Gần đây, tờ Epoch Times đã nhận được một báo cáo điều tra nội bộ từ tỉnh Chiết Giang, trong đó liệt kê các vấn đề trong hoạt động ghép tạng người ở bệnh viện Chiết Giang, qua đó tiết lộ tội ác cưỡng chế “thu hoạch nội tạng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tài liệu nội bộ có tên “Báo cáo thẩm tra dữ liệu hệ thống máy tính chia sẻ và phân phối nội tạng người Trung Quốc (tỉnh Chiết Giang)”, đã tiết lộ các vấn đề trong quá trình các tổ chức y tế ở tỉnh Chiết Giang phân phối và chia sẻ nội tạng hiến tặng, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2015 đến ngày 13/4/2018, tổng cộng có 21 vấn đề.
Tờ Epoch Times đã phát hiện ra 7 vấn đề nghiêm trọng nhất, tiết lộ một số tội ác và bí mật của ĐCSTQ trong việc cấy ghép nội tạng.
Báo cáo nội bộ tiết lộ 7 tội ác cấy ghép tạng của ĐCSTQ
Năm 2011, trước áp lực chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về việc cưỡng chế “thu hoạch nội tạng”, ĐCSTQ đã buộc phải khởi động và quảng bá cái gọi là “Hệ thống máy tính chia sẻ và phân phối nội tạng người Trung Quốc” (viết tắt COTRS), để tiến hành phân phối nội tạng cấy ghép.
Kể từ đó, ĐCSTQ đã thành lập Tổ chức thu hoạch nội tạng người (OPO) tại các bệnh viện Trung Quốc. OPO chủ yếu bao gồm các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sĩ chăm sóc chuyên sâu và y tá. Năm 2014, hệ thống COTRS đã được triển khai tại 165 bệnh viện được ĐCSTQ công nhận là đủ điều kiện ghép tạng.
Mặc dù ĐCSTQ chưa bao giờ chính thức thừa nhận các cáo buộc của dư luận quốc tế về mổ cướp nội tạng và “thu hoạch” nội tạng từ các tử tù, nhưng từ ngày 1/1/2015, họ tuyên bố sẽ ngừng sử dụng nội tạng của tội phạm bị tử hình làm nguồn cung cấp nội tạng, hiến tạng sẽ là nguồn tạng “duy nhất” dùng trong cấy ghép.
Theo tuyên bố, việc phân phối nội tạng cấy ghép trong hệ thống COTRS bao gồm 4 bước:
1. Hội Chữ thập đỏ chịu trách nhiệm quyên góp hiến tạng;
2. Việc thu nhận nội tạng chỉ có thể được thực hiện bởi văn phòng OPO được thiết lập trong bệnh viện khai thác;
3. Phân phối nội tạng là trách nhiệm của hệ thống COTRS mà không cần sự can thiệp của con người;
4. Bệnh viện tiếp nhận (hoặc bệnh viện cấy ghép) chịu trách nhiệm ghép tạng.
Lý Lâm Nhất, một nhà bình luận thời sự chính trị cho rằng, hệ thống này của ĐCSTQ có vẻ khá công bằng, được phỏng theo mô hình y tế của quốc gia dân chủ, nhưng trên thực tế chỉ là “bình mới rượu cũ”; bởi vì hai mắt xích quan trọng nhất trong toàn hệ thống, đó là cơ quan thu mua OPO và cơ quan phân phối COTRS, đều do 1 tay ĐCSTQ kiểm soát, hơn nữa họ lại tuyệt đối không tiết lộ bất kỳ thông tin gì ra bên ngoài.
Báo cáo nội bộ tỉnh Chiết Giang mà Epoch Times có được kể trên, chính là hệ thống COTRS đang tiến hành điều tra xác minh tỉnh Chiết Giang, từ đó vạch trần nhiều vấn đề trong lĩnh vực cấy ghép ở tỉnh này, qua đây cũng cho thấy việc triển khai hệ thống COTRS không làm giảm thiểu sự hỗn loạn trong lĩnh vực ghép tạng ở Trung Quốc đại lục. 7 tội ác liên quan đến những vấn đề này được liệt kê dưới đây.
Tội ác thứ nhất: nguồn gốc nội tạng cấy ghép không rõ ràng
Ảnh chụp màn hình báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tỉnh Chiết Giang. Báo cáo tiết lộ, “Nguồn cấy ghép tạng không rõ ràng” trong các ca cấy ghép nội tạng tại các bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang được coi là bất hợp pháp. (Ảnh: Epoch Times)
Báo cáo tiết lộ, gan và thận không rõ nguồn gốc được cấy ghép ở Chiết Giang chiếm 7,82% và 4,51% nguồn nội tạng phi pháp ở nước này. Theo quy định của Ủy ban Kế hoạch Y tế ĐCSTQ, “Nội tạng chưa được hệ thống phân phối COTRS ghi nhận, và nội tạng không được thu mua thông qua hệ thống phân phối COTRS, đều bị coi là nguồn nội tạng phi pháp”.
Trong các tài liệu nội bộ Chiết Giang nêu trên, Bệnh viện Thụ Lan và Bệnh viện thứ nhất thuộc Viện Y học đại học Chiết Giang đều bị ‘nêu tên’. Người phụ trách trung tâm cấy ghép của Bệnh viện thứ nhất thuộc Viện Y học đại học Chiết Giang là Trịnh Thụ Sâm, còn Bệnh viện Thụ Lan được ghép từ tên đệm của “Trịnh Thụ Lâm” và vợ ông ta là “Lý Lan Quyên”, 2 bệnh viện này có thể tiến hành cấy ghép gan và thận.
Là chuyên gia ghép gan hàng đầu ở Trung Quốc, trong các ca cấy ghép nội tạng của Trịnh Thụ Lâm, nguồn nội tạng không rõ ràng là chuyện ‘thường tình’.
Năm 2017, luận văn của ông đã bị các tạp chí quốc tế rút bản thảo và vĩnh viễn không chấp thuận, vì ông không thể cung cấp bằng chứng đạo đức về nguồn gốc nội tạng. Vào tháng 2/2017, Hoàng Khiết Phu, Chủ tịch Ủy ban hiến tặng và cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ, đã công khai thừa nhận rằng Trịnh Thụ Lâm đã sử dụng nguồn nội tạng có nguồn gốc không rõ ràng, ông nói luận văn của Trịnh Thụ Lâm liệt kê ra 563 ca cấy ghép gan, năm đó, Bệnh viện thứ nhất thuộc Viện Y học đại học Chiết Giang chỉ tiến hành cấy ghép cho 166 ca từ gan hiến tặng, còn lại 399 ca là lấy từ các nguồn gốc không rõ ràng.
Báo cáo nội bộ thống kê từng hạng mục các trường hợp nguồn gốc nội tạng không rõ ràng, điều này cho thấy vấn đề cấy ghép nội tạng từ các nguồn không rõ ràng là việc rất phổ biến ở các bệnh viện Trung Quốc đại lục.
Tội ác thứ hai: cấy ghép trước rồi mới phân phối, thao túng dòng luân chuyển nội tạng
Ảnh chụp màn hình báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tại tỉnh Chiết Giang. Báo cáo tiết lộ, việc cấy ghép nội tạng tại bệnh viện tỉnh Chiết Giang “cấy ghép trước, sau đó phân phối” bị nghi ngờ là cố tình thao túng dòng luân chuyển nội tạng. (Ảnh: Epoch Times)
Báo cáo cho hay, nội tạng được hiến tặng bắt buộc phải thông qua hệ thống phân phối nội tạng để kịp thời tự động phân phối. Tình trạng cấy ghép trước sau đó mới phân phối, cho thấy hành vi phân phối này là không thông qua hệ thống COTRS, và bị nghi ngờ là muốn thao túng dòng luân chuyển nội tạng.
Trong hạng mục này, Bệnh viện thứ nhất thuộc Viện Y học đại học Chiết Giang và Bệnh viện Thụ Lan vẫn được xếp hạng trong tốp 2.
Ngoại giới nhận định, thao túng dòng luân chuyển nội tạng, có nghĩa là các nội tạng sẽ được chọn lọc và phân loại có chủ đích đến người nhận cụ thể.
Tội ác thứ ba: đăng ký tình huống đặc biệt, thao túng dòng luân chuyển nội tạng
Ảnh chụp màn hình báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tại tỉnh Chiết Giang. Báo cáo tiết lộ rằng tỷ lệ “đăng ký tình huống đặc biệt” trong cấy ghép nội tạng tại các bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang là quá cao và bị nghi ngờ là bất hợp pháp. (Ảnh: Epoch Times)
“Đăng ký tình huống đặc biệt” chỉ áp dụng trong quá trình phân phối nội tạng, gặp phải tình huống khách quan bất khả kháng, do đó để tránh lãng phí nội tạng, sẽ tiến hành phân phối nội tạng ngoài hệ thống.
Theo báo cáo, tỷ lệ “đăng ký tình huống đặc biệt” quá cao, cho thấy OPO của bệnh viện có thể đã lạm dụng đăng ký tình huống đặc biệt, và bị nghi ngờ là nhằm thao túng dòng luân chuyển nội tạng.
Tội ác thứ tư: Tổ chức OPO của bệnh viện giả mạo dữ liệu người hiến tặng 1 giờ trước khi phân phối
Báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS của tỉnh Chiết Giang cho thấy, Tổ chức OPO bệnh viện tỉnh Chiết Giang giả mạo dữ liệu của người hiến tặng 1 giờ trước khi phân phối, động thái này bị nghi ngờ là thu mua nội tạng người bất hợp pháp. (Ảnh: Epoch Times)
Báo cáo không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về hành vi tạm thời thao túng dữ liệu người hiến tặng của tổ chức OPO của bệnh viện.
Lý Lâm Nhất cho biết, dữ liệu của người hiến tặng đã bị can thiệp trong một giờ trước khi phân phối – sự ‘bát nháo’ này có nghĩa là, nội tạng người hầu như không được hiến tặng một cách tự nguyện, và OPO của bệnh viện đang che đậy nguồn gốc thực sự của nội tạng.
Tội ác thứ 5: thay đổi dữ liệu người đang chờ cấy ghép 1 giờ trước khi bệnh viện phân phối
Ảnh chụp màn hình báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tại tỉnh Chiết Giang. Báo cáo tiết lộ rằng Bệnh viện tỉnh Chiết Giang đã tạm thời thay đổi dữ liệu những người chờ ghép tạng, việc này bị nghi ngờ là nhằm thao túng dòng luân chuyển nội tạng. (Ảnh: Epoch Times)
Báo cáo thẩm tra cho thấy, xếp đầu bảng là trong Bệnh viện thứ nhất thuộc Viện Y học đại học Chiết Giang, có 134 trường hợp chờ cấy ghép gan, 476 trường hợp chờ cấy ghép thận đã bị sửa đổi dữ liệu.
Một giờ trước khi bệnh viện phân phối cấy ghép, dữ liệu của những bệnh nhân chờ ghép gan và thận đã bị thay đổi trên quy mô lớn với 3 ký tự, hiện tượng này đã dấy lên sự nghi ngờ từ ngoại giới, bệnh viện tiến hành cấy ghép từ một ngân hàng nội tạng bí mật nằm ngoài hệ thống phân phối COTRS, lẽ nào đã tìm được nguồn cung với thời gian chờ đợi ngắn hơn chăng?
Tại Trung Quốc, trang web chính thức của các bệnh viện Trung Quốc thường đảm bảo rằng có thể tìm được người hiến tạng cho bệnh nhân trong vòng 1 đến 2 tuần. Còn Hoa Kỳ, nơi có một hệ thống hiến tạng lớn, thời gian chờ đợi trung bình để ghép nội tạng đó là: 2 năm cho ghép gan và 3 năm cho ghép thận.
Tội ác thứ sáu: Tạm thời thêm người chờ ghép tạng vào danh sách chờ đợi và phân phối nội tạng
Ảnh chụp màn hình báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tại tỉnh Chiết Giang. Báo cáo tiết lộ, trong quá trình cấy ghép nội tạng, bệnh viện tỉnh Chiết Giang tạm thời tăng thêm người chờ ghép tạng và phân phối nội tạng, việc này bị nghi ngờ là thao túng dòng luân chuyển nội tạng (Ảnh: Epoch Times)
Báo cáo thẩm tra cho thấy, 1 giờ trước khi phân phối, bệnh viện tỉnh Chiết Giang đã thay đổi dữ liệu người chờ ghép tạng hoặc tạm thời thêm người chờ ghép tạng vào trong danh sách chờ và phân phối nội tạng, những hành vi này đều bị nghi ngờ là nhằm thao túng dòng luân chuyển nội tạng.
Tội ác thứ bảy: Tỷ lệ loại bỏ gan thận cao, nghi ngờ nội tạng hiến tặng không rõ nguồn gốc
Ảnh chụp màn hình Báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tại tỉnh Chiết Giang. Báo cáo tiết lộ rằng gan và thận đã bị loại bỏ với tần suất cao trong quá trình ghép tạng ở tỉnh Chiết Giang, nghi ngờ nội tạng hiến tặng không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Epoch Times)
Trong báo cáo thẩm tra, một phần mười nội tạng được phân bổ cho Bệnh viện thứ nhất thuộc Viện Y học đại học Chiết Giang đã bị loại bỏ.
Đối với hiện tượng này, báo cáo thẩm tra đã chỉ ra nguồn hiến tạng không rõ nguồn gốc.
Nhà bình luận thời sự chính trị Lý Lâm Nhất cho rằng, nội tình phía sau của việc loại bỏ nội tạng với tỷ lệ cao, ngoại trừ nội tạng bị “nẫng tay trên” có thể được bán ra ngoài với giá cao hơn, còn có một khả năng lớn hơn – đó là trong ngành cấy ghép tạng ở Trung Quốc đại lục, nhiều nội tạng người không đến từ hệ thống COTRS, mà là “ngân hàng nội tạng sống” ẩn trong bóng tối của hệ thống ĐCSTQ.
Diệp Khải Phát, giáo sư ghép tạng tại Bệnh viện Trung Nam, phát biểu tại Hội nghị Cấy ghép Nội tạng Hàng Châu năm 2014 đã tiết lộ, cộng đồng ghép tạng ở Trung Quốc đại lục không hài lòng với chất lượng của nội tạng được hiến tạng. Ông nói rằng Khoảng 70% bệnh viện không hứng thú việc cấy ghép nội tạng sau khi người hiến tặng đã mất, thái độ của họ rất tiêu cực, vì họ thích cấy ghép “nội tạng sống” với tỷ lệ thành công cao hơn.
Phân tích: 7 tội ác đã tiết lộ kho nội tạng người được ẩn giấu
Ngoài ra, Lý Lâm Nhất nói rằng, trong số nhiều vấn đề được tiết lộ trong báo cáo thẩm tra dữ liệu COTRS tại tỉnh Chiết Giang, 7 tội ác này đã cho thấy một điều rõ ràng rằng, bên ngoài hệ thống COTRS của ĐCSTQ, còn tiềm tàng một hệ thống cấy ghép nội tạng người khổng lồ, mà không chịu sự quản thúc và trừng phạt của các cơ quan chính phủ như bộ Tư pháp hay bộ Y tế của ĐCSTQ.
Ông cũng nói, cho dù đó là việc loại bỏ nội tạng với tỷ lệ cao, hay nguồn nội tạng bất minh, cùng vô vàn các hiện tượng bát nháo được che giấu ở đằng sau, thì mục đích chính đều là để mở rộng quy mô, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và thậm chí là nếu cần thiết sẽ tiến hành “thu hoạch nội tạng sống” trong hệ thống tội phạm quốc gia. Và đây chính xác là lời buộc tội mà cộng đồng quốc tế dành cho ĐCSTQ trong nhiều năm qua, cùng với đó, chính phủ và các tổ chức quốc tế đang cố gắng ngăn chặn “tội ác chưa từng có trên hành tinh này”.
Xem tiếp phần sau tại đây!
Minh Huy (Theo Epoch Times)