Tinh Hoa

Tách luật Giao thông: Càng bàn càng bế tắc, đành dời đến… tương lai

Từ người dân đến đại biểu, từ ông taxi đến nhà làm luật, không mấy ai tán đồng với việc tách luật giao thông đường bộ. Nhiều tiếng nói ở nghị trường cho rằng nên để dự án luật này trình Quốc hội khóa 15.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh: phunuonline.com)

“Đây là một luật đi vào lịch sử khi chỉ có một đại biểu ủng hộ, còn lại đa số đại biểu phản đối”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) ngán ngẩm khi nói về việc tách Luật Giao thông đường bộ ra thành hai luật tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 16/11.

Cụ thể, Bộ Giao thông trình ra Quốc hội Dự án Luật Giao thông đường bộ tách ra thành hai luật là: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nguyên nhân của việc tách ra là vì bản thân Bộ Giao thông có quá nhiều tiêu cực, giấy phép lái xe (GPLX) bị làm giả nhiều. Nếu dự luật này thông qua, thì GPLX sẽ do Bộ Công An cấp và sinh ra thêm một loại giấy nữa thông qua Bộ Giao thông.

Tuy nhiên khi đưa ra Quốc hội phân tích thì Dự án luật này đã bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là vấn đề chồng chéo nhiệm vụ, thủ tục rườm rà, có dấu hiệu “chết non”. Bên cạnh đó, động lực thúc đẩy việc tách luật cũng không thuyết phục.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) chia sẻ: “Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông taxi thì không thấy ông taxi nào đồng ý chuyện chuyển cấp GPLX qua cho Bộ Công an”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng ví von: “Tách luật giao thông như tách con khỏi mẹ, cắt gan ghép vào thận”. Tất nhiên ông cũng không đồng ý việc này.

Thậm chí, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng việc tách luật giao thông làm 2 luật đã làm mất thời gian của Quốc hội. Bà đề nghị: “Cần kiểm điểm lại trách nhiệm trong vấn để làm mất thời gian của Quốc hội trong phiên họp ngày hôm nay [16/11]”.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị hoãn lại sang Quốc hội khóa 15. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ sẽ xin ý kiến Quốc hội về vấn đề này và cân nhắc trì hoãn sang nhiệm kỳ sau.

Từ Thức (t/h)