Lễ hội cháo Laba là một lễ hội truyền thống ở Trung Quốc đã được tổ chức từ hàng trăm năm nay. Lễ hội diễn ra vào ngày 8 tháng 12 âm lịch hàng năm. Đằng sau lễ hội cháo Laba này là một truyền thuyết về sự kiên định phi thường của người tu luyện…
Truyền thuyết kể rằng hàng thế kỷ trước, có một nàng công chúa quyết định lên chùa tu Phật vào ngày 8 tháng 12 âm lịch. Không ai trong hoàng cung có thể thay đổi được ý định của nàng. Vì công chúa thích ăn cháo, nên vào buổi sáng hôm cô định ra đi, hoàng hậu đã tự tay nấu cháo hạt kê, đậu, hạt chà là cho cô. Sau bữa sáng cuối cùng tại hoàng cung, công chúa bắt đầu lên đường.
Hoàng hậu nghĩ rằng sau vài ngày chịu khổ, con gái bà chắc chắn sẽ trở về, nhưng vài năm trôi qua công chúa vẫn chưa về. Hoàng thượng sau đó đã ra lệnh cho sư trụ trì giao cho cô công việc nặng nhọc nhất. Tuy nhiên, công việc vất vả cũng không hề lay chuyển được cô.
Một năm sau, vương quốc gặp khó khăn do hạn hán nặng nề. Hoàng đế một lần nữa ra lệnh cho sư trụ trì giao việc nặng nhất cho công chúa. Trụ trì đã yêu cầu cô phải tưới nước cho tất cả cây cối trong chùa hằng ngày, nếu không hoàn thành công việc, cô sẽ phải quay về nhà. Công chúa hằng ngày thức dậy từ rất sớm để lấy nước ở một con sông dưới chân núi. Vài ngày sau, con sông lại cạn nước. Trụ trì bảo cô lấy nước từ một con sông xa hơn. Nếu không thực hiện được thì cô phải về nhà.
Công chúa vẫn quyết tâm ở lại chùa tu luyện. Cô làm một cái chòi bằng rơm để cầu mưa và thề rằng cô sẽ tự thiêu bằng chòi rơm này nếu trời không mưa trước buổi trưa. Cô bắt đầu cầu nguyện từ sáng nhưng đến trưa trời vẫn không mưa giọt nào. Thế rồi cô quyết định đốt chòi và ngồi bên trong. Đúng lúc đó, đột nhiên một đám mây xuất hiện phía trên. Trời bắt đầu đổ mưa, dập tắt đám lửa. Mưa vẫn tiếp tục và toàn bộ cây cối đều được tưới.
Hoàng thượng và hoàng hậu vẫn tiếp tục ra lệnh cho nàng công chúa trở về. Họ viết cho cô một bức thư nói rằng hoàng hậu nhớ cô đến nỗi không buồn ăn, hoàng thượng thì không muốn lên triều. Khi nhận được thư từ hoàng cung, công chúa đã chặt một cánh tay của mình gửi cho mẹ và móc một con mắt gửi cho cha. Khi tay và mắt của con gái được gửi đến, hoàng thượng và hoàng hậu đã khóc rất nhiều. Cuối cùng họ cũng bị cảm phục trước quyết tâm tu luyện mạnh mẽ của công chúa. Hoàng thượng bèn cầu xin thiên thượng “hãy phục hồi tay và mắt cho con gái tôi”. Các vị thần cuối cùng cũng cảm động và phục hồi lại tay, mắt cho công chúa.
Ngày nay, cũng có những người phụ nữ phi thường giống như cô công chúa trong câu chuyện trên. Họ là những học viên Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện thiền định theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, phổ truyền khắp thế giới nhưng lại đang bị bức hại ở Trung Quốc.
Họ đã phải chịu đựng sự tra tấn, hành hạ chưa từng thấy dưới chế độ của ĐCSTQ, thế nhưng họ vẫn kiên định nhất quyết không từ bỏ con đường tu luyện. Bất kể cuộc bức hại tàn bạo đến mức nào, những học viên ấy vẫn thể hiện sự bền bỉ và kiên định với đức tin của mình. Câu chuyện của họ cho thấy sức mạnh phi thường của nội tâm người tu luyện có thể vượt qua hết thảy khổ nạn, sinh tử, buông bỏ chấp trước và dũng cảm vững bước trên con đường phản bổn quy chân như thế nào.
Hai chị em gái, Chen Hongping và Chen Shulan, là học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Vào ngày 9/6/ 2001, họ đang nói với mọi người về sự thật cuộc bức hại Pháp Luân Công thì bị bắt và đưa đến Sở cảnh sát Donghuayuan ở quận Hoài Lai. Họ bị còng tay vào một chiếc ghế “cọp” và bị cảnh sát thẩm vấn. Khoảng 6h chiều, Hongping rút tay ra được khỏi còng, xô cảnh sát bỏ chạy. 9 cảnh sát liền đuổi theo, bắt cô lại, rồi còng tay cô ra sau lưng. Sau đó, họ buộc chặt tay cô bằng một sợi dây thừng và treo cô lên khung cửa. Họ lắc chiếc còng nhiều lần và đánh cô cho đến khi chân cô bị gãy.
Hongping hét lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp!” Cô đã bị bất tỉnh vì tra tấn trong khi đang bị treo lơ lửng trên khung cửa.
Hai chị em được đưa đến Trại giam Hoài Lai vào lúc 11h sáng. Tay của Hongping sưng lên, cơ thể cô bị thương nhiều nơi. Vài chỗ tóc trên đầu cô bị dật đến mức để lộ cả da đầu. Cô nôn ra máu.
Sáng 11/6, Hongping bị đưa đến Trại lao động Cưỡng bức Cao Dương tại tỉnh Hà Bắc, còn Shulan đang bên bờ vực cái chết vì phải chịu đựng quá nhiều đòn tra tấn. Sau đó, trung tâm giam giữ chuyển Shulan cho sở cảnh sát Xương Bình (Changping), nhưng cảnh sát đã từ chối vì tình trạng của cô quá yếu. Và trung tâm giam giữ đã thả cô ra để tránh chịu trách nhiệm. Shulan bước ra khỏi trung tâm với những bước loạng choạng.
Về phần Hongping, cô bị đe doạ và đánh đập tàn nhẫn tại trại lao động. Hàng chục người luân phiên tìm cách tẩy não cô để cô từ bỏ đức tin của mình. Trong một năm rưỡi chịu đựng tra tấn trong trại lao động, trọng lượng của cô giảm từ 55 kg xuống chỉ còn 25 kg. Cô chỉ còn mỗi da bọc xương và bên bờ vực cái chết. Nhân viên trại lao động Cao Dương đã đưa cô đến bệnh viện vào ngày 29/1/2003, nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận vì không muốn cô chết ở đó. Sợ sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô, trại lao động đã gửi Hongping về nhà.
Hongping bị sốt cao kéo dài và ho liên tục. Đôi mắt cô đờ đẫn, nhịp tim yếu ớt. Cô không thể ăn. Cuối cùng cô đã chết khi mới 32 tuổi vào ngày 5/3/2003. Ngay cả trong hơi thở cuối cùng, cô vẫn liên tục nói với các thành viên trong gia đình hãy giữ vững niềm tin của họ.
Một trường hợp khác là Liu Xinying, một y tá và cũng là học viên Pháp Luân Công ở Đại Liên. Cô bị bắt 4 lần trước cái chết của người chồng Qu Hui, cũng là người tu luyện Pháp Luân Công. Trước khi chết, anh đã phải nằm liệt giường suốt 13 năm do sự tra tấn tàn bạo trong trại lao động cưỡng bức. Xinying đã chăm sóc anh cả ngày lẫn đêm đến khi anh qua đời vào ngày 9/2/2014.
Một tháng sau cái chết của chồng, Xinying bị bắt giam tại nhà tù Đại Liên. Cuối cùng cô bị kết án 5,5 năm tù. Con gái cô vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên phải bị sống một mình.
Trong quá trình giam giữ, sức khoẻ Liu Xinying ngày càng suy yếu, huyết áp của cô có lúc lên đến mức nguy hiểm 220/120. Cha cô đã nhiều lần đến nhà tù yêu cầu thả cô vì lý do sức khoẻ, nhưng đều bị từ chối.
Trong khi bị giam giữ, Xinying đã viết một lá thư cho con gái với nội dung: “Con đã chứng kiến cha con đau đớn đến mức nào sau khi bị tàn phế vì tra tấn. Con còn nhỏ và có nhiều câu hỏi. Con từng hỏi mẹ ‘bố của những đứa trẻ khác có thể đứng được không. Tại sao bố mình phải nằm trên giường?’ Câu hỏi của con khiến mẹ quyết tâm tìm sự công bằng cho bố con vì mẹ không muốn nhìn thấy tâm hồn thơ ngây của con bị che mờ bởi bóng tối của xã hội này…”
Vô số mái ấm gia đình đã tan vỡ do cuộc bức hại Pháp Luân Công. Nhiều bà mẹ và những trẻ mồ côi phải sống cuộc đời đầy nước mắt. Tuy nhiên, Xinying đã đối mặt với những khổ nạn to lớn này bằng sự kiên định phi thường và vinh dự cao quý của một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Ji Shujun là một học viên Pháp Luân Công và là một cựu kế toán ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc. Vì tập luyện Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 2002, cô bị đưa vào trại lao động cưỡng bức trong hai năm rưỡi. Trong thời gian đó, cô đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn tàn bạo khác nhau.
Gia đình cô đã bị chia rẽ bởi cuộc bức hại, và cô cũng bị sa thải. Tuy nhiên, cô vẫn kiên định tiếp tục tu luyện và luôn lo lắng cho sự an nguy của những người bị ĐCSTQ lừa dối. Vì cô biết rằng thiện ác hữu báo, cho dù kẻ ác hiện giờ có đang ngang nhiên hành ác, nhưng rồi cuối cùng cũng sẽ phải nhận báo ứng bi thảm, và những người bị lừa dối mà hùa theo cũng không tránh khỏi hậu quả tương ứng. Vào mùa xuân năm 2006, cô rời quê nhà và chuyển đến một thị trấn nhỏ ở vùng núi. Kể từ đó, cô đã đi khắp khu vực (khoảng 5.000 km2) để nói cho mọi người sự thật về Pháp Luân Công.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, Shujun đã bị bắt 5 lần, bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức 3 lần. Không sự tra tấn tàn bạo nào có thể làm lay động niềm tin của cô vào các nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp, hay ngăn cản sứ mệnh của cô. Mỗi lần ngay khi được thả ra khỏi trại giam, cô lại tiếp tục đi giảng rõ sự thật về Đại Pháp cho người dân trên đường phố hoặc trong những ngôi làng vùng ở núi xa xôi.
Dưới sự bạo hành của ĐCSTQ, những người tu luyện Pháp Luân Công vẫn kiên định trên con đường tu luyện. Họ đã nếm trải những thống khổ kinh hoàng và phải đối mặt với áp lực chưa từng có trong lịch sử. Bao nhiêu người có thể hiểu được những gì đã trải qua đối với những người tu luyện buông bỏ sinh tử vì thế nhân? Câu chuyện của họ sẽ mãi mãi được lưu truyền qua nhiều thời đại, giống như cô công chúa trong truyền thuyết về lễ hội cháo Laba.
Phấn Nguyễn, theo en.minghui.org