Bài viết đăng tải lên trang facebook cá nhân được cư dân mạng truyền tay nhau rầm rộ bởi sự khác biệt rõ ràng khi mang 25 nghìn đi mua 2 chai xăng ở 2 chỗ, cây xăng Việt Nam và của người Nhật mới mở.
Bài viết chia sẻ như sau:
“Mấy hôm nay thấy rầm rộ vụ Idemitsu q8 mở cây xăng mới. Tối nay rảnh rỗi em đi mua xăng ở xã, về để đứng im trên bàn xong đánh dấu mức xăng, cho lên cân. Đổ hết vào xe.
Em tiếp tục mua ở cây xăng q8 xem thế nào. Về thì vượt vạch e đánh dấu, còn cân thì cũng được thêm 0,02kg.
Xăng ở q8 có màu hơi ánh vàng còn xăng mua ở xã em màu xanh hơn nhé.
Cả 2 cây xăng em đều mua 1 chai, 25kg và là xăng a92
Mọi người cho ý kiến về sự chênh lệch?”
Qua đó, có thể nhận thấy cây xăng ở xã của người này đã gian lận vì giá xăng RON – 92 ở cả 2 cây đều là 17.990 đồng/1 lít nhưng xăng thì ít hơn.
Idemitsu tham gia dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn để được quyền kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm của Idemitsu Q8 tại Nhật Bản cùng với việc các doanh nghiệp FDI đang sở hữu 75% vốn đầu tư vào lọc hóa dầu Nghi Sơn, đó là lợi thế rất lớn để Idemitsu Q8 thiết lập hệ thống bán lẻ xăng dầu quy mô lớn tại Việt Nam.
Khi chuỗi phân phối xăng dầu của Idemitsu Q8 hình thành trong tương lai, hy vọng thị trường phân phối xăng dầu sẽ có cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng hơn hiện nay.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu này các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chưa thể ‘qua mặt’ các công ty trong nước vốn có kênh phân phối rộng như Petrolimex hay PVOil… Petrolimex có 2.500-2.700 cửa hàng xăng dầu ở những vị trí khá tốt trên cả nước.
Nhưng việc Idemitsu áp dụng phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ, cam kết quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01lít… sẽ là ‘làn gió mới’ với đa số người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa thể nói đến cuộc cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu vì giá cơ sở vẫn do nhà nước quyêt, các doanh nghiệp phải bán lẻ xăng dầu xoay quanh giá cơ sở.
Điều đó có nghĩa là giá bán lẻ xăng dầu hiện nay thực chất là giá do nhà nước quy định, chứ không phải do thị trường quyết định. Khi Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu thì các doanh nghiệp FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa.
Nếu thời gian tới cơ chế kinh doanh xăng dầu cho phép cạnh tranh về giá bán lẻ, chính các cửa hàng xăng dầu sẽ quyết định giá bán lẻ xăng dầu thì khi đó, ngay cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng một công ty cũng có thể bán lẻ với giá khác nhau để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường.
Còn hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng dầu chỉ cạnh tranh về phí, nghĩa là giá xăng dầu về cơ bản không đổi, chỉ chênh lệch chút ít về chi phí kinh doanh.
Là người am hiểu sâu về lĩnh vực xăng dầu, TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, nhận định sự có mặt của Q8 trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu đã tạo ra luồng gió mới cho thị trường xăng dầu Việt Nam. Điều này cũng là cơ hội và thách thức cho chính IQ8 và các DN trong nước. Các DN trong nước sẽ cần có những thay đổi để thích ứng với những điều này. Từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn, minh bạch hơn trong mua bán xăng dầu, buộc DN phải thay đổi để tạo niềm tin với người tiêu dùng.
“Yếu tố khiến Idemitsu Q8 thu hút khách hàng chính là chất lượng dịch vụ. Bởi người tiêu dùng Việt Nam thường lăn tăn ba điều: Số lượng cân đong, chất lượng không đảm bảo và cung cách phục vụ không văn minh. Họ đối mặt với nhiều trường hợp cây xăng bị gắn chip, pha trộn xăng kém chất lượng,… Tất cả yếu tố đó khiến người tiêu dùng mất niềm tin” – ông Long dẫn chứng.
Tuy vậy, ông Long cũng cho rằng trong môi trường xăng dầu Việt Nam hiện nay, Idemitsu Q8 sẽ gặp không ít khó khăn trong kinh doanh. Đó là thị trường xăng dầu Việt Nam đang có nhóm DN thống lĩnh nên Nhà nước phải quản lý giá cơ sở. Nhà nước đưa ra giá trần và DN có thể bán thấp hơn hoặc bằng giá trần.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các DN lớn thường nhìn nhau khi điều chỉnh giá, bán giá bằng nhau, tức không có cạnh tranh. “Do vậy, Idemitsu Q8 mở cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho người tiêu dùng và DN Việt.
“Chất lượng xăng dầu của họ chưa được kiểm chứng nhiều nhưng nói đến Nhật Bản là nói đến sự kỷ luật lao động, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, chất lượng đảm bảo” – ông Long nói.
Ngoài ra, ông Long cho biết một cản trở nữa đối với DN ngoại là theo các cam kết thương mại, Việt Nam không cho phép các DN nước ngoài mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Vì xăng dầu được xác định là yếu tố quyết định sống còn đối với một quốc gia.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, khi trao đổi với báo chí cũng khẳng định thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đúng theo bản chất kinh tế thị trường. Chỉ khi nào DN được quyết định giá bán lẻ xăng dầu thì mới tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt thực sự trên thị trường.
Tán đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nhà nước vẫn can thiệp sâu vào thị trường xăng dầu thông qua giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ. Như vậy người tiêu dùng không được lợi, do đó nhà nước cần phải bỏ giá cơ sở để DN toàn quyền quyết định giá bán của mình, nhất là trong bối cảnh có sự tham gia của DN đầu tư nước ngoài. Khi đó thị trường mới có cạnh tranh thực sự và người tiêu dùng mới không bị thua thiệt.
TinhHoa tổng hợp