Thiếu nước, hàng chục ngàn mét vuông rừng phòng hộ ven biển thuộc thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) bị chết khô, dự kiến phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục. Người dân nói do thi công đê biển nên nước không vào được rừng, lãnh đạo khẳng định làm đúng kế hoạch, không sai…
Trao đổi với phóng viên ngày 10/5, ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng rừng phòng hộ ven biển bị chết.
Diện tích rừng bị chết chủ yếu ở khu vực đất gò, chỗ tiếp giáp nước đầu vào của hai đầu cống không đủ nước, hệ thống kênh dẫn nước bị bồi lắng. “Đặc biệt năm nay hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn gay gắt dẫn đến thiếu nước, khiến một số diện tích rừng bị chết”, ông Thắng lý giải.
“Hiện chúng tôi đã mở cống số 16 để lấy nước cứu rừng”, ông Thắng nói và cho biết sau khi lấy nước cứu rừng, thị xã sẽ bàn với ngành nông nghiệp chọn thời điểm thích hợp để trồng mới, khôi phục diện tích rừng đã thiệt hại.
Rừng chết do thi công đê biển?
Trao đổi với phóng viên, một người dân ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) cho biết, đây là lần đầu tiên rừng phòng hộ bị chết khô. Mùa khô năm nay, cả nước sông và nước biển đều không lên đến gốc rừng, làm cho đất dưới gốc cây bị khô.
Cụ thể, người này cho biết từ năm 2017 trở về trước, khu vực này rừng phát triển tốt, có cây con tái sinh do có nước biển dẫn lên thông qua rạch Hồ Bể – Giồng Chùa và cống Năm Đoàn.
Tuy nhiên, từ khi thi công công trình nâng cấp đê biển, đắp đập ngang rạch Hồ Bể – Giồng Chùa và xây dựng lại cống Năm Đoàn vào năm 2017, nước biển không vào được rừng. Nguồn nước được dẫn lên từ phía sông Mỹ Thanh, thông qua kênh Giồng Chùa không đủ nước để cấp cho khu vực rừng này.
Trước nhận định của người dân, trả lời câu hỏi có phải do thi công đê biển, bí đường thoát nước, làm rừng phòng hộ chết khô, ông Thắng cho biết công trình trên đã thi công được 3 năm, đúng hồ sơ thiết kế nên không có chuyện này.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, khu vực có rừng bị chết nằm ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, chủ yếu là cây đước. Trước mắt đã thống kê có ít nhất 15.000m2 rừng phòng hộ bị chết khô. Tuy nhiên, còn nhiều rất nhiều rừng đước khác cũng đang chết khô dần, chưa đo đếm được.
Để khắc phục, ông Trần Hoàng Thắng cho biết sẽ sớm có buổi làm việc với ngành nông nghiệp thống nhất trong khâu quản lý, đầu tư và vận hành hệ thống thủy lợi. “Đất rừng do chi cục kiểm lâm quản lý, còn kênh rạch thì do địa phương. Chúng tôi phải thống nhất để có kế hoạch đầu tư thủy lợi, không để chuyện rừng phòng hộ bị chết như đã xảy ra”, ông Thắng cho hay.
Vũ Tuấn (t/h)