Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng cho nhà kinh tế học Trung Quốc Mã Quảng Nguyên. Ông đã chia sẻ về sự vắng mặt của đạo đức trong nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là những gì xảy ra ở Trung Quốc.
Cú sốc về chiến thắng của Donald Trump đã lan rộng trên toàn thế giới. Các phương tiện truyền thông chính thống ở châu Âu và Hoa Kỳ vẫn luôn thắc mắc vì sao kết quả thăm dò của họ hoàn toàn trái ngược với kết quả cuộc bầu cử. Nhưng rõ ràng là họ đã không nhận ra các vấn đề cơ bản.
Xã hội đang thay đổi. Kinh tế cũng đang phát triển với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, khi các cuộc khủng hoảng kinh tế kéo đến, các nhà kinh tế học đã không thể dự báo trước để có các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa sự rạn nứt xã hội xảy ra trong cuộc khủng hoảng.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính đã không thể cứu vãn cho những thiệt hại về kinh tế, mà còn khiến khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng lớn hơn. Lý do cơ bản là trong khi kinh tế tiếp tục phát triển về mặt kỹ thuật, thì nền tảng cơ bản của nền kinh tế và xã hội vẫn đang trì trệ.
Đạo đức kinh doanh
Nhiệm vụ chính của thương mại ban đầu là nghiên cứu sứ mệnh của nhà nước và cá nhân. Adam Smith là nhà kinh tế học và triết gia đạo đức học lớn người Scotland, là nhân vật mở đường cho phát triển lý luận kinh tế. Khi đưa ra khái niệm “bàn tay vô hình”, ông quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố đạo đức đằng sau thị trường. Ông tin tưởng rằng nền kinh tế thị trường là có đạo đức vì các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình nên vô hình chung đã thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng.
Keynes, người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại, lập luận rằng bản chất của kinh tế chính là một ngành khoa học về đạo đức. Những nhà kinh tế học nổi tiếng trong quá khứ đều lấy sự phát triển của nhân loại, tiến bộ đạo đức và số phận của những người yếu thế trong xã hội là sứ mệnh của mình.
Tuy nhiên sau này, các công cụ lao động ngày càng trở nên phát triển, phạm vi của nó đối với kinh tế ngày càng sâu rộng, và các mô hình kinh tế cũng ngày càng phức tạp, thì con người lại ngày càng rời xa luân lý và đạo đức.
Nghiên cứu làm sao “tối ưu hóa” luôn ngự trị trong suy nghĩ đã biến nền kinh tế trở nên lạnh lùng như những con robot vô cảm.
Chính sách tiền tệ
Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã tác động tiêu cực rất lớn đến chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến nó trở nên tồi tệ trong mô hình phân phối của cải. Trong quá trình tái cân bằng kinh tế toàn cầu, một lượng tiền lớn đã được phát hành vào thị trường vốn, bất động sản và nhiều thị trường khác, tạo ra bong bóng tài sản.
Các tầng lớp giàu có giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua bong bóng tiền tệ. Do đó, những người giàu có không những không hề hấn gì, họ còn trở nên giàu có hơn nhờ việc tăng giá trị tài sản.
Các gói kích thích liên tiếp được tung ra đẩy giá cả mọi thứ tăng mạnh. Điều này đã tăng gánh nặng cho các nhóm thu nhập thấp và trung bình, khiến thu nhập của họ sụt giảm.
Tình trạng này xảy ra khắp nơi trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Từ năm 2008, nhà nước Trung Quốc đã phát hành một lượng lớn các gói kích thích kinh tế, tạo ra bong bóng tài sản, đặc biệt là bất động sản.
Với tình trạng trì trệ của kinh tế thực và sản xuất, bất động sản đã trải qua 1 đợt tăng giá mạnh mẽ do chính phủ dẫn đầu và trở thành sự lựa chọn đầu tư tốt nhất cho những người giàu có. Ở một số thành phố, quyền sở hữu bất động sản được xem như một biểu tượng của sự giàu có và địa vị trong xã hội thay vì chỉ là nơi làm nhà ở.
Ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang dần dần hình thành hai lớp đối lập: Tầng lớp sở hữu bất động sản và các tầng lớp không có. Nếu những người giàu có vui vẻ trước bong bóng nhà đất, thì những người khác chỉ có thể thốt ra một tiếng thở dài. Vấn đề nhà ở đã trở thành một trở ngại cho sức sống và sự công bằng xã hội ở Trung Quốc. Trong quá trình đối phó với cuộc khủng hoảng năm 2008, bất động sản cũng đã trở thành một nguồn lực tài chính cho chính quyền địa phương.
Trong cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21”, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty đã chỉ ra nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xã hội. Nó đã gây ra một phản ứng rất lớn trên khắp thế giới. Nghiên cứu của Piketty cho thấy lợi nhuận thu được lớn hơn thu nhập từ lao động là nguyên nhân chính dẫn đến khoảng cách giàu nghèo.
Có rất nhiều bằng chứng cho việc này ở Trung Quốc. Từ năm 1997 – 2007, tỉ lệ thu nhập từ lao động so với GDP đã giảm từ 53,4 % xuống 39,74 %. Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập vốn vẫn tiếp tục tăng, và tỷ lệ thặng dư hoạt động của doanh nghiệp so với GDP đã tăng từ 21,23% đến 31,29%. Trung Quốc là một trong những đất nước phân phối thu nhập bất công nhất thế giới.
Chiến thắng của Trump nói với chúng ta rằng một xã hội có khoảng cách giàu nghèo lớn sẽ mang lại sự bất ổn nghiêm trọng. Các lĩnh vực kinh tế cần phải trở về đúng với trạng thái của nó bao gồm sự công bằng và đạo đức, nếu không, theo ông Mã Quảng Nguyên, sẽ có chiến thắng “tình cờ” của Trump khác tiếp tục xuất hiện.
Hoàng An, Theo The Epochtimes