Không chỉ gây áp lực khiến các công ty công nghệ phải chơi theo luật của mình, Trung Quốc còn có tham vọng thay thế Mỹ thống trị thế giới công nghệ. Đặc biệt đáng lo ngại là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quân sự của Trung Quốc ít bị hạn chế bằng pháp lý và đạo đức…
Sau loạt tai tiếng về lỗi bảo mật chip xử lý, hãng Intel mới đây lại bị tố ưu ái Trung Quốc. Cụ thể, báo Wall Street Journal cho hay, ngay khi vừa phát hiện ra lỗ hổng bảo mật trong các chip xử lý Spectre và Meltdown, Intel được cho là đã thông báo cho nhiều khách hàng của mình, trong số đó có các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Lenovo, nhưng lại che giấu Chính phủ Mỹ.
Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn hãng Intel giải thích công ty không kịp thông báo cho tất cả vì thông tin bị lọt ra ngoài sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, nhà báo Zach Whittaker chỉ ra rằng, Intel đã phát hiện lỗi trong chip xử lý từ tháng 6/2017, họ lên kế hoạch công bố vào ngày 9/1/2018 nhưng chỉ định báo cho Chính phủ Mỹ sớm trước một tuần.
Lỗi bảo mật của chip Meltdown và Spectre đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể ảnh hưởng hầu hết người dùng, kết quả là cần đến một nỗ lực khổng lồ để khắc phục tất cả hệ thống máy tính, và gã khổng lồ chip xử lý đã đề xuất các công ty công nghệ Trung Quốc cùng phối hợp sửa lỗi. Nhưng với việc chính phủ Bắc Kinh được cho là luôn giám sát những thông tin và các cuộc thảo luận của các công ty lớn tại quốc gia của họ, thì không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể đã lợi dụng Meltdown và Spectre để xâm phạm dữ liệu trên toàn cầu trước khi các bản vá được tung ra.
Lenovo cho biết thông tin được Intel cung cấp kèm theo một thoả thuận không được tiết lộ. Alibaba thì nói rằng mọi lời cáo buộc về việc chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc đều chỉ là những suy đoán vô căn cứ. Nhưng ai biết được liệu đó có thực sự chỉ là suy đoán vô căn cứ hay không khi mà việc làm kinh doanh và chính trị gần như không thể tách rời tại Trung Quốc, và các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc từ lâu đã công khai làm tai mắt cho chính quyền trên không gian mạng.
Tuy hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy phía Bắc Kinh đã lợi dụng hai lỗ hổng bảo mật nguy hiểm kia, nhưng việc làm của Intel cùng thực trạng những năm gần đây rõ ràng cho thấy các ông lớn công nghệ thế giới đang ngày càng nhún nhường, ưu ái Trung Quốc.
Các công ty công nghệ Mỹ đã có một lịch sử tuân thủ chặt chẽ kiểm duyệt nội dung của Bắc Kinh trước sức ép của chính quyền nước này. Như Apple hồi tháng 8/2017 đã phải gỡ bỏ hững ứng dụng VPN phổ biến trên App Store Trung Quốc, khiến việc người dùng truy cập nội dung bị kiểm duyệt vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Amazon cũng đã phải chiều lòng các yêu cầu về kiểm duyệt của Trung Quốc – tờ New York Times cho biết dịch vụ đám mây của nước này đã hướng dẫn khách hàng trong nước dừng sử dụng phần mềm để né tránh các công cụ kiểm duyệt của Trung Quốc. Cả Microsoft và Yahoo cũng tuân thủ yêu cầu của chính quyền Trung Quốc…
Trung Quốc sắp thống trị thế giới công nghệ?
Không chỉ gây áp lực khiến các công ty công nghệ phải chơi theo luật của mình, Trung Quốc còn có tham vọng thay thế Mỹ thống trị thế giới công nghệ. Thậm chí, theo CNN, tham vọng này có thể sớm thành hiện thực và đang khiến phương Tây lo ngại. Một minh chứng cho điều này là công ty Yitu Tech mới thành lập của Trung Quốc chiến thắng trong cuộc thi hệ thống nhận diện khuôn mặt do nhóm nghiên cứu vũ khí thuộc cộng đồng tình báo Mỹ tổ chức hồi cuối năm 2017.
Chính phủ Trung Quốc đang rót tiền nhằm tạo ra các nhà vô địch công nghệ quy mô toàn cầu và dồn toàn lực vào các lĩnh vực như xe điện, chip máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI) và đã đạt được những bước tiến lớn. Đặc biệt AI là lĩnh vực được Trung Quốc tập trung đầu tiên và đầu tư mạnh mẽ nhất. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng dự đoán ai dẫn đầu về AI “sẽ trở thành quân chủ thế giới”, và Trung Quốc muốn là vị quân chủ đó.
Mùa hè năm 2017, chính phủ Bắc Kinh vạch ra kế hoạch trở thành cường quốc trí tuệ nhân tạo vào năm 2030 với giá trị ước tính lên tới 150 tỷ USD. Theo John Choi, nhà phân tích theo dõi các doanh nghiệp Internet Trung Quốc, ngành AI nước này nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ mà hầu như mọi nước khác không có.
Do đó, không khó hểu khi Trung Quốc tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực này, thậm chí Bắc Kinh có dấu hiệu có thể vượt Washington. Cụ thể, AI của Tencent – Fine Art hồi giữa tháng 1 đã đánh bại kỳ thủ cờ vây 9 đẳng Kha Khiết, hiện đang đứng hạng 2 thế giới. Đây là bước tiến lớn của Trung Quốc khi trước đó, chiến thắng lịch sử của AI DeepMind với chương trình AlphaGo trước kỳ thủ cờ vây Lee Sedol, đứng thứ 5 thế giới, được xem là một dấu mốc quan trọng trong ngành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo của Elsa Kania thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) cũng nhận định, Trung Quốc không còn kém Mỹ về công nghệ mà đã trở thành đối thủ cạnh tranh có thể vượt qua trong lĩnh vực AI.
Sự “vươn lên” đáng lo ngại
Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn cách mạng hóa việc vận chuyển với sự ra đời của những chiếc xe tự lái và đem lại những tiến bộ to lớn cho ngành dược phẩm, cũng như các ứng dụng quân sự có thể làm thay đổi chiến trường. Nắm bắt được điều này, Bắc Kinh đã phát triển rất nhanh trong lĩnh vực AI để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và có thể tạo ra ưu thế chống lại Mỹ.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chạy đua áp dụng AI vào quân sự. Lầu Năm Góc áp dụng một số công nghệ nhằm tạo ra hệ thống máy tính giám sát tự động trên máy bay, giảm khối lượng công việc phân tích cho con người. Quân đội Trung Quốc (PLA) cũng đang đầu tư một loạt dự án liên quan đến AI. Các viện nghiên cứu của PLA đang hợp tác với công nghiệp quốc phòng để ứng dụng các nghiên cứu AI vào quân sự.
Tuy nhiên, trong khi chính sách hiện tại của Lầu Năm Góc đòi hỏi con người phải thực hiện các công việc có thể gây ra sự xúc phạm nếu do máy móc đảm nhận, thì chính sách của Trung Quốc về vấn đề này lại chưa thực sự rõ ràng. “PLA có thể ứng dụng AI theo cách độc đáo, bất ngờ và ít bị hạn chế bởi các mối quan tâm pháp lý và đạo đức quan trọng trong suy nghĩ của Mỹ”, báo cáo của bà Kania kết luận.
Hơn nữa Trung Quốc đang có tranh chấp với nhiều nước trong khu vực và có hành xử khá hung hăng, vì thế việc Bắc Kinh ứng dụng AI vào quân sự là vấn đề rất đáng lo ngại. Như trong tranh chấp chủ quyền các hòn đảo ở biển Đông, Trung Quốc dùng đủ mọi biện pháp để tranh giành chủ quyền với 5 quốc gia khác, như đưa tàu tuần tra đến biển Đông xua đuổi mọi tàu vào khu vực tranh chấp, ngang nhiên xây dựng những công trình lớn gồm khu tổ hợp, đường băng, hệ thống ra-đa, hải đăng…
Việc ứng dụng AI không chỉ đe dọa đến nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến chính người dân Trung Quốc, khi nước này nổi cộm về các vấn đề nhân quyền bao gồm cuộc đàn áp đối với các luật sư nhân quyền, lạm dụng bạo lực đối với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và người tị nạn Bắc Triều Tiên, gây áp lực chính trị đối với đặc khu Hong Kong “một quốc gia hai chế độ” và đàn áp các nhóm tôn giáo.
Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập hệ thống camera giám sát có tên Sky Net được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt. Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, 170 triệu triệu camera giám sát đã được lắp đặt ở nơi công cộng, đến năm 2020 có thể có thêm 450 triệu camera giám sát. Nhiều người cho rằng dự án Sky Net đã vi phạm quyền riêng tư của công dân, nhất là ở Trung Quốc, chính quyền có thể sử dụng để theo dõi các nhà bất đồng chính kiến, luật sư nhân quyền, người tập Pháp Luân Công, dân oan đi kiện cáo…
Dư luận xã hội lo lắng chính quyền Bắc Kinh có thể tiếp tục bắt giữ, bỏ tù và tra tấn các nhà vận động tự do tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền và những người theo tính ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là những người tập Pháp Luân Công, môn tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng từ năm 1992, đến năm 1999 thì môn tập luyện này bị chính quyền Trung Quốc gán nhãn là “tà giáo”, những người theo tập Pháp Luân Công cũng bị bức hại tàn bạo kể từ đó. Họ thường bị bắt giữ đưa đến trại cải tạo lao động, nhà tù hoặc thậm chí biến mất không rõ tung tích. Trong khi bị giam giữ, những người tập Pháp Luân Công còn bị tra tấn dã man về tinh thần và thể chất với nhiều phương thức tàn bạo như sốc điện, đánh đập, cấm ngủ, bức thực, xâm hại tình dục và kinh khủng nhất là mổ cướp nội tạng.
Mối lo này hoàn toàn có cơ sở khi Báo cáo tự do tôn giáo thường niên năm 2017 được Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) ban hành hồi đầu năm 2018 tiếp tục liệt Trung Quốc vào top 10 quốc gia vẫn không ngừng đàn áp tín ngưỡng tôn giáo một cách hệ thống và cực đoan nhất. Chính phủ Mỹ cho biết, có quá nhiều nơi trên thế giới mà người dân vì theo đuổi tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đã liên tục bị bức hại, bị truy tố hoặc phạt tù bất công.
Tú Văn