Sáng nay (30.4), 5 cánh quân tiến về Sài Gòn mùa xuân 1975 sẽ được tái hiện tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành chào mừng 40 năm thống nhất đất nước.
Sáng nay (30.4), 5 cánh quân tiến về Sài Gòn mùa xuân 1975 sẽ được tái hiện tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành chào mừng 40 năm .
Chiều 29.4, thông tin từ Ban tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn cho biết lễ kỷ niệm được tổ chức dưới danh nghĩa do Ban Chấp hành T.Ư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN và TP.HCM tổ chức tại khu vực trước Hội trường Thống Nhất (đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM). Chương trình lễ kỷ niệm bắt đầu truyền hình trực tiếp từ lúc 6 giờ 30 ngày 30.4 (Đài truyền hình TP.HCM, Đài truyền hình VN và các đài phát thanh – truyền hình địa phương trên cả nước tiếp sóng).
Một điểm nhấn đặc biệt là hoạt động diễu binh, diễu hành (dự kiến bắt đầu từ 7 giờ, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ) với 45 khối tiến qua lễ đài ở khu vực giao lộ Lê Duẩn – Pasteur theo hướng từ Thảo Cầm Viên đến Hội trường Thống Nhất. Khởi đầu diễu binh, diễu hành là khối xe mô hình Quốc huy, cùng 54 đôi nam nữ thanh niên trong trang phục các dân tộc VN – biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững bền. Kết thúc là khối nghệ thuật với hơn 100 vận động viên thể thao, văn nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống dân tộc, nghệ thuật ca múa nhạc đương đại.
Đi đầu đội hình diễu binh là xe chỉ huy toàn quân do trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN dẫn đầu. Trong các khối LLVT đặc biệt có khối quân kỳ 5 cánh quân mà cách đây 40 năm, trong những ngày tháng 4 lịch sử, 5 cánh quân cùng với sự tăng cường, phối hợp thuộc của các binh chủng, biệt động thành, LLVT các địa phương và lực lượng chính trị quần chúng đã đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định.
Hoạt động diễu binh, diễu hành không phô diễn các khí tài quân sự như xe tăng, tên lửa… Riêng các khối LLVT như không quân, hải quân, bộ binh, đặc công, cảnh sát biển, cảnh sát cơ động… có mang theo vũ khí được trang bị.
Vị thế đầu tàu
Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số nhưng TP.HCM từ nhiều năm qua luôn chiếm vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Để có được những thành tựu như hôm nay (đóng góp 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia), TP.HCM cũng đã trải qua những năm tháng bộn bề khó khăn sau ngày hòa bình 30.4.1975.
Theo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong khi vết thương chiến tranh vẫn còn ngổn ngang, TP phải đương đầu với những thử thách mới vô cùng nghiệt ngã. Thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra dồn dập, chiến tranh biên giới tây nam gây ra những tổn thất mới, nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu ngày càng suy giảm… Đặc biệt, các cuộc cải tạo công thương nghiệp đã gây ra tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất và lưu thông phân phối, làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn chưa thể quên hình ảnh những ngày người dân phải ăn cơm độn bo bo, bột mì và khoai sắn. Việc cung cấp lương thực, thực phẩm theo định lượng cho cán bộ, nhân viên và người dân lao động giảm sút cả về số lượng và chất lượng. Chỉ số giá cả thị trường tăng nhanh. Công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu, vật tư. TP lúc đó phải “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu dân. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng về kinh tế và đời sống tại TP.HCM đã thể hiện tập trung trong những năm 1979 – 1980, kéo theo hệ lụy của sự khủng hoảng lòng tin trong quần chúng.
Sự liên tục leo thang lạm phát với những con số phi mã đã làm phát sinh hiện tượng thợ thuyền rời nhà máy, công nhân viên chức bỏ cơ quan và làn sóng “thuyền nhân” đi vượt biên, di tản. Để thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, duy ý chí, lãnh đạo TP.HCM thời kỳ đó đã ra lời hiệu triệu phải “tự cứu lấy mình” với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tìm ra những biện pháp xác đáng để giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội bức xúc phù hợp với tình hình thực tế.
Thực tế qua 40 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, TP.HCM đã có những biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội không ngừng phát triển. Từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976 – 1985, bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của TP duy trì tốc độ bình quân từ 10 – 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước. Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2015, tuy chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng GDP của TP ước tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Hiện GDP bình quân đầu người của TP đạt 5.131 USD/người/năm, tăng lên gấp nhiều lần so với năm 1976 là 360 USD/người/năm. Trên địa bàn có trên 238.000 doanh nghiệp, 250.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề; hơn 5.330 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 36 tỉ USD (chiếm 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài, 1/4 tổng mức vốn đăng ký của cả nước)…
“Phải khẳng định những thành tựu đạt được 40 năm qua là rất quan trọng, là niềm tự hào, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và người dân. TP.HCM không thể phát triển nhanh nếu không có những đột phá, sáng tạo, tinh thần năng động, chủ động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân chia sẻ.
Đình Phú |
Theo Thanh Niên