Được so sánh tương tự với nghiện ma túy, chứng nghiện game online được các nhà khoa học xem xét đưa vào là một trong những loại bệnh lý tâm thần.
Theo Yahoo News, vào ngày 17/5, cặp vợ chồng ở thành phố Hàm Đan (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), có hai người con là bé trai 11 tuổi và bé gái 9 tuổi.
Kể từ khi thường xuyên ở nhà do dịch Covid-19, chúng càng thường xuyên được cắm mặt vào điện thoại để chơi game nhiều hơn.
Trong một lần sau khi chơi điện tử, hai anh em nảy ra ý định rủ nhau nhảy từ tòa nhà 15 mét xuống đất, vì tin rằng mình sẽ được hồi sinh giống nhân vật trong game.
Rất may cú nhảy lầu không khiến hai đứa trẻ thiệt mạng, nhưng phải trải qua nhiều ca phẫu thuật mới giữ được tính mạng. Hai bé bị gãy xương, và đa chấn thương nặng, các bác sĩ thông báo, dù cho có giữ được mạng thì các bé vẫn không thể bình phục hoàn toàn như trước đây được.
Sau khi tỉnh lại, bé trai đã kể lại rằng: “Em gái bảo con hãy thử nhảy xuống xem có thể hồi sinh như trong game không. Sau đó con và em đã thử.
Ban đầu em tính nhảy trước nhưng lại sợ. Con bảo em hãy nhắm mắt vào, nắm tay nhau cùng nhảy xuống. Rồi chuyện gì xảy ra thì con không nhớ nữa”.
Shen Haiyong cha của hai đứa trẻ cho biết, ông đã để các con chơi game 8 tiếng mỗi ngày. Và đây cũng là nỗi ân hận lớn nhất trong đời ông.
Mẹ của hai đứa trẻ, cũng đau xót nói rằng: “Trước khi được chơi điện tử liên tục, các cháu nhà tôi chưa bao giờ hành động như vậy.
Chúng vốn không phải những đứa trẻ nghiện game, việc học hành ở trường cũng rất tốt. Tết vừa rồi, con gái tôi còn đứng đầu lớp”.
Tương tự một trường hợp khác, từng xảy ra vào nhiều năm trước tại Trung Quốc, cậu bé Xi Tianci, 13 tuổi, đã không may qua đời, vì nhảy từ tầng 4 của tòa nhà nằm ở thành phố Hải Môn, Trung Quốc xuống đất.
Nguyên nhân khiến cậu bé làm điều dại dột này là do nghiện game, và nghĩ rằng mình sẽ bất tử như nhân vật trong game.
Yu, mẹ của cậu bé đau đớn chia sẻ: “Trò chơi điện tử gây ra cái chết cho con trai tôi chứ chẳng còn lý do gì khác nữa. Nó nói rằng thử nhảy lầu xem có thể sống sót như trong game không”.
Nghiện game hay Internet trong thời gian dài, thực tế là cực kỳ nguy hại đến não bộ và sự phát triển về tâm lý của một người, kể cả đó có là người trưởng thành.
Người sử dụng Internet từ 5 – 6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến họ không có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội như những người bình thường khác.
Thực tế còn cho thấy, những nhân tố bạo lực và tranh đấu trong game, lâu dần sẽ ăn sâu vào ý thức của người chơi, mà bản thân họ cũng không hề hay biết.
Nhiều người phát sinh những hành vi và suy nghĩ bạo lực, tiêu cực, thậm chí là hành động liều lĩnh, coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và quy định của pháp luật.
Họ cũng không hề hay biết rằng, những trạng thái tiêu cực của mình đến từ thứ giải trí độc hại này.
Điển hình một phụ huynh tại Trung Quốc tên Li – Qiu Cuo, đã bật khóc khi chia sẻ về đứa con nghiện game của mình: “Thằng bé tự cách ly mình ra khỏi cuộc sống hằng ngày. Nó không đi học, chỉ nằm trên giường trong suốt 39 ngày, chỉ ngồi dậy khi đi vệ sinh, thậm chí nó còn chẳng buồn đánh răng hay rửa mặt. Thằng bé không quan tâm hôm nay ăn gì mà chỉ cắm mặt vào máy chơi game.
Chúng tôi không dám cắt mạng vì sợ thằng bé sẽ làm hại chính mình. Nếu chuyện đó xảy ra chắc tôi không sống nổi”, cô Qiu Cuo trải lòng.
Nghiện game kéo dài còn khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, lý do là nhiều người vì mải mê chơi game, vì không muốn bất cứ điều gì ảnh hưởng đến trận đấu của mình, sẵn sàng không ăn, không ngủ để chơi thâu đêm.
Có những trường hợp nghiện game đến mức chấp nhận mặc tã người lớn để khỏi phải đi vệ sinh, làm gián đoạn quá trình chơi game.
Không những thế, có một thanh thiếu niên còn ăn cắp tiền của bố mẹ để đến quán net ở nửa năm từ mùa thu năm nay đến mùa xuân năm sau mới chịu về nhà. Một số khác thì qua đời ngay trên bàn máy tính, vì kiệt sức do chơi liên tục trong nhiều giờ.
Trong năm 2015, tại Đài Loan, từng có 2 trường hợp thiệt mạng vì chơi game quá sức. Nạn nhân đầu tiên là một người đàn ông 38 tuổi – người bị phát hiện đã qua đời sau khi chơi game trong 5 ngày liên tục tại một quán cafe Internet.
Thứ hai là Hsieh. Tim của anh đã ngừng đập sau 3 ngày chơi game liên tục. Theo nhà chức trách, Hsieh qua đời do kiệt sức, cũng như nhiệt độ thấp trong phòng. Được biết, Hsieh gần như không ngủ trong 3 ngày liên tục để chơi game, và chỉ ăn rất ít.
Có thể thấy, thị trường game online hiện nay đang là một trong những thị phát triển nhất trên thế giới, số người nghiện game ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia thuộc châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó Việt Nam được biết đến là nước có tỷ lệ người trưởng thành chơi game cao nhất thế giới.
Chúc Di (t/h)