Đại diện tổ chức tổ chức phi chính phủ nói với BBC về chuyện lao động Việt Nam tại Đài Loan nhiều khả năng được gỡ bỏ vướng mắc vì quy định ‘sau ba năm phải rời khỏi Đài Loan một ngày’.
Điều 52 của Luật Dịch vụ Việc làm quy định: “Người lao động nước ngoài buộc phải rời khỏi Đài Loan một ngày sau khi hoàn tất hợp đồng 3 năm làm việc“.
Ủy ban Phúc lợi Xã hội và Vệ sinh môi trường của cơ quan lập pháp Đài Loan đang nỗ lực sửa đổi điều luật này vì nó từ lâu được xem như kẽ hở cho bên thứ 3 bắt chẹt người lao động, tờ China Post của Đài Loan hôm 23/6 cho biết.
“Người lao động và các nhóm trợ giúp luật cho người lao động nước ngoài từ lâu đã xem Điều 52 với những khoản phí tính thêm”.
“Bộ Lao động ước tính việc sửa đổi Điều 52 có thể giúp lao động nước ngoài tiết kiệm được 44 triệu USD/năm do không phải đóng phí của công ty môi giới”, báo này viết.
Lao động Việt Nam đến Đài Loan thường làm các ngành nghề điện tử, dệt may, xây dựng, giúp việc nhà, đánh cá… và phải trả phí môi giới từ 2.800 đến 6.800 USD.
“Dân biểu Lâm Thục Phương, nhà lập pháp Dân Tiến Đảng (DPP) nói rằng việc sửa đổi là một bước tiến tới việc chấm dứt tình trạng “nô lệ hiện đại” và bước tích cực cho quyền lao động của Đài Loan”.
China Post cũng cho hay, bà Lâm tiết lộ vì ủng hộ sửa đổi luật này mà bà bị đe dọa giết nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu.
‘Cái nhìn thù nghịch’
Hôm 29/6, trả lời BBC, ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, cho hay: “Việc Điều 52 sửa đổi hay hủy bỏ thế nào thì chưa rõ ràng đâu, vì phải trình Quốc hội họ thông qua”.
“Văn phòng của chúng tôi luôn tích cực giúp và bảo vệ những người lao động Việt Nam tại Đài Loan nhưng không ủng hộ, hoan nghênh các tổ chức phi chính phủ lợi dụng việc giúp người lao động để chống phá nhà nước Việt Nam”.
“Gần đây có một tổ chức phi chính phủ kêu gọi cộng đồng người Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa. Họ làm như thế là lôi kéo, lợi dụng người Việt chống phá. Đến bây giờ chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố nguyên nhân cá chết thì sao họ lại tổ chức như vậy?”.
Cũng vào hôm 29/6, trả lời BBC từ Đài Bắc, linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan, nói: “Xác suất hủy bỏ quy định ‘sau ba năm phải rời khỏi Đài Loan một ngày’ rất cao, vì hiện tại Dân Tiến Đảng đang cầm quyền. Tuy nhiên hiện chưa rõ thời điểm chính thức hủy bỏ”.
“Điều 52 khiến những người lao động Việt Nam tại Đài Loan thường phải chấp nhận chi trả số tiền rất lớn cho môi giới hoặc bỏ trốn. Hiện lao động người Việt tại Đài Loan trốn ra ngoài làm việc chỉ xếp sau người Indonesia”, ông cho biết thêm.
“Tôi nhận thấy những lao động Việt Nam khi gặp rắc rối thì thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, họ chọn cách bỏ trốn”, Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng
Một nữ lao động Việt Nam giấu tên làm tại một công ty điện tử tại Đào Viên cho BBC biết trước khi qua Đài Loan, bà đã trả cho công ty môi giới Việt Nam 6.700 đôla nhưng công ty môi giới yêu cầu viết thư cam kết chỉ nộp 4.300 đôla.
Sau khi hết hợp đồng ba năm, môi giới nói bà phải trả thêm 5.500 đôla làm thủ tục qua lại Đài Loan làm cho chủ cũ. Bà không đồng ý và cầu cứu chủ nhưng công ty này nói là đã giao cho môi giới nên không can thiệp. Vì không kiếm được số tiền này, bà quyết định bỏ trốn ra ngoài sau khi hết hợp đồng.
“Tôi nghĩ Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc (VECO) có thể giúp nhiều những người lao động Việt Nam bị bóc lột tại Đài Loan. Tuy nhiên, họ cần thay đổi cái nhìn thù nghịch với các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi”.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát và thách thức những chính sách bất công, hành vi quan liêu của quan chức các bộ ngành liên quan đến lao động trong chính phủ Đài Loan. Mục tiêu chính của chúng tôi là giảm thiểu và nếu có thể là chấm dứt bất công với lao động nước ngoài làm tại Đài Loan”, linh mục Hùng nói với BBC.
Theo BBC