Ngày 30/12/2016, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh đã cho mở niêm phong phần tài liệu mật cuối cùng về nội các của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher và công bố trên trang mạng Margaret Thatcher. Phần tài liệu có nhiều nội dung liên quan đến sự kiện Thiên An Môn cùng quan hệ ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc khi đó.
Giết 200 người để ổn định 20 năm
Theo thông tin từ bộ tài liệu này, ngày 20/5/1989 Chính phủ Trung Quốc tuyên bố lệnh giới nghiêm, khi đó ông Alan Ewen Donald, Đại sứ Anh trú tại nước này đã điện mật cho Chính phủ Anh báo cáo tình hình. Ông cho biết trong lúc ông đang dùng bữa trưa cùng nhà Hán học nổi tiếng Stuart Schram. Ông Stuart Schram tiết lộ rằng 1 quan chức thông tin Trung Quốc cho biết, ông Đặng Tiểu Bình vô cùng lo lắng về tình hình Thiên An Môn và đã đưa ra nhận định rằng “giết 200 người có thể giữ ổn định được 20 năm”. Theo Alan Ewen Donald, điều này cho thấy để đổi lấy sự ổn định, lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã không tiếc dùng sinh mạng của người kháng nghị.
Buổi tối cùng ngày, ông Alan Ewen Donald lại nhận được tin tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Chính phủ Trung Quốc cho rằng việc đổ máu là khó tránh khỏi. Họ đã ra lệnh công nhân viên bệnh viện nhà nước đi làm, còn quân đội Trung Quốc cũng nhận được lệnh “áp dụng thủ đoạn cần thiết” để ổn định tình hình.
Tiết lộ tình hình Bắc Kinh sau sự kiện Thiên An Môn
Theo Apple Daily, trong hồ sơ có nhiều mật điện của Đại sứ Anh trú tại Trung Quốc kể về tình Bắc Kinh sau cuộc tàn sát Thiên An Môn: bức tường bao bên ngoài khu nhà trọ của nhân viên ngoại giao đầy vết đạn, trên nóc các tòa nhà đầy những tay súng mai phục, còn xe tăng của Giải phóng quân luôn túc trực tại Thiên An Môn.
Ngày thứ hai sau trận thảm sát, Alan Ewen Donald gửi điện mật thông báo, có 30 chiếc xe tăng chiếm giữ tại góc đường gần khu ngoại giao Bắc Kinh. Alan Ewen Donald cho rằng, nơi này có thể bùng nổ xung đột và ảnh hưởng đến an toàn của các nhân viên Sứ quán trú gần đó.
Trong mật điện ngày 7/6, Alan Ewen Donald hình dung tình hình Bắc Kinh ngày càng xấu đi. Có dân thường đi từ phía Đông đường Trường An hướng về phía đại lộ bên ngoài Kiến Quốc Môn, trên tay cầm vũ khí, quân đội trông thấy liền xả súng hướng lên cao, nhưng đạn lạc vào ngay khu nhà ở của người Anh, may mắn không ai bị thương. Ngoài ra, cánh cổng bên ngoài khu nhà ngoại giao bên ngoài Kiến Quốc Môn bị quân đội phong tỏa. Theo phân tích của Alan Ewen Donald, việc này nhằm đối phó với những tay súng mai phục ở những nóc nhà xung quanh; cảnh vệ ở bên ngoài Đại sứ quán cũng biến thành giải phóng quân.
Hai ngày sau, Alan Ewen Donald lại gửi điện mật thông báo Bắc Kinh đang triển khai truy nã quy mô lớn. Công an phong tỏa và cho người mặc thường phục xông vào các con hẻm bắt người. Hành động của họ làm quần chúng hoảng sợ, không còn ai dám ra đường. Khu nhà ngoại giao bên ngoài Kiến Quốc Môn bị trúng nhiều vết đạn, trong đó một nơi ở của người Úc có 24 lỗ đạn. Nhân chứng khác cho biết, một người Trung Quốc mặc thường phục bắt một người khác dẫn đi. Ngoài ra, quảng trường Thiên An Môn có dấu vết quân thiết giáp, cho thấy binh đoàn xe tăng vẫn còn trú lại. Có thông tin quân đội tiến vào khuôn viên trường Đại học.
Cùng ngày, Tổ xử lý khẩn của Anh đã cấp visa đặc biệt cho 6 công dân Trung Quốc đang rơi vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Cùng việc nhà chức trách Trung Quốc đang bố ráp lãnh đạo sinh viên, Đại sứ quán Anh nhận được ngày càng nhiều đơn xin visa đặc biệt và xin được Chính phủ Anh bảo hộ.
Trung Quốc nhờ Anh viện trợ nhưng bị từ chối
Trong bộ văn kiện lớn được công bố lần này có 10 tài liệu liên quan đến tình hình Hồng Kông. Trong đó, một tài liệu do nghị sĩ Quốc hội Anh Hal Miller viết cho Thủ tướng Thatcher ngày 21/6/1989. Theo đó, Trung Quốc đã dùng «Luật Cơ bản>>> (Hiến pháp) Hồng Kông làm lá bài để đổi lấy sự viện trợ từ Anh.
Trung Quốc tiếp cận với bà Thatcher thông qua một người Hồng Kông, họ muốn thông qua con đường không chính thức nhờ nước Anh tiếp tục viện trợ kinh tế. Nước này mời bà Thatcher đến thăm Trung Quốc vào tháng 7/1989 với thân phận cá nhân, gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc Dương Thượng Côn và Đặng Tiểu Bình, bàn về khoản vay đầu tư, vấn đề Hồng Kông và quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Anh. Điều kiện được Trung Quốc đưa ra là: nếu Anh cho vốn vay ưu đãi, tiếp tục hỗ trợ dưới hình thức đầu tư, thì Trung Quốc sẽ “thay đổi quan điểm” trong vấn đề khởi thảo «Luật Cơ bản>>> (Hiến pháp) Hồng Kông.
Tuy nhiên, vì sự kiện Thiên An Môn gây chấn động quốc tế, các nước Âu Mỹ đã lên án và cùng liên kết chấm dứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong tình hình này, ông Ewen Donald và ông Đại sứ David Wilson tại Hồng Kông đã đề xuất ý kiến phản đối, vì lo ngại việc hợp tác này sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án và cho rằng nước Anh bàng quan trước sự kiện Thiên An Môn. Cuối cùng bà Thatcher đã không thể đồng ý kiến nghị hiệp thương do Trung Quốc đưa ra.
Theo tờ Minh Báo, trong phần tài liệu liên quan đến Hồng Kông có 5 tài liệu tuy đã được cho mở niêm phong nhưng Chính phủ Anh vẫn đề nghị tạm thời không công bố. Những tài liệu này Chính phủ Anh tạm thời giữ lại, hiện không thể biết được họ sẽ được giữ lại bao lâu.
Theo trithucvn.net