Số người thiệt mạng trong đợt nắng nóng kéo dài ba ngày qua ở miền nam nước này đã lên đến gần 700, và tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại nhiều bệnh viện, giới chức Pakistan cho biết.
Phần lớn người thiệt mạng sinh sống ở thành phố cảng Karachi, cửa ngõ kinh tế với khoảng 20 triệu dân của Pakistan và là thủ phủ tỉnh Sindh. Nhiệt độ nơi đây vào cuối tuần qua là 45 độ C, AFP dẫn lời Sabir Memon, quan chức y tế tỉnh cấp cao cho biết.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif kêu gọi Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) có biện pháp khẩn cấp sau khi số người chết do nắng nóng tăng lên gần 700.
Tại thành phố Karachi, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận hôm Thứ Bảy (20/6) lên tới 45 độ C, chỉ thấp hơn mức kỷ lục 47 độ C được ghi nhân tháng 6/1979 một chút.
Quân đội Pakistan được điều động để thiết lập các trung tâm đối phó sốc nhiệt và hỗ trợ NDMA.
Semi Jamali, bác sĩ tại bệnh viện lớn nhất ở Karachi, cho biết, họ đã điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân, hơn 200 người trong số này đã chết trước và sau khi nhập viện.
Phần lớn nạn nhân là người lớn tuổi trong các gia đình có thu nhập thấp.
Đợt nắng nóng tại quốc gia gần 200 triệu dân này, phần lớn theo đạo Hồi, diễn ra vào thời điểm bắt đầu tháng Ramadan. Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo sẽ không ăn hay uống trong khoảng thời gian từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.
Tình trạng thiếu điện còn ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp nước tại Karachi, khiến hàng triệu lít nước không thể đến tay người dân, cơ quan nước quốc gia cho biết.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều nơi trong thành phố Karachi. Một số người đổ lỗi cho chính phủ và K-Electric, đơn vị cấp điện chính cho Karachi, vì không ngăn được số người chết gia tăng.
Chính quyền tỉnh Sindh thông báo một ngày nghỉ lễ để khuyến khích người dân ở trong nhà, một quan chức nói. Phần lớn nạn nhân là người lao động làm việc ngoài trời.
Ấn Độ, quốc gia láng giềng của Pakistan, gần đây cũng hứng chịu đợt nắng nóng dữ dội làm hơn 2.000 người chết.
Dưới đây là một số hình ảnh người Pakistan ứng phó với nắng nóng bất thường:
Theo VNE