Cả thế giới lại được thưởng lãm mọi góc độ của hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, qua những hình ảnh 360 độ tuyệt đẹp mà tạp chí National Geographic (NatGeo) vừa giới thiệu rạng sáng 21/5.
Với phóng sự ảnh Fly through a colossal cave: Son Doong in 360º (Bay xuyên qua một hang động khổng lồ: Sơn Đoòng 360 độ), tạp chí National Geographic muốn tái dựng một phiên bản điện tử của hang Sơn Đoòng, để bất cứ độc giả nào cũng có cơ hội khám phá hang động lớn nhất thế giới tại Quảng Bình, Việt Nam. Như thể họ có mặt ở đó và trực tiếp trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của Sơn Đoòng.
Son Doong in 360º khởi đầu bằng hình ảnh con sông dẫn vào hang Sơn Đoòng. Trên màn hình vi tính, phía dưới là thanh công cụ với các chức năng phóng to, thu nhỏ, trang chủ, âm thanh, giấu bản đồ…
Tất cả các bức ảnh của Son Doong in 360º đều có dung lượng rất lớn, do đó độc giả hoàn toàn có thể phóng to chúng để xem từng chi tiết. Ngoài ra, độc giả cũng có thể dùng chuột (hoặc màn hình cảm ứng) để xoay ảnh tròn 360º. Ngoài hình ảnh, độc giả còn có thể nghe thấy những âm thanh của rừng núi như tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc…
Vẻ đẹp nín thở
Đi kèm các bức ảnh chụp đường vào hang Sơn Đoòng là thông tin giới thiệu sơ lược về hang động hùng vĩ nằm trong công viên quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ước tính chiều dài của hệ thống hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng lên tới hơn 200km. Cửa vào hang Sơn Đoòng là một dốc thoải trơn trượt chui vào bóng tối.
Rừng cây trong hang động
Điều thú vị là từ bức ảnh chụp cánh đồng đá vôi, chúng ta có thể nghe thấy bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên.
Có lẽ khó có thể tìm thấy những lời thơ ý nhạc nào phù hợp hơn với vẻ đẹp kỳ vĩ, phi thường ở miền Trung đất nước Việt Nam. Rõ ràng National Geographic đã rất tinh tế và công phu khi thực hiện phóng sự ảnh này.
Tiếp theo đó là khu vực thấp hơn, tối hơn của hang Sơn Đoòng. Từ đây, các nhà thám hiểm buộc phải dùng hệ thống đèn công suất cao để di chuyển, nếu không sẽ chìm hoàn toàn trong bóng tối. Thiếu ánh sáng, một số loại bọ đã phải tự thích nghi. Các nhà thám hiểm đã quan sát thấy một loài mối mới ở đây.
Phóng sự ảnh Son Doong in 360º là tác phẩm của nhà báo – phóng viên ảnh Thụy Điển Martin Edstrom và các đồng nghiệp của anh.
Edstrom là phó chủ tịch tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) ở Thụy Điển. Anh nổi tiếng với các phóng sự ảnh 360º về môi trường cũng như các di sản văn hóa và tự nhiên. Anh đã cùng các cộng sự đến Phong Nha, Quảng Bình để thực hiện dự án này hồi cuối tháng 1-2015.
Theo tuoitre.vn