Tinh Hoa

Sự bạo chi toàn cầu của Trung Quốc đang gặp phải những phản ứng dữ dội

Số tiền đầu tư kỷ lục của Trung Quốc chi ra để thâu tóm các công ty nước ngoài đang gặp phải trở ngại. Hàng loạt thương vụ liên doanh với các nước như Mỹ, Anh, Đức, Úc trong thời gian gần đây đã bị hủy vì những mối lo ngại an ninh quốc gia.

Gần đây nhất, ngày 11/8, Úc từ chối nhà thầu Trung Quốc mua cổ phần công ty điện lưới lớn nhất nước này vì lo ngại an ninh quốc gia. (Ảnh: BBC)

Từ các quốc gia như Mỹ đến Anh, Đức, Úc, sự đề phòng đang gia tăng đối với những nỗ lực mua lại hoặc đầu tư vào các dự án hệ thống lưới điện, nhà máy hạt nhân, lưu trữ dữ liệu và công nghệ robot của các công ty Trung Quốc, thường được nhà nước hậu thuẫn.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang chi tiền vào những thương vụ nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết, và giới chính trị gia phương Tây đang lo lắng về những tác động tiềm ẩn của các giao dịch với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Nguy cơ an ninh quốc gia ngày càng cao vốn đã nằm trong sự tiên liệu của chúng ta khi nói về các nhà đầu tư Trung Quốc”, Ke Geng, một đối tác của công ty luật O’Melveny & Myers, người tư vấn cho các công ty Trung Quốc đầu tư nước ngoài nói. “Nó cũng được kết nối với môi trường chính trị quốc tế”.

Mới đây (11/8), chính phủ Úc đã từ chối thương vụ đấu thầu của công ty điện lực nhà nước Trung Quốc và một công ty Hồng Kông muốn kiểm soát công ty điện lưới lớn nhất nước này vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Việc đó xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính phủ Anh bất ngờ tuyên bố sẽ xem xét lại kế hoạch cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 24 tỷ USD sử dụng nguồn vốn vay từ Trung Quốc.

Một cố vấn cao cấp của tân Thủ tướng Anh Theresa May trước đó đã cảnh báo phản đối việc “cho phép một nhà nước không thân thiện dễ dàng xâm nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia”, điều này cho thấy các mối lo ngại an ninh đứng đằng sau sự xem xét đó.

Tuy nhiên, các quyết định trên không được Bắc Kinh chấp thuận, họ cáo buộc Úc thi hành chính sách bảo hộ và cảnh báo Anh rằng mối quan hệ song phương này có thể rơi vào tình cảnh bấp bênh vì dự án hạt nhân vừa qua.

Dự án nhà máy điện hạt nhân ở Anh. (Ảnh: EDF)

Một bài báo của hãng tin Tân Hoa Xã tại Trung Quốc còn cho biết, “Việc Trung Quốc cố gắng thâu tóm mạng lưới điện của các nước cho động cơ kín đáo là vô lý và gần như hài hước, vì các doanh nghiệp nước này đã được công nhận rộng rãi trên thế giới rằng luôn xem uy tín kinh doanh rất quan trọng trong bất kỳ hoạt động nào của công ty”.

Tại Hoa Kỳ, những thương vụ lớn của Trung Quốc cũng được theo dõi sát sao. Công ty lưu trữ dữ liệu Western Digital cho biết, trong tháng 2 họ đã hủy bỏ dự án trị giá 3,8 tỷ USD từ một công ty Trung Quốc vì Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ quyết định điều tra thương vụ này.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng kêu gọi các ủy ban thăm dò việc Trung Quốc thâu tóm Sở giao dịch chứng khoán Chicago và thương vụ lớn nhất của Trung Quốc tại nước ngoài, chi 43 tỷ USD để mua lại công ty hạt giống và thuốc trừ sâu toàn cầu Syngenta (SYENF).

Trong khi đó, sự tiếp quản công ty robot Kuka, Đức của công ty sản xuất thiết bị Trung Quốc Midea đã góp phần kêu gọi châu Âu ra các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đáp trả những làn sóng đầu tư của Trung Quốc.

Những căng thẳng leo thang đến từ các thương vụ lớn chủ yếu liên quan đến việc gia tăng các thương vụ làm ăn với Trung Quốc

“Nếu có nhiều thương vụ hơn, nghĩa là có nhiều giao dịch hơn sẽ phải vượt qua sự đánh giá an ninh quốc gia, và nhiều thương vụ hơn nữa bị chặn bởi các chính phủ”, Geng nói.

Tuy nhiên, ông và những người khác không mong muốn các công ty Trung Quốc bị hoãn lại bởi những khó khăn mà một số người đã phải gánh chịu.

“Tôi không nghĩ rằng những chướng ngại này sẽ ngăn chặn nỗ lực của họ trong tương lai”, Chen Lin, một giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông cho biết. “Đầu tư ra nước ngoài là một xu hướng đang diễn ra, không chỉ đối với doanh nghiệp nhà nước, bạn có thể thấy ngày càng có nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc đang cố gắng để giành được các dự án nước ngoài”.

“Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng thường biết rõ những thử thách mà họ có thể phải đối mặt để hoàn thành giao dịch, trong đó những đánh giá an ninh quốc gia là mối lo ngại hàng đầu của họ”, theo Geng.

Ông cho biết họ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách lên kế hoạch trước cho những sự phản đối có thể phát sinh. “Nếu những vấn đề đó được giải quyết thỏa đáng, họ vẫn có thể thành công trong các giao dịch”.

Theo CNN Money