Đối với Bắc Kinh, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một bộ phận cần phải “đồng hóa” với xã hội Trung Quốc. Họ bị buộc phải từ bỏ tín ngưỡng của mình và chấp nhận lối sống do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra. Tuy nhiên, các chính sách “đồng hóa” này cuối cùng rồi cũng sẽ thất bại, không chỉ ở Tân Cương mà trên toàn Trung Quốc.
Cuộc đàn áp ở Tân Cương
Kể từ tháng 4/2019, có khoảng 800.000 đến 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác, bao gồm người Kyrgyz và người Kazakh đã bị đưa vào các trung tâm giam giữ mà Bắc Kinh gọi là “trại cải tạo”.
Hầu hết những người này bị buộc tội mà không có lý do. Gia đình họ cũng không biết họ ở đâu, tình trạng sức khỏe ra sao, cũng như họ sẽ bị giam trong bao lâu. Một số trường hợp thì bị bắt giữ với những lý do kỳ lạ như đi du lịch hoặc liên lạc với những người ở trong 26 quốc gia mà Trung Quốc coi là nhạy cảm như Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan… Các nhà hoạt động nhân quyền nhận định rằng kỳ thực, “tội” của họ chính là theo Hồi giáo. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã bị coi là cực đoan chỉ vì thực hành tôn giáo của họ.
Trong trại cải tạo, các nhóm dân tộc thiểu số này được dạy tiếng Trung và bị tẩy não theo hệ tư tưởng cộng sản. Họ bị ép phải từ bỏ các biểu tượng tín ngưỡng của mình như để râu, đội mũ sọ, đọc kinh cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập,… ĐCSTQ thậm chí còn khuyến khích những người Hồi giáo sùng đạo hút thuốc, uống rượu, ăn thịt lợn. Nếu chống cự, họ có thể bị tra tấn và đưa đến các trại lao động.
Bên cạnh đó, việc bắt giữ người vô cớ của ĐCSTQ cũng khiến nhiều trẻ em bị chia tách khỏi cha mẹ chúng. Những đứa trẻ có cha mẹ bị giam giữ buộc phải ở trong các trại mồ côi của nhà nước hoặc bị gửi đến các trường nội trú “song ngữ, nơi chúng buộc phải nói tiếng Trung và thực hành tôn giáo nhà nước – Chủ nghĩa vô Thần. Những cha mẹ người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài Trung Quốc cũng thường phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Trở về nhà cùng con và có nguy cơ bị bắt; hay ở lại nước ngoài và không được gặp con.
Vậy nguyên do nào khiến Bắc Kinh luôn bị ám ảnh với việc xóa bỏ các hệ thống tín ngưỡng? Và tại sao chính phủ Trung Quốc lại đàn áp các nhóm sắc tộc khi biết rằng các chiến thuật nặng tay như vậy chỉ có thể thúc đẩy sự phản kháng và chống cự cực đoan?
Theo tờ New York Times: “ĐCSTQ luôn phải sống trong sự bất an và lo lắng, rằng nếu không kiểm soát chặt toàn xã hội Trung Quốc sẽ tạo thành mối đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của đảng này. Vì vậy, ĐCSTQ đang ngày càng nỗ lực hơn trong chiến dịch cưỡng chế đồng hóa ở Tân Cương, dù việc làm đó đã thất bại ở nhiều nơi khác trong quá khứ. Những nỗ lực cải tạo nhóm người này tương tự như phiên bản nâng cấp của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa vậy. Trong chiến dịch này cũng vậy, ĐCSTQ luôn tìm cách kiểm soát được hệ tư tưởng người dân bằng cách triệt để thay thế nó bằng hệ tư tưởng và niềm tin khác. Nhưng họ làm điều đó một cách tinh vi hơn và ngày càng sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao phục vụ cho mục đích của mình”.
Sức mạnh của đức tin
Bất chấp mọi nỗ lực của Bắc Kinh, các chính sách đàn áp ở Tân Cương và các nơi khác trên đất nước Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ thất bại. Lập trường mạnh mẽ của ĐCSTQ chống lại tôn giáo ngược lại đang tạo ra một loạt sự hồi sinh về mặt tín ngưỡng tâm linh. Dù cho đó là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng hay thậm chí là người Hán, rất nhiều người Trung Quốc hiện đang rất quan tâm và đón nhận các tôn giáo. Chỉ riêng Kitô giáo, số tín đồ từ năm 1950 đến nay đã tăng từ 3,4 triệu lên đến gần 100 triệu người. Rất nhiều Đảng viên ĐCSTQ đang theo Phật giáo, Đạo giáo mặc dù Đảng đã áp đặt chủ nghĩa vô thần vô cùng hà khắc trên đất nước này.
Điều mà ĐCSTQ không nhận ra là hầu hết con người luôn mang trong tâm niềm tin vào Thần Phật. Đức tin ấy không dễ bị phá bỏ và kìm hãm. Càng cố gắng kiềm chế bản sắc tôn giáo của một bộ phận người nhất định, họ sẽ càng cất lên tiếng nói của riêng mình. Cuối cùng, những người bị áp bức sẽ dùng bạo lực để giải thoát bản thân. Và Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy lớn đến mức không thể khống chế được.
Biện minh cho cuộc bức hại
Gần đây, Tân Hoa Xã đã trích dẫn sách trắng, tuyên bố Tân Cương chủ yếu đi theo “văn hóa Trung Quốc”, mãi cho đến thế kỷ 9 – 10, ảnh hưởng của ngôn ngữ Ả Rập mới bắt đầu áp đặt lên cư dân nơi đây. Mục đích của những trích dẫn ấy là khiến mọi người nghĩ rằng đức tin Hồi giáo là hệ tư tưởng ngoại lai xâm nhập và chống lại văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Điều đó cho phép nhà nước biện minh cho các chính sách đàn áp của mình trong khu vực.
Theo sách trắng: “Người Duy Ngô Nhĩ đổi sang đạo Hồi không phải lựa chọn tự nguyện của phần lớn người dân, mà là kết quả của chiến tranh tôn giáo và áp đặt bởi giai cấp thống trị. Có nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa Trung quốc là điều cần thiết cho sự thịnh vượng và phát triển của các nền văn hóa dân tộc ở Tân Cương”.
Điều kỳ lạ ở đây là một vài quốc gia Hồi giáo, như Ả Rập Saudi và Pakistan đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Tân Cương, nói rằng các biện pháp nghiêm ngặt như thế đã đem lại nền hòa bình cho khu vực. Thậm chí các quốc gia này cùng các nước như Nga, Venezuela và Triều Tiên đã gửi thư lên Liên Hợp Quốc ca ngợi hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Thiên Thanh (Theo Vision Times)