Đồ jeans lại một lần nữa đứng đầu xu hướng thời trang mà hầu như ai ai cũng đều sở hữu. Tuy nhiên, trong lúc mải mê đuổi theo xu hướng thời trang này, hầu như không ai nhận thức được những bí mật đằng sau việc sản xuất denim, loại vải may quần jeans.
Theo The Guardian, năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành công nghiệp này đạt mức cao nhất kể từ năm 2013, với doanh thu hơn 95 tỷ đô-la trên toàn thế giới. Doanh thu của quần jeans thiết kế cao cấp còn tăng gấp đôi.
Trong bối cảnh đó, năm 2011, một bộ phim tài liệu của Đức mang tên “Cái giá của Blue Jeans”, được đạo diễn bởi Michael Höft và Christian Jentzsch, những người từng bí mật đến Trung Quốc, đã tiết lộ thực tế gây sốc ở một thị trấn được mệnh danh là “thủ phủ của quần jeans”.
Thủ phủ của quần jeans
Denim là loại chất liệu may từ vải cotton cứng với các sợi đan chéo, được biết đến là loại vải may quần jeans. Các nhà sản xuất vải denim cho các thương hiệu hàng đầu thế giới phát triển khá yên ổn tại Tân Đường, một thị trấn ở Quảng Đông, Trung Quốc. Đây cũng là nơi sản xuất 60% quần jeans của Trung Quốc. Hồ sơ cho thấy 260 triệu chiếc quần jeans được sản xuất tại Tân Đường trong năm 2008 chỉ để xuất khẩu sang Nga, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Theo bộ phim tài liệu trên, một chiếc quần jeans từ Tân Đường được bán với giá dưới 11 USD (khoảng 250.000 VND), nhưng 490.000 lao động vẫn phải phụ thuộc vào các nhà máy để kiếm sống. Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng ngành công nghiệp này đang dần đánh mất nét truyền thống của tổ tiên, khi người trẻ bắt đầu di cư ra khỏi làng để tìm việc ở độ tuổi rất trẻ, thay vì ở lại với gia đình và tiếp tục nghề nghiệp truyền thống của họ.
Chi phí mà con người tiêu tốn cho vải denim
Việc kinh doanh may mặc vải denim ở Tân Đường bắt đầu vào thập niên 1980 và bùng nổ kể từ đó. Công nhân nhà máy sinh sống ở khắp nơi trong thị trấn – chủ yếu là phụ nữ – một số khác là trẻ vị thành niên dưới 10 tuổi. Công việc thường bắt đầu lúc 8h sáng. Họ thường phải làm thêm sau 7h tối mà không được trả thêm lương vì nhiều người phải làm việc qua đêm để kịp tiến độ. Đối với các công việc như cắt chỉ, công nhân có thể kiếm được 15 xu cho mỗi chiếc hoặc khoảng 4 USD mỗi ngày.
Các khu vực sản xuất được bố trí kín cổng cao tường và không khí thì ngột ngạt; mọi người đều im lặng cúi mặt làm việc, người lao động tự thu mình trong công việc dù là đạp máy, ủi, cắt hay đóng gói. Họ liên tục đấu tranh tư tưởng với thời gian, mệt mỏi, và lo lắng liệu mình có được trả tiền hay không. Trong nhiều nhà máy, các máy móc không bao giờ dừng lại và công nhân luân phiên thay đổi, sáu ngày một tuần.
Các phòng đều ồn ào, nóng bức, ẩm ướt, nồng nặc mùi hóa chất, bụi bặm vì cánh quạt của các máy móc hạng nặng không được làm sạch trong nhiều năm, và hệ thống thông gió đã trở nên lỗi thời. Làm việc với khẩu trang chỉ khiến người ta thấy nóng và khó thở hơn, vì vậy nhiều công nhân không mang khẩu trang, và điều đó gây ra nguy cơ mắc bệnh phổi.
Các loại quần jeans denim sờn bạc được tẩy trắng, đánh bóng bằng đá và rửa sạch để đạt được độ sờn mà nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, các hóa chất tẩy rửa mạnh, cũng như bụi xanh từ denim có thể xâm nhập vào phổi của người lao động trong quá trình làm sờn vải, gây tổn thương đường hô hấp. Một số công nhân còn có nhiệm vụ loại bỏ bụi và sợi kẹt trên quần jeans bằng súng hơi, và chúng rất ồn ào. Họ không được bảo vệ tai. Một nhà cung cấp đến từ Đức khi ghé thăm đã nhận xét: “Những người trẻ ở độ tuổi hai mươi, làm việc trong một môi trường khắc nghiệt như vậy, có khả năng bị điếc trong vòng một năm”.
Ô nhiễm môi trường
Mỗi buổi sáng, công nhân phải múc đá dùng để đánh bóng quần jeans ra khỏi nước thải, khiến các ngón tay của họ chuyển sang màu xanh do các chất nhuộm độc hại và hóa chất gây ung thư. Nước thải từ các quy trình nhuộm và đánh bóng này sau đó được thải vào môi trường mà không qua xử lý. Một cuộc điều tra của tổ chức Hòa bình Xanh năm 2010 cho thấy tại ba điểm lấy mẫu ở Tân Đường, lượng chì, đồng và cadimi trong lòng sông đã vượt quá tiêu chuẩn chất lượng đất quốc gia, trong đó có một mẫu bùn sông chứa cadimi cao gấp 128 lần so với giới hạn an toàn.
Các thùng nhựa màu xanh chứa đầy hỗn hợp hóa chất khác nhau dùng trong việc giặt giũ denim được lưu trữ trong các phòng giặt của nhà máy. Quần jeans được giặt đi giặt lại để đạt kết quả mong muốn – đôi khi lên đến 20 lần. Các hóa chất gây ung thư được nhúng vào denim và thải ra từ từ, làm hại đến sức khỏe của công nhân nhà máy và có thể cả với người tiêu dùng.
Người ta ước tính cần khoảng 3.628 lít nước để sản xuất mỗi chiếc quần jeans xanh. Nước thải – màu đen, xanh, hoặc đỏ – được thải ra sông, nơi ô nhiễm đã đạt đến mức báo động. Một số nước thải chảy trực tiếp vào các con sông nhỏ của địa phương và cuối cùng chảy vào sông Đông Giang.
Các tác động của nhà máy đối với ô nhiễm không khí cũng rất đáng lo ngại; các khí độc từ hóa chất được sử dụng có ở khắp Tân Đường. Một cư dân cho biết mùi hôi của nước thải đánh thức cô dậy mỗi buổi sáng lúc 4 giờ. Nông dân sống gần sông phải chịu mùi hôi thối của nguồn nước mỗi ngày, cũng như sự ô nhiễm nó gây ra cho đất đai và những tác động xấu đến cây trồng của họ. Sử dụng chế độ xem vệ tinh của Google Map, người ta có thể nhìn thấy vùng nước đen từ sông Đông Giang gần làng Dadun ở Tân Đường đổ ra biển.
Sự thật gây sốc đằng sau quá trình sản xuất vải denim
Từ đầu những năm 1990, các thương hiệu thời trang và nhà quảng cáo đã không ngừng kích thích việc tiêu thụ cũng như ham muốn có quần áo mới của con người. Trên toàn thế giới, khoảng 80 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất hàng năm, tương đương với 11 chiếc quần/người/năm. Đồng thời, số lượng quần áo bị bỏ đi cũng đang tăng lên. Chỉ riêng ở Thượng Hải, hàng trăm tấn hàng may mặc đang bị bỏ đi mỗi ngày, tương đương 130.000 tấn mỗi năm. Sự thật gây sốc đằng sau quá trình sản xuất denim của Trung Quốc chỉ mới nêu bật một vấn đề trong ngành công nghiệp thời trang và quần áo trên toàn thế giới.
Bảo San, theo VT