Câu chuyện trả phòng của một nữ sinh viên sau 2 năm ở trọ phải chịu cảnh “chặt chém” tới 11 triệu đồng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đây dường như là câu chuyện thường thấy đối với cảnh đời sinh viên thuê trọ.
Sinh viên đi thuê trọ có rất nhiều điều oái oăm phải đối mặt hàng ngày. Nếu không vì thói ki bo, tính toán chi ly của bạn cùng phòng thì cũng gặp phải vô vàn nỗi thống khổ khi đối mặt với những chủ nhà “tai quái”. Thế mới nói, đi ở trọ là những câu chuyện chẳng bao giờ kể hết!
Cô sinh viên bị chủ trọ “chặt chém” 11 triệu đồng sau khi trả phòng
Nhiều sinh viên đã xác định khi đi thuê trọ thì “quyền lực” sẽ nằm trong tay chủ trọ. Dù đúng dù sai thì trên danh nghĩa của kẻ đi thuê, nhiều bạn vẫn không thể cãi lại được những khoản “luật rừng” mà chủ nhà đưa ra.
Dẫu biết là thế, nhưng khi nghe chuyện một nữ sinh phải chịu cảnh “chặt chém” những… 11 triệu đồng trả phòng sau 2 năm thuê trọ khiến nhiều người phát hoảng.
Ngay sau khi được chia sẻ, câu chuyện trên đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là các bạn sinh viên cũng đang phải đi thuê trọ.
Bên cạnh thái độ cảm thông, cho rằng chủ nhà đã cố tình làm khó nữ sinh với mức giá đền bù trên trời, nhiều người cũng lên tiếng rằng khoản tiền đó là hợp lý vì giá thuê chung cư không hề rẻ và đây cũng là cách để chủ trọ “làm mẫu” cho những trường hợp ở trọ không có ý thức giữ gìn.
Chưa vội phán xét ai đúng ai sai trong chuyện này nhưng những rắc rối mà nhiều sinh viên đi thuê trọ gặp phải vẫn đang diễn ra thường xuyên. Đây cũng không phải là lần đầu việc “vạch trần” chủ trọ được “bày ra trước thiên hạ” thông qua các trang mạng xã hội.
Nhiều sinh viên khi đi thuê trọ thường không ký hợp đồng với chủ nhà, mọi thứ liên quan đều chỉ thỏa thuận, giao kèo bằng miệng. Do đó đến lúc muốn chuyển đi, mọi việc xoay quanh hợp đồng cùng những khoản đền bù kéo theo khiến nhiều bạn sinh viên “dở khóc dở cười”.
Sinh viên khóc ròng vì nhiều kiểu ‘chặt chém’
Sau khi chia sẻ trên Facebook, câu chuyện được hàng nghìn người chia sẻ. Rất nhiều bạn trẻ đã bày tỏ suy nghĩ về vấn đề này vì cho biết từng gặp trường hợp tương tự. Hoàng Văn Long (22 tuổi, Quảng Ninh) tâm sự bạn cũng gặp phải tình trạng bị “chặt chém” tương tự. 9X cho rằng chủ nhà trọ nhiều nơi “chặt chém” sinh viên.
“Mình đến ở hôm 26 tháng trước thì trả tiền 4 ngày cuối tháng cộng tháng mới, đến mùng 10 thì cũng tính tiền cả tháng. Điện nước chủ nhà chia ra hay tính thế nào thì cũng lãi. Thậm chí, nhiều chủ nhà vừa không phải trả mà lại còn lấy thêm”, Long kể.
Có lần, 9X còn bị chủ nhà “lật lọng” mất tiền thuê trọ: “Mỗi tháng mình vẫn đến nhà nộp cho bà chủ ghi vào sổ. Đến hẹn nộp tiền nhà, bà chủ ra nước ngoài một tháng, mình nộp tiền cho ông chủ, chỉ ghi vào tờ giấy mang về. Đến tháng sau, qua 2 lần nộp tiền rồi, bà chủ bảo mình tháng trước chưa đóng tiền”.
Do quá chủ quan nên giấy tờ nộp tiền Long không còn giữ. Bạn đành thở dài khi mất oan tiền thuê trọ.
Bạn Lê Hoàng Phương, sinh viên Cao đẳng Thương mại và Du lịch Việt, đang thuê trọ ở phố Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chủ nhà trọ nơi mình thuê tính giá điện là 5.000 đồng/kWh và 200.000 đồng tiền mạng/người/tháng. Giá tiền thu quá cao mà mạng thì vẫn chậm”.
Phương còn gặp trường hợp oái oăm hơn khi chủ nhà bắt đền phải thông cống. Cô phải nộp một triệu đồng với lý do làm tắc cống. Đến khi nữ sinh tự gọi thợ hỏi, giá chỉ có 300.000 đồng. Song do không còn cách nào khác, Phương vẫn phải “ngậm bồ hòn” mà tiếp tục thuê trọ.
“Mình và bạn ở trọ chung, đặt cọc trước. Khi chuyển trọ, chúng mình đến lấy lại, bác chủ kê khai thiệt hại, trừ các khoản hết tiền đặt cọc, còn bắt nộp thêm 400.000 đồng”, Lê Văn Tuyên, sinh viên năm cuối ĐH Kiến trúc Hà Nội kể.
Quỳnh Mai (SV năm 3, Đại học Ngoại Thương Hà Nội) thuê trọ cùng bạn thân ở phố Chùa Láng cho biết, ngày mới thuê phòng giữa 2 bạn và chủ nhà có ký với nhau 1 bản hợp đồng quy định khá chi tiết các điều khoản liên quan. Được hơn 2 năm, Mai cùng bạn muốn chuyển nhà đã gặp phải chuyện mà chẳng bao giờ “muốn nhớ lại”.
“Chúng mình có báo chuyển đi trước 1 tháng nhưng khi xuống nói chuyện thì cô chủ không hợp tác lắm. Cô bắt tụi mình phải tìm được người thuê thay thế, nhưng sau cô tự tìm được rồi thì ép chúng mình phải chuyển đi mau. Cô cũng bảo là dù báo trước nhưng sẽ không được hoàn lại đủ tiền đặt cọc như trong hợp đồng, ngoài ra còn phát sinh khoản đền bù 500.000 rất vô lý nữa”.
Trong câu chuyện với Mỹ Linh (sinh viên năm nhất, ĐH Thương Mại), nữ sinh cho biết dù mới ra Hà Nội sinh sống gần 1 năm nay nhưng đã cùng bạn thân chuyển nhà đã 2 lần. Mỗi lần chuyển đến phòng mới đều ký hợp đồng cẩn thận với chủ nhà nhưng cũng không tránh được tình trạng “chặt chém” vô tội vạ.
“Trước khi thuê phòng chúng mình có 1 bản kê khai tài sản, trong đó có 1 chiếc máy hút bụi ghi giá hơn 10 triệu nhưng trong quá trình sinh sống, hai đứa mình chưa hề đụng đến. Ngày thanh lý hợp đồng, cô chủ nhà yêu cầu chúng mình đền bù khoản tiền 10 triệu đó vì máy hút bụi kiểm tra có dấu hiệu hỏng hóc. Thực sự làm sao biết được nó có hỏng trước khi 2 đứa mình chuyển đến hay không?”.
Và còn đó nào là chuyện giá dịch vụ cao “ngất trời” mà thực sự chất lượng lại cực tỷ lệ nghịch, những khoản tiền phạt vô lý “từ trên trời rơi xuống”,… Sự thật là dù có hợp đồng hay không, nhiều bạn trẻ vẫn rơi vào những tình cảnh “éo le” như thế. Bình thường thì không sao nhưng hễ các bạn muốn chuyển nhà thì đều phải đối mặt với những khoản đền bù “trời ơi đất hỡi”.
Đọc kỹ bản hợp đồng cho thuê trước khi đặt bút ký!
Ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ bạn sinh viên nào, ngay cả với những người đã đi làm. Vì vậy trước khi ở trọ các bạn nên tìm hiểu kỹ địa điểm rồi mới thuê. Đừng thuê nhà quá vội vàng mà hãy dành khoảng thời gian quan sát kỹ về nơi ở và nấu ăn, phơi quần áo, để xe cộ trong khu nhà bạn muốn thuê, vấn đề an ninh cũng rất quan trọng.
Nhiều sinh viên khẳng định rằng hợp đồng là vô cùng cần thiết, trên đó cần kê khai chi tiết mọi điều khoản và được sự thỏa thuận giữa 2 bên. Để có thể, trong những trường hợp xấu nhất đó sẽ là “lá bài” bảo vệ sinh viên trước những khoản “chặt chém” phụ thêm của chủ nhà.
Nếu không may rơi vào hoàn cảnh “trớ trêu” như các bạn sinh viên trên, xin đừng im lặng! Hãy thông báo ngay với gia đình, bố mẹ hay người thân để tìm cách giải quyết thỏa đáng với phía chủ trọ.
Việc phải đối phó với hàng loạt những chiêu trò của chủ trọ tuy không vui vẻ gì cho cam nhưng cũng là những bài học đầu đời, là những kinh nghiệm xương máu cho các bạn sinh viên khi bắt đầu cuộc sống tự lập.
TinhHoa tổng hợp