Kim tiền thảo có tác dụng tán sỏi thận khi kết hợp với nhiều vị thuốc khác. Tuy nhiên, nhiều người không tham khảo ý kiến bác sĩ đã tự mua về và dùng không đúng cách, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như ngộ độc, thậm chí còn phải lọc máu.
Viêm thận, suy tạng vì tự chữa bệnh
Bà Nguyễn Thị Hải trú tại Nam Sách, Hải Dương kể cách đây 3 tháng, bà đi khám bác sĩ vì đau lưng, tiểu buốt. Bác sĩ chẩn đoán sỏi tiết niệu và kê đơn thuốc. Uống hết đơn thuốc, bà Hải sốt ruột nên đi mua thuốc lá về uống.
Con gái bà ở Thái Nguyên nghe nói kim tiền thảo tiêu sỏi tốt nên mua lá kim tiền thảo khô về cho mẹ sắc uống. Bà Hải uống thay nước trà hàng ngày với mong muốn tan sỏi. Nào ngờ, sau hơn 1 tháng, bà thấy người có nhiều phỏng nước, lở loét ở miệng. Bà đi khám tại Bệnh viện 108, bác sĩ chẩn đoán suy đa tạng do ngộ độc kim tiền thảo.
Chưa điều trị hết sỏi thận, bà Hải phải nhập viện để thay huyết tương, lọc máu do tự uống thuốc chữa bệnh.
Theo PGS Đỗ Gia Tuyển, trưởng khoa Thận – tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, sỏi thận là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
Sỏi thận là do kết quả của sự kết tủa một số chất chứa trong nước tiểu. Có nhiều yếu tố gây sỏi thận như nhiễm độc, một số thực phẩm, một vài loại thuốc (thuốc chứa canxi, vitamin C,…).
Tại khoa Thận – Tiết niệu cũng có nhiều bệnh nhân bị suy tạng do sử dụng thuốc trị sỏi thận không rõ nguồn gốc. Đa số bệnh nhân tự mua thuốc nam tiêu sỏi nhanh nhưng dùng không đúng cách. Thậm chí, PGS Tuyển cho biết có những bệnh nhân tiểu ra máu, ra mủ do viêm thận vì tự điều trị sỏi thận.
Không phải ai cũng dùng được kim tiền thảo
Bác sĩ Bùi Hồng Minh – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết, trong đông y, Kim tiền thảo có tác dụng tán sỏi thận thật nhưng nó phải kết hợp với nhiều bài thuốc khác để trị sỏi chứ không phải cứ uống là được. Và có những bệnh nhân không hợp với kim tiền thảo. Kim tiền thảo là cây lành tính nhưng nếu sử dụng không đúng phác đồ, quá liều sẽ gây biến chứng.
Ngoài ra, kim tiền thảo không có tác dụng rõ ràng với sỏi có cấu trúc oxalat canxi mà hiệu quả rõ hơn với sỏi có cấu trúc urate. Vì vậy người bệnh cần được chẩn đoán, chẳng hạn qua phân tích nước tiểu để biết mắc loại sỏi nào, trước khi quyết định dùng kim tiền thảo.
Kim tiền thảo chữa sỏi tiết niệu phải đi cùng với các vị mộc thông 09 gram, biển xúc 12 gram, hoạt thạch 15 gram, sơn chi 12 gram, kim tiền thảo 30 gram kê nội kim 09 gram, tiên hạc thảo 15 gram, xa tiền tử 15 gram, cù mạch 12 gram, đại hoàng 6 gram, cam thảo 06 gram, hải kim sa 15 gram, hoè hoa 09 gram.
Các vị thuốc đi kèm để có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. Nếu chỉ uống riêng kim tiền thảo không sẽ không có tác dụng.
Kim tiền thảo chữa sỏi mật gồm: Kim tiền thảo 20 gram, nhân trần 12 gram, sài hồ 10 gram, đại hoàng 8 gram, mang tiêu 20 gram, diệp hạ châu 15 gram, thổ phục linh 10 gram trị sỏi mật.
Ngoài ra, kim tiền thảo chữa phù thũng cũng phải kết hợp với râu ngô 20 gram, mã đề 20 gram, cối say và sinh hoàng kỳ, hạt ý dĩ đun kỹ, lấy nước uống, giúp lợi tiểu tiêu phù thũng.
Chữa viêm da và ngứa có thể sử dụng kim tiền thảo 15 gram, đơn đỏ 15 gram, bồ công anh 15 gram, sài đất 15 gram, thổ phục linh, bồ công anh, ké đầu ngựa 15 gram đun uống.
Theo Eva.vn