SKĐS – Tại nhiều nước Malaysia, Campuchia, Philippines, người ta dùng nước sắc vỏ măng cụt để làm thuốc chữa đau bụng đi tiêu chảy, chữa lỵ, có khi còn dùng chữa bệnh hoàng đản (vàng da). Cách dùng như sau:
Hỏi:Xin cho hỏi quả măng cụt dùng để chữa bệnh gì? (Nguyễn Thị Bé Tư – Bến Tre) Trả lời: Măng cụt còn gọi là sơn trúc tử, manguostanier. Tên khoa học Garcinia mangostana L., (Mangostana garcinia Gaertn.). Thuộc họ Bứa Clusiaceae (Guttiferae). Tuy mang tên sơn trúc tử tại Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không có cây này, vẫn phải nhập từ nước ngoài vào. Mô tả cây Măng cụt là một loại cây to, có thể cao tới 20m. Lá dày, dai, màu lục sẫm, hình thuôn dài 15 – 20cm, rộng 7 – 10cm. Đặc điểm của cây này là người ta chỉ mới thấy cây cái. Người ta cho rằng trong số những nhị lép (staminode) bao quanh bầu có thể có bao phấn chứa phấn hoa. Quả hình cầu, to bằng quả cam trung bình, vỏ ngoài màu đỏ sẫm, dầy cứng, phía dưới có là đài, phía đỉnh có đầu nhụy. Trong quả có từ 6 – 18 hạt, quanh hạt có áo hạt ăn được. Phân bố, thu hái và chế biến Người ta cho rằng cây măng cụt nguồn gốc ở các đảo La sôngđơ và Môluye (Malaysia, Indonesia) sau được các nhà truyền giáo đạo Gia tô di thực vào miền Nam. Hiện nay được trồng rộng rãi ở Nam Bộ. Còn thấy ở Philippines, Indonesia, Malaysia. Người ta trồng chủ yếu để lấy áo hạt mà ăn; vỏ quả phơi khô dùng chữa đi ỉa lỏng hay đi lỵ. Công dụng và liều dùng Tại nhiều nước Malaysia, Campuchia, Philippines, người ta dùng nước sắc vỏ măng cụt để làm thuốc chữa đau bụng đi tiêu chảy , chữa lỵ, có khi còn dùng chữa bệnh hoàng đản (vàng da). Cách dùng như sau: Cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào một nồi đất hay nồi đồng (tránh nồi sắt hay nồi tôn) thêm nước vào cho ngập rồi đun sôi kỹ trong vòng 15 phút. Ngày uống 3 – 4 lần chén to nước này. Có thể dùng theo đơn sau đây: Vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thìa là 5g, nước 1.200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần. (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam) GS. ĐỖ TẤT LỢi
|
Theo SKĐS