Theo tạp chí quốc phòng Breaking Defense của Mỹ, do lo sợ Nga sẽ tấn công các nước Baltic, NATO đang chuẩn bị rất nhiều biện pháp để phòng thủ trong bối cảnh tình hình ở Ukraine vẫn đang căng thẳng.
Đại tá Michael Foster, Chỉ huy Lữ đoàn dù 173 của quân đội Mỹ đóng quân ở Italy, cho hay: “Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc về cách đối phó trong trường hợp Nga có những hành động khiêu khích…Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có sẵn một kế hoạch tốt. Tuy nhiên, tôi không được phép tiết lộ kế hoạch này”. Ông cho biết thêm rằng, nếu quân đội NATO bị rơi vào Điều 5 của Hiệp ước NATO thì họ sẽ hành động liên minh và không nhất thiết phải gồm đủ 28 thành viên. Điều 5 quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên cũng sẽ bị cho là tấn công vào cả liên minh.
Trong khi đó, những quốc gia nhỏ gần Nga đang muốn quân đội Mỹ đóng quân trên đất nước họ hơn là nghe những đánh giá từ Mỹ về ý định của Nga. Để trấn an và gìn giữ hòa bình châu Âu, NATO đã mở rộng triển khai Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương từ đầu mùa hè năm 2014. Ông Foster cho hay: “Từ mùa hè vừa qua, bạn có thể thấy rất rõ một chiến dịch kéo dài từ khu vực biển Baltic tới Biển Đen”. Sư đoàn Bộ binh số 3 ở căn cứ quân sự Fort Stewart tại bang Georgia cũng được triển khai để tăng cường cho Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương. Ông cho biết sẽ tiếp tục triển khai quân đến Ba Lan và các nước Baltic. Hôm 4/3, Mỹ và Ba Lan đã bắt đầu cuộc diễn tập bắn đạn thật nằm trong chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương ở Drawsko Pomorskie, miền Bắc Ba Lan.
Tham gia cuộc tập trận là các binh sĩ thuộc Sư đoàn Cơ giới số 12 của Ba Lan và 550 binh sĩ thuộc Trung đoàn Thập tự chinh số 2 thuộc Lục quân Mỹ đóng tại Đức, cùng nhiều thiết bị quân sự khác. Hồi tháng Hai, Mỹ và Lithuania, một trong ba nước Baltic, cũng đã tổ chức cuộc tập trận quân sự với sự có mặt của khoảng 250 binh sỹ Mỹ đang triển khai tại đây cùng với xe tăng chủ lực chiến trường M1 và nhiều xe chiến đấu khác. Các cuộc tập trận thuộc “Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương” dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng trong khu vực. Ngoài ra, NATO còn thực hiện một chiến dịch mới mang tên “Giải Pháp Bắc Đại Tây Dương”, triển khai quân ở Bulgari, Romania, và các quốc gia có “nguy cơ” khác như Cộng hòa Séc, Hungary, và thậm chí Georgia. Georgia là quốc gia nhạy cảm nhất trong danh sách vì đó không phải là thành viên của NATO và gần đây có xung đột với Nga.
Breaking Defense cho hay, đối với Ukraine, quốc gia không phải thành viên NATO và hiện đang có chiến tranh với Nga, Mỹ sẽ triển khai một đội quân tới để huấn luyện các lực lượng địa phương của nước này. Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan cho biết Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự dọc sườn phía Đông của NATO ít nhất là tới cuối năm 2015. Bên cạnh đó, hiện hầu hết các nước NATO đều có một dạng lực lượng có thể triển khai nhanh chóng và NATO có thể kết hợp những lực lượng này thành một lực lượng phản ứng khủng hoảng nhanh và lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, ông Foster cho hay, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho nhiệm vụ này. Năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales đã cho ra đời “Lực lượng phản ứng nhanh NATO” nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trước đó, hôm 24/2, NATO cũng khiến Nga tức giận khi duyệt binh tại thị trấn Narva của Estonia, cách biên giới Nga chỉ vài trăm mét. Trong cuộc duyệt binh này, NATO đã phô diễn tới hơn 140 thiết bị quân sự, bao gồm 4 xe bọc thép chở quân M1126 Stryker của Mỹ. Hà Lan cũng tham dự với 4 xe chiến đấu Stridsfordon 90. Ngoài ra, tiếp theo Anh và Mỹ, nhiều quốc gia thành viên NATO cũng tiếp tục liên tiếng về khả năng sẽ điều quân đến Ukraine, dù chỉ tuyên bố là nhằm huấn luyện cho quân đội nước này. Hồi cuối tháng 2/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Jason Kenney tuyên bố đang xem xét việc cùng với Mỹ gửi quân tới huấn luyện các binh sĩ Ukraine. Hôm 25/2, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu tướng Philip Breedlove cho hay, Lầu Năm Góc đã đề xuất một loạt vũ khí từ vũ khí hạng nhẹ đến những loại vũ khí tinh vi hơn theo yêu cầu của Ukraine. Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tạp chí Breaking Defense của Mỹ, chuyên đưa tin, bình luận về quốc phòng, các loại vũ khí. Tạp chí mới được thành lập vào năm 2011. PHẠM KHÁNH (Tổng hợp) |
Theo Infonet