Tinh Hoa

Tài chính cạn kiệt, ĐCSTQ ban hành công văn thắt chặt kinh tế tư nhân

Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã ban hành một văn bản kêu gọi tăng cường công tác tư tưởng chính trị và công tác mặt trận thống nhất của các doanh nghiệp tư nhân, dẫn dắt các doanh nhân trở thành “những người nhạy bén về chính trị”, “kiên định nghe và đi theo Đảng”. 

Hình ảnh chụp tấm bảng phía trước của chi bộ Đảng Bảo Thành của một doanh nghiệp tư nhân ở quận Tân Hồ, Vô Tích, Giang Tô. (Ảnh: Epoch Times)

Văn phòng Trung ương ĐCSTQ vào ngày 15/9 đã ban hành “Ý kiến ​​liên quan đến việc tăng cường công tác mặt trận thống nhất của kinh tế tư nhân trong thời đại mới”, yêu cầu tất cả các khu vực và các ban ngành tăng cường công tác mặt trận thống nhất đối với kinh tế tư nhân.

Đây là văn kiện đầu tiên của ĐCSTQ về công tác mặt trận thống nhất của các doanh nghiệp tư nhân kể từ khi cải cách và mở cửa. Văn kiện cho hay, do quy mô của các doanh nghiệp tư nhân đang không ngừng mở rộng, khái niệm về giá trị và lợi ích của những người làm kinh tế ngày càng đa dạng, nên công tác mặt trận thống nhất của các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với những hình thế và nhiệm vụ mới.

Tần Bằng, một nhà phân tích kinh tế và chính trị đang sống ở Mỹ nói rằng: “Điều này có nghĩa là gì? ĐCSTQ sợ rằng với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội dân chủ, vì vậy nó luôn đề phòng. Từ góc độ chính trị, các văn kiện của Trung ương ĐCSTQ đã tiết lộ rằng, các doanh nghiệp tư nhân luôn bị ĐCSTQ coi là rủi ro chính trị, và thậm chí là kẻ thù tiềm tàng. Do đó trong văn kiện yêu cầu, phải tăng cường dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân và các thương hội v.v. , để cho họ ‘nhạy bén về mặt chính trị’”.

Hồ Lực Nhậm, một doanh nhân Thượng Hải đang sống ở Hoa Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thực sự không hài lòng với chính quyền. Bởi vì trong môi trường chính trị của ĐCSTQ, một số doanh nghiệp tư nhân vì để kinh doanh và phát triển đã chủ động thông đồng với các quan chức, và một số bị buộc phải hối lộ các quan chức, từ đó mà bị nắm thóp, rất dễ bị các quan chức ĐCSTQ lợi dụng, hoặc bất đắc dĩ phải ‘can dự’ vào cuộc nội chiến của ĐCSTQ. 

Ông Nhậm nói: “Vì vậy, các chủ doanh nghiệp ở địa phương luôn có cảm giác nguy hiểm, vậy nó dẫn đến điều gì? Bọn họ sẽ sợ hãi lẫn nhau. Vì vậy, chủ sở hữu của các doanh nghiệp này chỉ có hai lựa chọn: Một lựa chọn là trốn khỏi Trung Quốc, và một lựa chọn nữa là khi không thể trốn thoát, họ sẽ sinh ra cảm giác bất mãn với ĐCSTQ, và sẽ phản đối ĐCSTQ. Vậy nên hiện nay một bộ phận những người phản đối ĐCSTQ ở Trung Quốc, thậm chí là một bộ phận rất lớn, đều là chủ của các doanh nghiệp”.

 

Ngoài mặt chính trị, Tần Bằng cho rằng việc ĐCSTQ tăng cường công tác mặt trận thống nhất các doanh nghiệp tư nhân cũng là do cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.

Tần Bằng nói rằng: “Tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân sẽ có lợi cho việc thực hiện cái gọi là kinh tế tuần hoàn, đạt được mục tiêu của ĐCSTQ là kiểm soát nền kinh tế và thực hiện một nền kinh tế siêu kế hoạch. Mặt khác, khi chính quyền địa phương hết tiền, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn, sau khi cải tổ doanh nghiệp tư nhân, có thể dùng tiền của họ để lấp vào khoản thua lỗ”.

Trong những năm gần đây, các chính sách của chính quyền đã tạo thành tình cảnh “nước tiến dân lùi”. Thậm chí có người còn đề xuất thuyết “kinh tế tư nhân thoái lui”, cộng thêm với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch virus Vũ Hán, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang gặp phải khó khăn nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng và thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nhưng phần lớn những lợi ích này đều rơi vào tay các doanh nghiệp nhà nước, một lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đóng cửa.

Có bình luận cho rằng, trong bối cảnh này, sự can thiệp ngày càng tăng của ĐCSTQ sẽ chỉ khiến các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn hơn.

Tần Bằng nói: “Việc ban hành và thực hiện chính sách như vậy sẽ dẫn đến sự suy yếu nghiêm trọng tính kinh doanh độc lập của các doanh nghiệp tư nhân, và quốc tiến dân lùi sẽ càng lộ rõ. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị chính quyền ĐCSTQ cướp bóc, và các quan chức ĐCSTQ tham nhũng cũng sẽ lợi dụng chính sách này để cướp tài sản của các doanh nghiệp tư nhân”.

Hồ Lực Nhậm biểu thị: “Cái gọi là công tác đoàn kết kỳ thực chính là giết chết các doanh nghiệp tư nhân, giống như 55 năm quan hệ đối tác công tư trong quá khứ. Lấy một ví dụ, giống như Mã Hóa Đằng, người hiện đang sở hữu số tiền khổng lồ, và những người như Jack Ma, rất nhiều sếp lớn giờ đều đã mất đi vị trí trong hội đồng quản trị của họ, trên danh nghĩa là lui về tuyến thứ hai. Có người thì bị ‘triệt tiêu’, giống như Vương Kiện Lâm, ông ta bị hạ đài, và sau đó tất cả tài sản đều bị lấy đi”.

Các đối tượng bị liệt kê trong công tác mặt trận thống nhất các doanh nghiệp tư nhân còn bao gồm các doanh nhân Hồng Kông và Ma Cao đầu tư vào Đại lục.

Tần Bằng nói: “Đây là một biểu hiện của việc Hồng Kông càng ngày càng bị nội địa hóa. Đối với các doanh nghiệp Hồng Kông và Macao đầu tư vào Đại lục, họ sẽ rất nhanh cảm thấy khó xử, và có thể bị chính quyền ĐCSTQ và những người có quyền lực cướp bóc như các doanh nghiệp Đại lục bình thường khác”.

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) trích dẫn quan điểm của nhà kinh tế Hồng Kông La Gia Thông nói rằng, ĐCSTQ từ lâu đã thâm nhập và kiểm soát các doanh nghiệp và giới kinh doanh ở Hồng Kông theo nhiều cách khác nhau. Chỉ có điều lần này ĐCSTQ đã dùng “giấy trắng chữ đen” biểu đạt rằng các doanh nghiệp cần quy về một mối, rõ ràng là để ngăn chặn có người tạo phản. Nhưng ông cho rằng điều này là “cực kỳ khó khăn” đối với các doanh nghiệp Hồng Kông.

Minh Huy (Theo NTDTV)