Tinh Hoa

Sợ Trung Quốc động thủ, Triều Tiên tăng cường hoạt động gián điệp

Ngày 11/09 vừa qua, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Điều đó đã khiến mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh càng trở nên căng thẳng.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã xuất hiện những rạn nứt. (Ảnh: Dailystar)

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/09 đã thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo với tỷ lệ 15 ủng hộ – 0 phản đối. Lệnh trừng phạt thứ 9 này cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, cấm thuê lao động Triều Tiên mới tại nước ngoài.

Triều Tiên được phép nhập khẩu dầu thô với hạn mức 4 triệu thùng một năm, các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức 2 triệu thùng. Các chuyên gia đánh giá động thái trên sẽ góp phần làm giảm 30% lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên.

Trước đó vào ngày 05/08, Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua lệnh trừng phạt, cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Bình Nhưỡng không được phép tăng số lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài. Ngoài ra, các dự án hợp tác làm ăn mới hoặc đầu tư thêm vào các dự án làm ăn đã có với Triều Tiên cũng bị cấm. Trung Quốc cũng tán thành.

Trong cả hai lệnh trừng phạt trên, Trung Quốc đều bỏ phiếu tán thành, chính điều này đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng. Ngày 08/08 lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đánh mất lương tâm, và cũng uy hiếp rằng vì điều này mà Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá thê thảm đau đớn.

Ngày 03/09, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc tại Hạ Môn Trung Quốc, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 6. Ngoại giới cho rằng ý đồ của Kim Jong-un rõ ràng là nhắm vào ông Tập Cận Bình.

Ngoại giới quan sát phát hiện, kể từ khi nhậm chức ông Tập Cận Bình luôn giữ khoảng cách đối với Triều Tiên. Mặc dù Kim Jong-un đã vài lần tỏ ý muốn đến thăm Trung Quốc nhưng đều bị từ chối. Bắt đầu từ 2016 đến nay, trong hai lần quốc khánh của Triều Tiên liên tiếp, ông Tập Cận Bình không gửi điện tín chúc mừng, mối quan hệ Trung – Triều đã xuất hiện những vết “rạn nứt”.

Cùng với đó là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang ngày càng phức tạp và căng thẳng, làm gia tăng mối nguy hiểm cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí cả thế giới. Chính vì thế ngoại giới cho rằng Trung Quốc có thể sẽ động thủ với Triều Tiên.

Ngày 12/09, chuyên gia quân sự Nga Vasiliy Kashin đưa ra đánh giá rằng, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ động thủ để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Vasiliy kashin cho biết, trong mắt rất nhiều các nhà quan sát, Trung Quốc vẫn là “Lão đại” của Triều Tiên, và cho rằng Triều Tiên chỉ là tức thời biểu hiện “không nghe lời”, nhưng trên thực tế mối quan hệ giữa Trung – Triều từ lâu đã chuyển biến xấu.

Kim Jong-un biết rõ rằng, ông Tập Cận Bình không thích chính quyền Triều Tiên hiện tại, vì thế luôn nghi ngờ Bắc Kinh sẽ tiến hành đảo chính Bình Nhưỡng, đưa phe thân Trung Quốc lên thay thế. Vì thế chỉ cần hoài nghi ai có quan hệ thân thiết với chính quyền Trung Quốc, Kim Jong-un sẽ lập tức liệt vào thành phần vô cùng nguy hiểm, và diệt trừ tận gốc, một trong đó chính là ông Jang Song-thaek, người chú rể đã bị xử quyết của Kim Jong-un.

Để phòng tránh việc Trung Quốc động thủ với Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã tiến hành hoạt động gián điệp với quy mô lớn tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, và cũng tìm cách ngăn cản hoạt động tình báo của Trung Quốc.

Lê Hiếu biên dịch