Việc phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM đã đặt Triều Tiên ngang hàng với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vốn cũng đã phát triển ICBM trên mặt đất.
Cái gì nguy hiểm hơn một đầu đạn hạt nhân? Đó chính là một tên lửa tầm siêu xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đó đến những bờ biển xa.
Và hiện nay, Triều Tiên đã sở hữu được vũ khí đáng sợ này, khiến nước này trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa hay còn gọi là ICBM.
Hôm 4/7, Bình Nhưỡng lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa Hwasong – 14. Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA tuyên bố rằng, tên lửa này có thể mang một đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa này đã đạt độ cao 2.802 km, bắn trúng mục tiêu trên biển Nhật Bản sau khi bay 39 phút. Tuy nhiên nếu bắn ở góc chuẩn, nó có thể đạt tầm bắn tối đa 6.700 km, teo David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ.
“Việc phóng thử thành công này có nghĩa là Triều Tiên có thể đánh Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”, theo lời của ông Jeffrey Lewis – Giám đốc chương trình hạn chế vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey. Những tên lửa trước đó của Triều Tiên đều là tầm ngắn và tầm trung chỉ có thể đánh các mục tiêu gần.
Việc phóng thành công này đã đặt Triều Tiên vào cùng hàng với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vốn cũng đã phát triển ICBM trên mặt đất. Anh, Pháp cùng với Nga, Trung Quốc và Mỹ sở hữu những tên lửa tương tự được triển khai trên tàu ngầm.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi “hành động toàn cầu” và hứa sẽ “ban hành những biện pháp mạnh mẽ hơn” để răn đe đất nước bí ẩn nhất thế giới này. Ngày 5/7, Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc để cho thấy quyết tâm đáp lại việc phóng thử này.
“Hầu hết các quốc gia có ICBM lo ngại về những mối đe dọa từ xa”, theo lời của Joseph S. Bermudez Jr, chuyên gia phân tích hình ảnh nổi tiếng thuộc trang tin 38 North của Viện Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins. “Việc có khả năng đánh các mục tiêu cách 8.000 – 9.500 km có thể đe dọa một siêu cường”.
Mỹ rõ ràng là siêu cường mà Bình Nhưỡng nghĩ đến. Sau vụ thử tên lửa thành công, KCNA đã tuyên bố rằng: “Nó có thể kết thúc mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của Mỹ”.
Chính quyền của Tổng thống Trump chủ yếu dựa vào Trung Quốc, đối tác buôn bán lớn nhất của Triều Tiên, để ép Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng Bắc Kinh có vẻ không mấy nỗ lực khi thương mại giữa hai nước này đã tăng trưởng trong quý đầu của năm 2017.
Mỹ có một hệ thống phòng thủ tên lửa đặt tại Alaska được thiết kế chuyên để bắn hạ các ICBM. Tuy nhiên, ông Lewis có vẻ như không hoàn toàn yên tâm khi lưu ý rằng “có một số nghi ngờ về việc liệu nó có thể thực sự hoạt động như mong muốn hay không”.
Tuy nhiên, việc phóng thử tên lửa mặc dù thành công, nhưng không biểu thị hệ thống sẵn sàng hoạt động. Hiện nay, nó vẫn chỉ là nguyên mẫu.
“Đây không phải là mối đe dọa hiện nay”, theo Bermudez. “Đây là một mối đe dọa đang nổi lên nhanh hơn chúng ta tưởng“.
Thep FP