phát biểu của cô đã nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt.
Tuy nhiên, 1 ngày sau khi bài phát biểu dài 8 phút của cô Dương được đăng tải và nhận được 50 triệu lượt xem trên mạng, thì cũng xuất hiện hàng trăm ngàn bình luận phê phán của các cư dân mạng Trung Quốc. Chỉ một đăng tải trên trang của Thời báo Hoàn cầu do chính quyền Trung Quốc kiểm soát, đã tràn ngập hơn 140 ngàn bình luận. Thời báo Hoàn Cầu gọi bài phát biểu của cô là “phản Trung”.
Bà Zeng viết, “mặc dù không ngạc nhiên với phản ứng này, tôi đã sốc và rất buồn bởi một bình luận đặc biệt bằng tiếng Trung được trích dẫn bởi Storm Media Group ở Đài Loan: ‘Tất cả người dân Trung Quốc đều nợ bố cô một chiếc … bao cao su’. ‘Bố cô’ ở đây rõ ràng là để chỉ bố của cô Dương”.
“Sau bình luận này là nhiều từ ngữ tục tĩu và sỉ nhục khác, tất cả đều đổ lên cô gái trẻ tội nghiệp này. Có vẻ như, tài khoản Weibo của cô cũng bị tràn ngập bởi những lời thù ghét và công kích mang tính cảm tính”.
Những lời bình luận này là một ví dụ của việc những người Trung Quốc “yêu nước” bị tẩy não có thể đi xa đến đâu khi công kích và sỉ nhục bất cứ ai mà họ tin rằng đã phê phán nước Trung Quốc. Trong mắt họ, việc phê phán này cũng bằng như sự phản bội đất nước.
“Trong khi suy ngẫm về điều này, tôi đột nhiên nhớ lại một sự việc mà tôi đã trải qua khi còn học ở trường Đại học Bắc Kinh hồi năm 1987, điều tương phản với ‘chủ nghĩa yêu nước’ cực đoan đó. Chúng tôi có một thầy giáo tiếng Anh đến từ Anh. Một hôm một sinh viên hỏi thầy, ‘Thầy là một người Anh. Tại sao thầy lại đến Trung Quốc để làm việc?’
“Thầy trả lời, ‘đến từ Anh chỉ là một sự tình cờ về mặt sinh học. Trước hết tôi là một cá nhân. Là một cá nhân, tôi có thể đi bất cứ đâu mà tôi cảm thấy thích'”.
“Tôi rất sốc bởi cụm từ ‘sự tình cờ về mặt sinh học’. Ở Trung Quốc, từ khi chúng tôi sinh ra chúng tôi đã bị nhồi nhét những học thuyết rằng chúng tôi thuộc về Trung Quốc (cả về thân thể lẫn linh hồn); rằng chúng tôi nên tự hào về Trung Quốc, vốn đang nằm dưới quyền của ĐCSTQ vĩ đại; và rằng chúng tôi không bao giờ được quên mình là người Trung Quốc, v.v… Không một ai từng dám tưởng tượng rằng quốc tịch của mình chỉ là một … sự tình cờ về mặt sinh học!”
“Mặc dù điều tôi thấy khó hiểu là không biết quan điểm của thầy giáo tiếng Anh đó hình thành như thế nào, nhưng tôi đã học được rằng ít nhất có tồn tại một cách nhìn khác về quốc tịch của một người và rằng đó không phải là một cái tội nếu ta không cảm thấy ta thuộc về một quốc gia nào đó”.
Năm 2004, nhờ đọc “Cửu Bình”, bà mới hiểu rằng thực chất người Trung Quốc bị tẩm trong một thứ văn hóa biến dị mà chính quyền Trung Quốc đương thời kiến tạo nên. Nó như một chất độc mãn tính, không lập tức lấy đi tính mệnh người ta, nhưng lại dần dần làm tê liệt năng lực tư duy và ứng xử chính thường.
Theo đó, “không chỉ tất cả ‘những món ăn cho tư tưởng’ đều do Đảng cung cấp, mà bản thân cách suy nghĩ của chúng tôi cũng bị họ lập trình. Vì thế mà tâm trí của chúng tôi đã bị cài đặt trước theo một cách mà chừng nào còn bị bấm nút, ‘các kết quả’ sẽ chính là điều mà ĐCSTQ muốn và đã thiết kế sẵn cho chúng tôi. Đây chính là lý do tại sao mà lại có một phản ứng lan tràn như vậy đối với bài phát biểu của cô Dương.
Bà Zeng cho biết, bà đã phải mất rất nhiều thời gian mới loại bỏ được thứ văn hóa biến dị được nhồi nhét vào đầu để hòa nhập với lối sống mới ở phương Tây.
“Dần dần, tôi đã hiểu được mọi người trong một xã hội bình thường suy nghĩ và phản ứng đối với các thứ như thế nào. Những cách suy nghĩ và hành động theo cách của ĐCSTQ cuối cùng đã tan biến đi, mặc dù cần một thời gian dài.
“Đó là lý do tại sao tôi lại sốc như vậy bởi những lời bình luận sỉ nhục về bài phát biểu của cô Dương Thư Bình và tại sao tôi lại cảm thấy thôi thúc phải viết bài này để bày tỏ những mối quan ngại của mình.
“Tôi muốn nói với thế giới rằng: Đừng bao giờ đánh giá thấp “quyền lực mềm” của ĐCSTQ, đừng bao giờ bị ru vào việc tin rằng Đảng có thể trở thành một thành viên của thế giới văn minh, và đừng bao giờ có nhìn nhận như vậy”.
***
Jennifer Zeng, một phụ nữ bị bức hại vì tín ngưỡng tại Trung Quốc, đã rời nước này và lưu trú tại Úc. Trước khi bị bức hại, bà là một nghiên cứu viên và tư vấn viên ở Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.
Câu chuyện về bà được miêu tả trong bộ phim tài liệu đoạt giải có tiêu đề “Trung Quốc Tự do: Lòng dũng cảm theo tín ngưỡng”, do Đài Truyền hình Tân Đường Nhân và World2Be Productions đồng sản xuất.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của trang tinhhoa.net