Tinh Hoa

Tác dụng của âm nhạc lên não bộ

Ý tưởng đưa âm nhạc vào các chương trình đào tạo xuất hiện vào năm 1911, khi một điều tra viên tên Leonard Ayres thấy rằng người đi xe đạp đạp xe nhanh hơn khi họ nghe nhạc.

Phần lớn các nghiên cứu thú vị gần đây đến từ trường Đại học Thể thao và Giáo dục Brunel, nơi Tiến sĩ Costas Karageorghis, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực âm nhạc và thể dục đang công tác.

Trong suốt 20 năm, tiến sĩ Karageorghis đã tìm thấy 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu suất tập thể dục, bao gồm khuynh hướng chuyển động theo nhịp điệu âm thanh, “thèm” chuyển động khi nghe nhạc và sự phân tâm khi bản nhạc làm người ta khó chịu.

Theo kết quả nghiên cứu, bài hát phù hợp phải đáp ứng những yêu cầu quan trọng về tốc độ (tempo) và nhịp điệu (rhythm). Theo bản năng, bản nhạc có tempo nhanh sẽ khiến cơ thể chúng ta chuyển động nhanh hơn.

Trong khi đó, phản ứng của cơ thể với nhịp điệu có vẻ mơ hồ hơn. Có thể hiểu đơn giản là nhịp điệu sẽ gia tăng khát khao được “lắc lư” khi nghe nhạc.

Hai yếu tố này là cơ sở để Tiến sĩ Karageoghis mô tả về âm nhạc như “một liệu pháp lý tưởng để tăng cường hiệu năng”. “Nó có thể làm giảm áp lực đáng kể và tăng sức chịu đựng thêm 15%” –  Tiến sĩ Karageorghis giải thích.

Một nghiên cứu khác kết luận, việc nghe một bản nhạc yêu thích sẽ tạo ra tác động lên khu vực của não bộ nơi giữ vai trò quan trọng trong điều khiển chuyển động. Điều này cho thấy âm nhạc có thể giữ cơ thể tập trung làm việc mà không cần các tác động khác từ bên ngoài. Vì vậy, nếu bạn muốn đánh tan sự buồn tẻ, đừng ngại bật lên những bản nhạc yêu thích. Bất cứ điều gì giúp chúng ta giảm bớt khó khăn và đem lại niềm vui đều rất đáng quý.

An Nhiên – Theo The Epoch Times