Các nhà khoa học cho rằng thuốc trừ sâu họ Neonicotinoid là nguyên nhân chủ quan đang gây giảm số lượng ong trên toàn thế giới. Vài năm trước, Liên Hợp Quốc (UN) từng cho biết chỉ trong 10 năm sau khi thế kỉ 21 bắt đầu, số lượng ong trên thế giới đã giảm đi rất nhiều, giảm tới 85% ở khu vực Trung Đông, khoảng 30% ở Mỹ và Châu Âu. Ong là loài vật trung gian giúp thụ phấn cho hơn 75% cây lương thực và cây ăn trái trên thế giới, nghĩa là 1/3 nguồn lương thực của chúng ta đang bị đe dọa.
Những người nông dân trồng cây lương thực, nuôi ong sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước nhất nếu loài ong biến mất. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, tình trạng này sẽ khiến cả thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng khi các sản phẩm thịt, sữa, rau xanh và trái cây trở nên khan hiếm.
Nếu loài ong biến mất, ly cà phê bạn uống có thể sẽ không còn đượm vị, lũ trẻ có thể không đủ sữa uống mỗi ngày, chiếc áo cotton bạn mặc có thể tăng giá. Nguyên nhân bởi ong thụ phấn cho khoảng 80% cây nông nghiệp cho toàn cầu như dưa chuột, táo, bông,… thậm chí cả cỏ linh lăng vốn là thức ăn chủ yếu của loài bò.
Thuốc trừ sâu Neonicotinoid đã bắt đầu bị cấm sử dụng ở EU kể từ năm 2013, đây là loại thuốc trừ sâu có gốc từ nicotine (chất gây nghiện có trong thuốc lá), có thể được hòa tan trong nước rồi phun lên cây trồng để cây tự hấp thụ, tạo thành “hệ miễn dịch” nhân tạo cho chúng để chống lại sâu bệnh. Neoincotinoid được cho là có tác dụng chống lại sâu bệnh, côn trùng nhưng an toàn cho các loài động vật có vú, tuy nhiên vì tác dụng mạnh lên côn trùng nên nó cũng ảnh hưởng trực tiếp lên ong, làm giảm số lượng của chúng.
Loại thuốc trừ sâu này được cho là làm giảm tới 40% lượng tinh trùng của ong đực, cũng như giảm tuổi thọ của chúng (từ trung bình 22 ngày xuống còn 15 ngày), chính vì vậy mà khả năng ong đực thụ tinh cho ong chúa cũng bị giảm xuống. Nói cách khác, neonicotinoid giống như “thuốc ngừa thai” cho ong, vốn sẽ có tác dụng tiêu cực và làm giảm số lượng của loài ong. Chính vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp để hạn chế tác dụng phụ này, trước khi mùa màng của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất đi loài ong.
Tiến sĩ Bernard Vaissière, thuộc Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), giải thích: nếu loài ong biến mất, 80% các loài thực vật sẽ bị đe dọa, kéo theo sự biến mất của 1/3 nguồn lương thực của chúng ta. Thật vậy, 80% việc thụ phấn của thực vật là nhờ côn trùng, nhất là nhờ 20.000 loại ong trên toàn thế giới. Không có loài côn trùng thụ phấn nào (ruồi, bướm, kiến…) có thể so sánh với loài ong do thân ong có rất nhiều lông, có khả năng bám giữ một lượng phấn rất lớn. Một ưu điểm khác: ong trung thành với một loài thực vật nào đó, nhờ đó bảo đảm sự hòa trộn gen giữa đực và cái.
Mỗi mùa xuân tới, hầu hết tại các khu vực bị dịch ong, chủ vườn phải đưa ong từ nơi khác đến, hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đó không giúp được bao nhiêu – hầu hết những con ong di cư sẽ bị chết trong mùa tới. Hơn nữa, có một nguy cơ là khi vận chuyển sẽ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, trong năm 1998, lần đầu tiên tại Mỹ đã ghi nhận trường hợp gia đình ong nhiễm dịch với bọ cánh cứng. Trước đó, bệnh này chỉ có ở Nam Phi. Khi lọt vào Mỹ, bọ cánh cứng trở thành một thảm họa thực sự cho người nuôi ong. Chủ tịch Liên minh nuôi ong quốc gia Nga Arnold Butov cho biết:
“Bọ cánh cứng không chỉ ăn ong, mà còn ăn tất cả mọi thứ như tổ ong, khung gỗ, mật ong và mọi thứ khác. Điều tồi tệ nhất là nó có thể lây lan không chỉ qua sản phẩm nuôi ong hoặc bản thân con ong, mà còn lây qua bàn ghế và các đồ gỗ khác.”
Ở Úc, sau một năm, bọ cánh cứng từ Sydney cũng đã lan rộng trên cả nước.
Một vấn đề lớn khác là ve và ruồi ký sinh. Chúng thâm nhập vào cơ thể của ong và ăn từ bên trong ruột ong ra ngoài. Kết quả con ong bị yếu dần, sinh ra ong con tàn tật, mất khả năng điều hướng trong không gian và cuối cùng chết vì đói. Thoát khỏi tai họa này là điều không thể. Phá hủy đõ ong, lựa chọn ong lành và thay đổi vị trí chuồng trại, nhà nuôi ong chỉ có thể hy vọng vào may mắn. Bản thân ong không có khả năng chống lại ký sinh trùng và vi rút. Ông Anatoly Kochetov, tiến sĩ khoa học nông nghiệp, nhà nuôi ong công huân Nga khẳng định rằng cuộc sống bên cạnh con người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của loài ong. Ông Kochetov nói:
“Cũng giống như con người, ong sẽ bị bệnh nếu có lối sống không lành mạnh và chế độ ăn uống sai lầm. Khi chúng ta thuần hóa ong và bắt đầu cố gắng để có nhiều sản phẩm ong: mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, sáp ong, nọc độc ong… chúng ta và loài ong đều quên mất chuyện ong đã từng sống trong tự nhiên, 50 triệu năm trước. Khi đó, chúng tự lo tất cả mọi thứ cho mình. Còn bây giờ chúng ta thuần hóa chúng, làm cho chúng quên đi bản năng. Do đó chúng bị bệnh. Thêm vào đó là việc mở rộng mạng điện thoại di động. Thêm nhiều đường tải sóng phá vỡ hệ sinh thái. Tất cả những điều đó tác động tiêu cực lên loài ong.”
Những con ong nhà bị bệnh truyền bệnh cho họ hàng hoang dã của chúng. Nếu ong bị nấm hay virus đậu xuống bong hoa, sau đó ong nghệ cũng hút mật bong hoa đó, khả năng lây lan bệnh là rất cao. Hàng loạt ong nhà và các loài hút mật khác chết đồng loạt sẽ khiến cho diện mạo hành tinh này sớm thay đổi. 80% thực vật có hoa trên thế giới được thụ phấn bởi côn trùng. Hôm nay ở các nước khác nhau có những trang trại phải thuê công nhân dùng bàn chải thụ phấn nhân tạo. Tuy nhiên, không thể đủ nhân công để thụ phấn cho tất cả mọi bông hoa. Vào thời mình, Albert Einstein từng nói rằng nếu loài ong chết đi, bốn năm sau đó nhân loại cũng sẽ chết. Bây giờ, thế giới còn lại rất ít ong.
Theo Tinh Tế