Khi nghe đến vẽ tranh trên nước nhiều người sẽ cảm thấy khó tin nhưng thực tế kỹ thuật này đã xuất hiện từ hơn 2.000 năm trước và được các nghệ nhân Nhật Bản phát triển cho đến nay với cái tên Suminagashi.
Từ Suminagashi trong tiếng Nhật có nghĩa đen là “mực nổi”, chúng là một loại mực chuyên dùng để vẽ tranh thủy mặc xưa. Kỹ thuật vẽ tranh trên nước này có nguồn gốc ở Trung Quốc hơn 2000 năm trước nhưng chỉ cho đến khi các tu sĩ Thần Đạo ở Nhật Bản tiếp thu và phát triển vào thế kỷ thứ XII thì nó mới được nhiều người biết đến.
Các họa tiết đầy màu sắc sẽ được người họa sĩ vẽ lên trên nước trông như những váng dầu nổi. Sau đó các nghệ nhân cẩn thận nhúng bề mặt vật cần in hình ảnh xuống nước, lớp váng nổi sẽ bám lên và được một tác phẩm hoàn chỉnh trên giấy hoặc vải.
Hiện nay, các nghệ nhân thường kết hợp sử dụng các loại mực màu truyền thống với sơn màu Acrylic (thông thường được đổ trực tiếp xuống nước) để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt.
Nhiều người có thể đã từng biết đến một loại hình ứng dụng tương tự là “in chuyển nước”. Các vật liệu như mũ bảo hiểm, vành xe ô tô,… được in họa tiết rất đẹp cũng sử dụng phương pháp tương tự như Suminagashi này. Vì có chi phí nguyên liệu vẽ khá thấp nên ứng dụng của Suminagashi hiện nay khá phổ biến.
Nhiều nghệ sỹ đã đưa kỹ thuật này vượt lên những hiệu ứng họa tiết vân thông thường thành những hình ảnh cụ thể. Mặc dù chúng trông vẫn rất trừu tượng khi ở trên mặt nước, những khi được in qua giấy hoặc vải, chúng trông thật sự xinh đẹp.
Hãy xem cách người nghệ nhân vẽ một bức họa suminagashi trong video dưới đây:
Theo Đại Kỷ Nguyên VN