Vì bảo vệ công lý, một người mẹ vốn là giáo viên đã từng bị sẩy thai, từng phải chia lìa đứa con yêu…Người con cũng vì thế mà trở nên hư hỏng. Nhưng sau muôn trùng gian khổ họ đã được ở bên nhau, cô con gái cũng trở thành học sinh giỏi của trường.
Trong đơn kiện Giang Trạch Dân – cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bà Lý Nham, một giáo viên trung học và cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã miêu tả lại những tra tấn và ngược đãi mà bà đã trải qua trong 6 lần bị bắt giữ và 3 lần bị giam trong các trại lao động cưỡng bức. Nhưng tồi tệ nhất là việc bà phải xa rời cô con gái của mình trong phần lớn thời thơ ấu của cô bé.
Mẹ và con gái phải chia lìa
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, bà Lý Nham, 39 tuổi, đã tới Quảng trường Thiên An Môn để lên tiếng vì công lý và đã bị bắt giữ. Bà bị buộc thôi việc giảng dạy tại trường và bị điều xuống làm ở thư viện.
Bà đã tới Quảng trường Thiên An Môn lần nữa để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 1/1/2000. Khi bà giúp một học viên khác giữ băng rôn, một cảnh sát đã đánh bà ngã xuống đất. Khi viên cảnh sát định dẫm vào bụng bà, bà kêu lên: “Tôi đang mang thai!”.
Bà Lý bị giam giữ tại trại tạm giam Phong Đài ở Bắc Kinh trong 7 ngày. Căn phòng chật cứng các học viên Pháp Luân Công đến mức khó mà xoay người được. Việc bà mang thai trong hoàn cảnh đặc biệt khủng khiếp như vậy khiến bà đã không thể giữ được đứa con trong bụng.
Lần thứ hai bà bị bắt vào tháng 3/2001 vì phát tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại tại nơi ở của bà – khu dân cư của Tổng Cục Hậu cần Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Ngay cả khi bà đang mang thai 6 tháng, bà vẫn bị đuổi khỏi nơi cư ngụ của mình. Chồng bà và bố chồng bị khiển trách, và hành vi kỷ luật đã được ghi vào lý lịch vĩnh viễn của họ.
Trường học của bà Lý thu xếp cho bà ở trong khu ký túc xá. Theo yêu cầu của chính quyền, trường học đã cử một giáo viên để theo dõi bà cả ngày. Các nhân viên bảo vệ không cho phép bà rời khỏi nơi ở. Bà phản ánh về việc bị giam lỏng tại nhà khiến bà rất khó khăn trong tình trạng mang thai nhưng tình hình không có gì thay đổi.
Khi bà Lý bị bắt lần nữa vào ngày 28/4/2005, con gái bà đã bị mang đi. Cô gái nhỏ vẫn chưa đầy 4 tuổi liên tục quay lại nhìn mẹ sau mỗi bước khi bé bị kéo đưa đi. Bà Lý sẽ không bao giờ quên được ánh mắt đau khổ, bất lực của cô con gái nhỏ.
Bà Lý bị giam giữ trong một trại lao động cưỡng bức trong 2 năm sau đó.
Khi con gái bà lên 6 tuổi, họ được đoàn tụ, nhưng lại bị chia cắt 1 năm sau đó: Bà Lý lại bị bắt vào tháng 6/2008 và bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức trong 2,5 năm.
Bà bị tra tấn tàn bạo trong trại lao động cưỡng bức. Sau khi được thả ra vào tháng 12/2010, bà thường bị mất tập trung trong giây lát. Cô con gái lúc đó 9 tuổi, đã phải vẫy tay bé nhỏ của mình trước mắt mẹ để giúp mẹ tập trung trở lại.
Bà mẹ và cô con gái lại bị chia cắt lần nữa vào tháng 3/2012 khi bà Lý bị bắt vào trại lao động cưỡng bức lần thứ ba.
Cô con gái đã thay đổi
Bố của bà Lý đã chăm sóc con gái của bà khi bà ở trong trại lao động cưỡng bức.
Gia đình tan vỡ là một sự mất mát đối với cô con gái nhỏ. Cô bé bị điểm kém ở trường và không chịu nghe lời người lớn. Ông em sợ phải nghe điện thoại gọi đến từ trường học, vì các giáo viên liên tục gọi ông để thông báo các vấn đề của em ở trường.
Sau khi được trả tự do vào tháng 7/2013, bà Lý đã cố gắng gây dựng lại mối quan hệ với con gái và giúp cô bé lấy lại thái độ tích cực. Bà đã thể hiện sự tin tưởng ở con gái và chia sẻ những suy nghĩ của mình với con. Trong những việc thường ngày, chẳng hạn như việc học hành, ăn uống cho đúng cách, và cả thái độ ứng xử, bà nói với cô bé bà sẽ làm gì nếu chiểu theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.
Cùng với thời gian, cô bé đã thay đổi. Cô bé đã nghiêm chỉnh học hành và điểm số của em được cải thiện. Trong vòng 3 tháng sau đó, cô bé đã từ vị trí thứ 10 vươn lên vị trí thứ 4 của lớp, và tiếp đó là đứng đầu lớp, sau đó là đứng đầu khối! Trên khắp các bức tường quanh nhà họ là những phần thưởng cho thành tích của cô bé ở trường trong vòng 2 năm qua.
Cô bé đã biết nghĩ cho người khác trước. Cô bé để người lớn tuổi ăn trước, tự chăm sóc bản thân và không đòi hỏi thứ gì phung phí. Cô bé cũng giúp mẹ trong khả năng của mình.
Bị tra tấn trong các trại lao động cưỡng bức
Bà Lý phải làm việc nặng nhọc trong trại lao động cưỡng bức đầu tiên.
Bà bị tra tấn nặng nề và bị sỉ nhục khi bà bị giam giữ trong một trại lao động cưỡng bức lần thứ hai. Các lính canh không cho bà quần áo ấm mặc trong thời tiết lạnh, để mặc bà run rẩy trong một chiếc áo sơ mi duy nhất. Khi bà bị tìm thấy những quần áo ấm đã rách để mặc, các lính canh đã buộc bà phải cởi ra và bà phải đứng suốt đêm.
Vào mùa hè, các lính canh mở cửa sổ để cho muỗi bay vào đốt bà Lý và các học viên khác. Họ cũng buộc bà phải ngồi trên một cái ghế cao 18h mỗi ngày trong nhiều ngày ở một căn phòng có nhiệt độ là 104 độ F (tương đương 40°C).
Các lính canh nữ lột quần áo của bà và bình phẩm tục tĩu hằng ngày mỗi khi họ kiểm tra phòng giam của bà.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này. Ở các nước khác, người dân cũng ký tên ủng hộ đưa Giang ra công lý.
Theo Minhhue.net