Hàng chục vết thâm tím khắp phần cẳng chân của Lee Young-guk đã phần nào minh chứng cho những khổ hình mà ông từng trải qua trong trại giam khét tiếng của Triều Tiên.
Đó là chưa kể bộ răng trừ hàm răng giả thì chỉ còn lại 5 hoặc 6 cái là thật, cái thì lung lay, cái lại nứt mẻ. Tất cả là những gì còn sót lại sau khi bị người ta liên tiếp đánh vào đầu bằng báng súng, qua đó mà đôi mắt ông cũng mù lòa.
Lee là vệ sĩ của Chủ tịch Kim Jong Il hơn 10 năm ròng, trước khi vị lãnh đạo này lên nắm chính quyền năm 1994.
Là người đầy tớ trung thành của chế độ, Lee cho biết, ông rời bỏ chức vụ này mà không hề luyến tiếc. Bởi khi rời khỏi Triều Tiên và chứng kiến những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài, ông mới nhận ra mình không phải người tốt cùng lúc vỡ lẽ ra rằng Kim là một kẻ độc tài.
Những bộ xương di động
Ông Lee đã cố gắng để trốn thoát nhưng bị bắt lại khi đang tìm cách đào thoát sang Hàn Quốc rồi bị đưa vào trại giam chính trị tàn bạo khét tiếng là Yodok.
“Nếu bạn là một tù nhân chính trị, thì mục đích của nhà tù Yodok là giết chết bạn”, ông cho biết. Ông nhớ lại lần đầu tiên bước vào trại giam và chứng kiến những bộ xương di động”.
“Nó khắc nghiệt đến nỗi tôi hiếm khi được cho ăn”.
“Điều tồi tệ nhất là người ta không ngừng đánh đập tôi, rồi họ hành quyết tù nhân mỗi tuần một lần và bắt chúng tôi phải chứng kiến. Bạn phải có một tinh thần thép, rồi mọi thứ cứ thế tiếp diễn”.
Trong suốt 5 năm kể từ khi bị bắt tại Trung Quốc, ông được thả tự do vì thái độ hành xử tốt, Lee cho biết, ông sụt đi nửa trọng lượng ban đầu.
Các tù nhân rất yếu ớt vì thiếu ăn, họ hiếm khi có thể ngóc đầu lên nếu cảnh vệ không ra lệnh làm thế. Nếu họ không thể hoàn tất các việc được giao trong ngày thì sẽ không được ăn.
“Rồi bạn sẽ bị bỏ đói, dạ dày trống rỗng, chân và mặt gầy trơ xương. Nhưng họ sẽ không cho bạn ăn, chỉ có chết thôi”.
Lee kể cho về vườn hoa ở Yodok, một từ ẩn dụ mà những người đào tẩu dùng để chỉ các khu mộ tập thể trong trại giam.
“Vườn hoa của Yodok có hàng nghìn thậm chí là hàng chục nghìn xác người trong đó. Xác người chồng chất. Tôi phải lôi họ đi, những thi thể nhầy nhụa, tôi chôn họ ở nơi được chỉ định”.
Giải pháp của Liên Hiệp Quốc
Trong tuần này, thành viên của Ủy ban Thứ Ba thuộc Đại hội đồng LHQ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua kiến nghị do Nhật Bản và châu Âu đệ trình, trong đó đề xuất đưa Triều Tiên ra trước tòa án quốc tế vì tội ác phản nhân loại.
Bản kiến nghị được thông qua sẽ tiếp tục trình lên Đại hội đồng để tiến hành biểu quyết.
Bắc Hàn liên tục phủ nhận sự tồn tại của các trại lao động chính trị và việc vi phạm nhân quyền tại nước này.
Mặc dù thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc trong báo cáo này, nhưng Bắc Triều Tiên thời gian qua cũng đã cho thấy những dấu hiệu nhượng bộ, trong đó có kế hoạch trả tự do cho ba tù nhân người Mỹ.
Tuy nhiên, giới chức LHQ nhận định, Bắc Hàn rõ ràng đang nỗ lực để giảm nhẹ tình tiết tội ác trong bản báo cáo, qua đó ngăn chặn hành động quốc tế.
Ông Lee quả quyết, lãnh đạo Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm cho tội ác chống lại nhân dân của mình.
Ông kể, bản thân ông đã từng gặp Chủ tịch Kim Jong Un lúc còn làm cận vệ cho người cha, khi ấy Kim chỉ mới là đứa trẻ 5 – 6 tuổi.
Giờ Kim đã lên nắm quyền và ông Lee muốn nhìn thấy vị chủ tịch trẻ bị trừng phạt vì những trại lao động hà khắc và tội ác của ông ta.
“Các anh cần phải đưa Kim ra trước Tòa án Quốc tế, điều đó mới có thể khiến những nơi như Yodok biến mất. Lòng tôi đầy oán hận”, ông nói.
Video phỏng vấn ông Lee:
Hàn Mai – Theo CNN