Tinh Hoa

Số người mắc “dịch viêm phổi” tăng đột ngột tại TQ, Bộ y tế Việt Nam siết chặt cửa khẩu

Tính đến ngày 5/1, Ủy ban Y tế sức khỏe thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) xác nhận đã có tổng cộng có 59 trường hợp bị mắc phải “dịch viêm phổi” không rõ nguyên nhân tại thành phố này, trong đó 7 người trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, vào ngày 3/1 xác nhận mới chỉ có 27 trường hợp mắc bệnh, ngoài ra 163 người đã tiếp xúc với các bệnh nhân cũng đang được theo dõi.

Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 3/1/2020 vừa qua, Cục Y tế dự phòng Việt Nam đã có công văn 02/DP-DT về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh lan truyền qua cửa khẩu.

Đồng thời, tăng cường thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh truyền nhiễm; phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có), cách ly và xử lý kịp thời.

Chợ hải sản Hoa Nam (Trung Quốc) – nơi có tới 59 người bán hàng bị nhiễm viêm phổi do virus. (Ảnh: SCMP.)

Cùng ngày, tại Singapore, bắt đầu từ tối 3/1, việc kiểm tra nhiệt độ bắt buộc sẽ được thực hiện tại sân bay Changi với tất cả hành khách đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Các trường hợp nghi viêm phổi nếu họ trở về từ Vũ Hán trong vòng 14 ngày qua đều nằm trong diện theo dõi như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.

Tại các sân bay ở Hong Kong và Đài Loan, các biện pháp sàng lọc được thiết lập ngay tại sân bay nhằm sàng lọc những người nhập cảnh tới từ Trung Quốc lục địa. Hệ thống kiểm soát thân nhiệt được lắp đặt tại các sân bay lớn tại Hong Kong và Đài Loan nhằm phát hiện người có nhiệt độ cao, cần được kiểm tra y tế kỹ càng hơn. Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hong Kong ghi nhận 14 trường hợp nghi mắc bệnh viêm phổi lạ và tất cả đều từng đến Vũ Hán.

Tương tự, tờ Bangkok Post ngày 5/1 đưa tin, Thái Lan đã triển khai máy quét thân nhiệt tất cả hành khách từ Vũ Hán, Trung Quốc hạ cánh xuống các sân bay Suvarnabhumi, Don Mueang, Phuket và Chiang Mai.

Máy quét nhiệt tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan, để kiểm tra hành khách từ Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh qua Bangkok Post)

Theo thông tin, dịch bệnh được phát hiện từ tháng 12/2019, hầu hết người mắc “dịch viêm phổi” đều là chủ quầy hàng buôn bán tại chợ hải sản Hoa Nam – Vũ Hán (Trung Quốc). Được biết, ngoài buôn bán hải sản, chợ Hoa Nam còn buôn bán gia cầm, chim trĩ, rắn, thịt thỏ và động vật hoang dã. Đến ngày 1/1/2020 chợ đã được thông báo đóng cửa với lý do ‘tu sửa’ và ‘vệ sinh môi trường’.

Trước đó, vào ngày 31/12/2020, Trung Quốc đã tiến hành điều tra nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh viêm phổi lạ. Theo đó, các cơ quan quản lý y tế Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc khẳng định, sự bùng phát dịch viêm phổi ở địa phương này không phải là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc cúm gia cầm.

Bệnh nhân trong đại dịch SARS được điều trị tại bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). (Ảnh qua tienphong.vn)

Năm 2002, dịch SARS lần đầu tiên bùng phát ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11. Tuy nhiên, phải đến ngày 26/3/2003, khi không thể kiểm soát nổi dịch bệnh và số người chết gia tăng, chính quyền Bắc Kinh mới chính thức thông báo có dịch. Sau đó, dịch bệnh này đã lây lan ra 32 quốc gia với hơn 8.000 người mắc trên toàn thế giới. 

Chỉ tính riêng tại Trung Quốc có 5.300 người nhiễm bệnh 349 người tử vong, tại Hong Kong có 1.750 người mắc bệnh và 299 tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào lúc đó đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đánh giá thấp số ca mắc SARS sau khi dịch bệnh bùng phát.

Hiện Trung Quốc đang là tiêu điểm chú ý về nỗ lực phát hiện, kiểm soát và phòng ngừa bệnh phổi bí ẩn này. Nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, các địa phương tại Trung Quốc đã ghi nhận một số dịch bệnh mới, nguy hiểm như cúm A (H7N9), dịch hạch và mới đây là viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi cũng bắt nguồn từ Trung Quốc.

Từ Nguyên (t/h)

Bài liên quan: