Tinh Hoa

Số phận trái ngược của tượng 12 con giáp ở Việt Nam và các nước bạn

Cùng là bộ tượng mô phỏng 12 con giáp, nhưng nếu như tác phẩm tại Đồ Sơn (Việt Nam) phải nhận lấy nhiều lời gièm pha, phản ánh, vì hình ảnh nhạy cảm, thì những tác phẩm khác trên thế giới lại hết sức được khen ngợi, trân trọng vì phong thái xuất thần.

Những bức tượng mô phỏng 12 con giáp buộc phải “mặc quần” một cách buồn cười vì quá dung tục. (Ảnh: Kênh 14)

Chùa Huỳnh Đại Tiên – Hong Kong

Chùa Huỳnh Đại Tiên (Wong Tai Sin hay Sik Sik Yuen temple) không chỉ được mọi người biết đến bởi quy mô xây dựng rộng lớn lên đến 18.000m2, quần thể kiến trúc độc đáo và sự linh thiêng, mà nó còn nổi tiếng với loạt tượng 12 con giáp vô cùng ấn tượng được đặt ngay trước cổng chùa.

Những bức tượng này được chế tác bằng đồng, mang nét mặt nghiêm nghị của đấng anh hào. Chúng được khoác lên mình những bộ quần áo cổ trang phỏng theo hình tượng các bậc nho sinh, tướng quân tài ba.

Tác phẩm này được xem là sự pha trộn văn hóa của 3 tông giáo chính được chùa Huỳnh Đại Tiên tôn thờ là: Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Tượng được bày ở khoảng sân trước của chùa thu hút nhiều khách tham quan.

Công viên Cửu Hoa Sơn – Trung Quốc

Khi ghé thăm công viên Cửu Hoa Sơn nằm tại Nam Kinh, Trung Quốc, du khách sẽ có cơ hội nhìn ngắm toàn bộ thành phố từ trên cao vô cùng đẹp mắt và hít thở không khí trong lành. Đồng thời, bạn còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 12 bức tượng về 12 con giáp được xem là linh vật của đất trời.

Mang biểu cảm khác nhau, những bức tượng tại Cửu Hoa Sơn đã được ngợi khen hết lời bởi phong thái xuất thần, đĩnh đạc.

Tác phẩm “Circle of Animals: Zodiac Heads”

Chủ nhân của tác phẩm nghệ thuật đình đám này chính là Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ đương đại. Đồng thời, ông còn là nhà kiến trúc sư tài ba, nhà tổ chức triển lãm và cũng là một nhà hoạt động xã hội danh tiếng tại Trung Quốc.

Tác phẩm “Circle of Animals: Zodiac Heads” chính là một phiên bản mới của bộ tượng đầu 12 con giáp từng được làm biểu tượng trang trí cho chiếc đồng hồ nước nổi tiếng ở vườn Viên Minh, một khu nghỉ dưỡng hoàng gia ở Bắc Kinh.

12 đầu tượng nguyên bản được hai tông đồ Thiên Chúa giáo người châu Âu thiết kế vào thế kỷ 18, khi đang phục vụ tại triều đình Mãn Thanh dưới quyền hoàng đế Càn Long.

Tuy nhiên, đến năm 1860 vườn Viên Minh bị quân Anh – Pháp đánh phá và cướp đi các tượng linh thú, sau cùng chỉ còn lại 7 chiếc. Dù vậy, Ngải Vị Vị  quyết định trưng ra đủ mười hai đầu tượng, vì ông cho rằng với 7 tượng linh thú thì không thể tạo thành vòng tròn hoàng đạo toàn vẹn.

Suốt thời gian qua, “Circle of Animals: Zodiac Heads” đã được trưng bày tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến những địa điểm nổi tiếng như: Đài phun nước Pultitzer (New York), Somerset House (London), Sao Paolo Biennale (Brazil).

Khách tham quan thích thú với bộ tượng đầu 12 con giáp được trưng bày tại Somerset House (London).

Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, Ngải Vị Vị còn tham gia điều tra tham nhũng và các hoạt động ngầm của chính phủ Trung Quốc. Ông thường xuyên lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền, và công việc của ông là phơi bày chúng ra cho cả thế giới. Với những việc làm này, ông trở thành cái gai trong mắt Đảng cộng sản Trung Quốc.

Vài năm gần đây, tất cả những tác phẩm của Ngải Vị Vị đều chú trọng vào sự tự do và quyền con người, sự áp bức và những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Với quan điểm “nghệ thuật là phản kháng”, ông đã thực sự thành công trong việc phá bỏ mọi rào cản của nghệ thuật, và biến nó thành một hình thức kết nối toàn cầu.

 

 

Uniwriter