Nhiều loại giấy tờ như khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử… sẽ được thay thế bằng số định danh gồm 12 chữ số.
Thủ tướng Chính phủ 20/6/2017 ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Đề án nhằm mục tiêu đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở VN.
Từ năm 2016, tổ chức triển khai nhập thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân. Đến năm 2020, tất cả các công dân đều có mã số công dân.
Ngoài ra, đề án cũng đưa ra mục tiêu phát triển các loại thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để có thể thay thế nhiều loại giấy tờ hiện nay như khai sinh, đăng ký kết hôn, hộ khẩu…
Ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết, TP Cần Thơ cũng không có quy định phải có hộ khẩu tại địa phương mới được tuyển dụng.
Trong kế hoạch tuyển dụng công chức tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện năm 2017 của UBND TP Đà Nẵng, ngoài các tiêu chuẩn về độ tuổi trình độ, hoàn toàn không đề cập đến yêu cầu về hộ khẩu.
Đó thực sự là những tin vui cho rất nhiều người, bởi nó tạo sự bình đẳng hơn trong thi tuyển.
Sổ hộ khẩu tại một số nơi từng “tác quái” trong nhiều chuyện. Không chỉ riêng tuyển dụng công chức, viên chức, thu hút chuyên gia giỏi, đòi hộ khẩu mà vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức vẫn đòi hộ khẩu trong các lĩnh vực khác như lắp đặt điện sinh hoạt, sử dụng nước sạch, mắc điện thoại cố định…
Thậm chí có những tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng đòi phải có hộ khẩu, ưu tiên cho người có hộ khẩu ở thành phố.
Đối với các thủ tục hành chính thì việc yêu cầu phải có hộ khẩu khi thực hiện các giao dịch là khá phổ biến như thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch, vay vốn ngân hàng, hồ sơ, lý lịch…
Đặc biệt, những rào cản này gây ảnh hưởng tới trẻ em – đối với những quyền lợi về bảo hiểm y tế và giáo dục – làm hạn chế khả năng thay đổi địa vị xã hội của các thế hệ sau.
Theo tài liệu khảo sát do Ngân hàng thế giới và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố, được xuất bản tháng 6/2016, thì 36% dân cư ở TP.HCM, 18%, ở Hà Nội là không có hộ khẩu thường trú tại nơi cư trú.
Có tới 70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ hộ khẩu này làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng.
Luật Cư trú năm 2006 đã có bước cải tiến giảm bớt những rào cản đối với việc đăng ký hộ khẩu thường trú, và giảm thời hạn cư trú bắt buộc từ 3 năm xuống còn 1 năm.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi vào năm 2013 lại đi ngược lại định hướng cải cách này, thông qua việc tăng thời hạn cư trú lên 2 năm và quy định rõ việc cho phép chính quyền địa phương đưa ra những chính sách cư trú riêng.
Những quy định hạn chế việc đăng ký hộ khẩu thường trú cũng đã được áp dụng tại Đà Nẵng và tại Hà Nội (quy định của Luật Thủ đô).
Theo như quy định của Luật Hộ tịch, có hiệu lực vào đầu năm 2016, Chính phủ đang thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và thẻ căn cước công dân với số căn cước được gắn với cơ sở dữ liệu này, trong đó có thông tin nơi thường trú cũng như nơi cư trú hiện tại.
Hệ thống này thay thế phần lớn những thủ tục giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho cả Chính phủ và công dân trong việc đăng ký hộ khẩu.
TinhHoa tổng hợp