Tinh Hoa

Sinh viên bức xúc vì không xin được việc do bằng tốt nghiệp sai chính tả

Hàng trăm sinh viên Trường trung cấp Bách khoa Bình Dương bị các doanh nghiệp từ chối nhận vào làm vì bằng tốt nghiệp ghi sai lỗi chính tả tiếng Anh.

Từ Pharmacy trong “Major in Pharmacy Technician” bị in sai chính tả thành Farmancy.

Từ “Major in Pharmacy Technician” trong tấm bằng tốt nghiệp ngành dược sĩ trung cấp trường Trung cấp Bách khoa Bình Dương bị in sai chính tả thành “Major in Farmacy Technician”, khiến nhiều sinh viên không xin được việc, vì hầu hết các nhà tuyển dụng đều nghi ngờ tính chân thật của tấm bằng.

“Doanh nghiệp, công sở không nhận đã đành, thậm chí đến tiệm thuốc tây tư nhân còn không nhận tôi vào làm vì lỗi chính tả này. Họ sợ đây là tấm bằng giả nên nói tôi lúc nào nhà trường giải quyết thì mới nhận vào làm”, chị Nguyễn Thị Giang Hân bức xúc nói.

Chị Nguyễn Anh H, quê Vĩnh Cửu, Đồng Nai, đã tá hoả khi cầm tấm bằng đi công chứng, vì chị được cho biết, tấm bằng đã bị viết sai chính tả, và chữ “Farmacy” chẳng có ý nghĩa gì, chị H thắc mắc tại sao nhà trường lại thay thế chữ “Ph” thành chữ “F” .

Không chỉ riêng chị H và chị Hân gặp trường hợp trên, mà con rất nhiều sinh viên khác trong trường Trung cấp Bách khoa Bình Dương, thuộc chi nhánh đào tạo tỉnh Đồng Nai, tốt nghiệp ngành dược sỹ cũng cùng chung số phận.

Nhiều người đã phải làm việc rất vất vả đóng tiền học phí tới mấy chục triệu đồng, nhưng sau khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp thì lại không thể xin được việc. Anh H. quê Bến Tre chia sẻ:“Khi phát hiện tấm bằng của mình không thể xin việc được, mình không dám thông báo cho gia đình biết vì sợ gia đình sẽ lo lắng. Trong thời gian học mình đã phải đi làm thêm để dành dụm thêm tiền đóng học phí, ban ngày thì đi làm tối đến tôi lại đi học, cố gắng để lấy được tấm bằng rồi sau này tìm được công việc ổn định hơn”.

Nhiều sinh viên đã phản ảnh lại với nhà trường về trường hợp trên.

Đáp lại những bức xúc này, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa Bình Dương là ông Mai Anh Nguyệt cho biết:

Hiện Bộ GD-ĐT cũng không có bản dịch chuẩn từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhiều người cho rằng chữ Pharma… phải là chữ Ph. Tuy nhiên, phần chữ F trong bằng tốt nghiệp trường đã cấp cho sinh viên là chữ viết tắt nên cũng không có gì sai và không phải là sai”.

Tuy nhiên, ông Nguyệt khẳng định: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu từ các chuyên gia để điều chỉnh lại bằng tốt nghiệp cho các khóa tiếp theo”.

Mặc dù nhìn nhận là trường có sai sót nhưng ông Nguyệt cho rằng những sinh viên khác với tấm bằng này ra trường vẫn được các doanh nghiệp chấp nhận. Quan trọng là kiến thức kỹ năng của các bạn đã nắm bắt được và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Chỉ có mấy sinh viên ngoan cố dù trường đã giải thích và có phương án giải quyết nhưng các em này vẫn cố tình làm tới để ảnh hưởng uy tín của trường và cả uy tín của sinh viên trường nữa”, ông Nguyệt nói.

Một cư dân mạng có nickname là Bs Đỗ Tài chia sẻ. “Làm sai đã không chịu nhận còn đổ lỗi cho người ta ngoan cố. Thật buồn cho ông hiệu trưởng, nói chuyện như dân chợ đen”.

Dư luận bày tỏ thái độ tức giận, và lo lắng cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay: “Xã hội này có thừa Tiến sỹ, sao lại đưa ông Thạc sỹ chẳng biết chút tiếng Anh gì làm hiệu trưởng, tư duy của một hiệu trưởng cỡ này thì dạy dỗ được gì? Trường cẩu thả thì tạo ra toàn con người cẩu thả. Lúc này Bộ giáo dục đang ở đâu sao không đứng ra để giải quyết sự việc nghiêm trọng thế này cho hàng trăm sinh viên”, bạn Châu Minh đưa ra ý kiến.

Theo tuoitre.vn