Ngày 18/7/2019, ông Đặng Minh Tấn – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đã ký văn bản 1026/PGDĐT, về việc phối hợp, hỗ trợ Công ty dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm “Áo lá kháng khuẩn”, và nhận không ít những phản ứng tiêu cực từ người dân.
Theo đó, văn bản đề nghị trường triển khai, giới thiệu sản phẩm “Áo lá kháng khuẩn” đến học sinh, thông báo các em mua sử dụng với tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Chưa hết, nhà trường còn phải lập danh sách học sinh có nhu cầu mua sử dụng, liên hệ công ty Nguyên Dung để đăng ký và thanh toán trực tiếp với công ty. Trong công văn thậm chí còn không quên ghi cả giá sản phẩm (Giá 129.000 VNĐ).
Sau khi văn bản này được đăng tải, đã gây bất ngờ và không ít các trường tỏ vẻ ngần ngại. Có người cho rằng, việc ra một công văn để giúp một thương hiệu bán những sản phẩm nhạy cảm trong môi trường lành mạnh như giáo dục có phần hài hước.
Lâu nay, một số trường học vẫn bị phê bình vì biến lớp học thành cái chợ khi tiếp thị bán đủ các loại đồ “thượng vàng hạ cám” như sách vở rồi ép học sinh mua tăm, mua sách báo hay đồ dùng học tập…
Nhưng lần này việc “tiếp thị” áo lót cho nữ sinh bằng công văn từ nhiều cấp quản lý thì chỉ có ở tỉnh Long An (hoặc mới phát hiện ở tỉnh Long An).
Cái áo lá trong văn bản 1026/PGDĐT của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước thực chất là chiếc áo lót dành cho lứa tuổi đang dậy thì của nữ sinh. Không biết có phải ngành Giáo dục của tỉnh nhà làm thay việc của cha mẹ học sinh nữ hay không nhưng lại rất nhiệt tình khi ra hẳn công văn giới thiệu hàng “áo lá diệt khuẩn”.
Chắc ngành Giáo dục của tỉnh Long An biết Công văn là phương tiện giao tiếp chính thức của cơ quan Nhà nước với cấp trên, cấp dưới và với công dân và có công văn nghĩa là có tiếng nói chính thức của ngành.
Nếu tiếng nói chính thức của ngành Giáo dục Long An bắt Hiệu trưởng đi giới thiệu áo lót cho nữ sinh thì đúng là chịu thật rồi.
Đến nay, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đứng trước phản ứng của dư luận đã lên tiếng hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Ông Phạm Văn Thở, Chánh văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Long An cũng cho hay: “Nhưng trước phản ứng của dư luận, Sở nhận thấy, việc ban hành văn bản này là còn khiếm khuyết. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản về sau. Đồng thời thông báo việc ngừng hỗ trợ doanh nghiệp bán sản phẩm đến các đơn vị trực thuộc”, ông Phạm Văn Thở trình bày.
Qua đó việc làm của sở GD&ĐT tỉnh Long An khiến nhiều người nghi ngờ rằng đang có động cơ gì, nhận được bao nhiêu “lợi ích” khi tiếp tay cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường từ hàng ngàn học sinh trên địa bàn?
Từ đó, dư luận còn có quyền đặt câu hỏi, những công văn của sở GD&ĐT tỉnh Long An và phòng GD&ĐT huyện Cần Đước để giới thiệu sản phẩm của một doanh nghiệp đến các trường học là có đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này hay không?
Vì nếu chiểu theo các quy định về quản lý Nhà nước, sở GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý về giáo dục và đào tạo như mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo;….
Có điều khoản nào cho phép sở GD&ĐT đi tiếp thị, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp? Đặc biệt là sản phẩm không liên quan gì đến việc dạy và học như áo lót cho nữ sinh?
Trong khi đó, việc đảm bảo chất lượng giáo dục của sở GD&ĐT tỉnh Long An lại rất đáng ngạc nhiên. Theo số liệu được chính cơ quan này công bố ngày 14/7, kết quả phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 của địa phương chỉ có 27,64% thí sinh có điểm thi môn Lịch sử đạt từ điểm 5. Còn môn tiếng Anh, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình cũng chỉ có 29,72%.
Anh Thư (t/h)